Trên các cánh đồng ngô xuân tại các xã Tân Lập, Phan Thanh, Minh Tiến, Lâm Thượng... của huyện Lục Yên, bà con nông dân đang tích cực thăm đồng phòng trừ "sâu keo mùa thu”. Trên diện tích gần 1.000 m2 đất ruộng, các năm trước chỉ trồng lạc thì năm nay ông Hoàng Văn Thái ở thôn Thủy Văn, xã Phan Thanh quyết định trồng ngô nếp và để lại một mảnh trồng lạc. Cách đây gần 1 tháng, ông phát hiện ngô trồng bị sâu ăn lá và nõn.
Khi bóc nõn ngô, thấy sâu (gần giống như sâu đất), thân to, dài, cây ít thì 1 con, nhiều có tới 2 con nằm gọn trong lá non. Đặc biệt, có những con đã đục lỗ chui xuống thân. Chỉ 10 ngày sau, một số ruộng, lá ngô như vừa trải qua trận mưa đá.
Ông Thái chia sẻ: "Mặc dù nhiều năm làm nông nghiệp, nhưng lần đầu tiên tôi chứng kiến một loại sâu có sự tàn phá nhanh như vậy, tập trung nhiều nhất ở diện tích ngô xoáy nõn và trỗ cờ. Tôi chủ động tìm hiểu, nhờ cán bộ khuyến nông huyện tư vấn mua thuốc bảo vệ thực vật về phun. Riêng diện tích ngô mới trồng, tôi đã phun đến lần thứ 3 nên hạn chế tình trạng sâu gây hại. Qua một số lần thử nghiệm, chỉ có cách phun sớm ngay khi phát hiện sâu và xử lý theo hình thức tách ngọn bắt và chụm vòi phun vào ngọn ngô mới có tác dụng”.
Bà Hoàng Thị Tờ - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Lục Yên cho biết: Đây là loại sâu hại ngoại lai có phổ ký chủ rộng, gây hại tập trung với mật độ cao, sức tàn phá lớn dễ kháng thuốc, khả năng di chuyển nhanh rất dễ gây thành dịch hại trên diện rộng. Hiện nay, sâu đang phát sinh gây hại trên 40 ha ngô xuân tại các xã Phan Thanh, Tân Lập, Minh Tiến, Lâm Thượng... của huyện.
Theo nhận định, rất nhiều khả năng sâu sẽ gây hại trên ngô vụ sau và một số cây trồng khác trên địa bàn. Loài sâu này là loại đa thực, gây hại trên 80 loại cây trồng, gây hại nặng trên họ Poaceae như ngô, lúa, kê, mía; họ Liliaceae như hành, tỏi, măng tây; họ Brassicaceae như cải; họ Solanaceae như ớt; họ Cucurbitaceae như dưa chuột, cà rốt... sâu hoạt động về đêm, từ khi vũ hóa đến đẻ trứng có thể bay hàng trăm km. Sâu khi nở sâu non nhả tơ, nhờ gió di chuyển sang các cây bên cạnh.
"Chúng tập trung cắn phá đỉnh sinh trưởng của cây, nếu nguồn thức ăn khan hiếm chúng ăn cả các phần xanh, mềm của cây” - Bà Tờ nói.
Để chủ động phát hiện, phòng ngừa sự xâm nhiễm và gây hại của loài sâu hại này, bà con nông dân cần thường xuyên kiểm tra thực tế trên đồng ruộng, khi phát hiện có sâu cần báo ngay cho cơ quan chức năng, ngắt ổ trứng hoặc bắt sâu non vào sáng sớm hoặc chiều tối khi mật độ sâu thấp, sử dụng các bẫy đèn để bẫy sâu trưởng thành.
Cần làm kỹ đất để diệt nhộng trong đất, trồng ngô với thời vụ tập trung để cắt đứt nguồn thức ăn trên đồng ruộng; trồng ngô xen canh với cỏ voi, lạc hoặc đậu tương sẽ giảm bớt mật độ sâu hại; cải tạo hệ sinh thái, tạo điều kiện cho các loài thiên địch như ong ký sinh.
Bà con có thể sử dụng các chế phẩm nấm/Bt/NPV hoặc thuốc bảo vệ thực vật là dịch chiết thực vật để phun trừ khi mật độ thấp.
Biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học nên dùng khi sâu còn non có thể sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất Indoxacard; Chlorantraniliprole, lubendiamide... như Clever 300 WG; Captain 350SC; Ếch độc; Virtako 40WG; 20SC; Dylan 10EC... và nên phun kỹ trên ngọn cây, phun vào chiều mát để tăng hiệu quả phòng trừ.
Phạm Quang