Xác định vụ xuân là vụ cho năng suất cao, ngoài việc khuyến khích và cung ứng các giống lúa mới có năng suất, chất lượng vào sản xuất, ngay từ đầu vụ, Trung tâm chủ động xây dựng kế hoạch phòng trừ dịch hại, bảo vệ cây trồng, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.
Vì vậy, ngay sau khi phát hiện sâu bệnh gây hại trên lúa, đơn vị đã thông báo tới bà con nhân dân đối tượng gây hại, mật độ sâu trên hệ thống loa truyền thanh của xã đồng thời hướng dẫn, cung ứng các loại thuốc phòng trừ đặc hiệu cho bà con nông dân. Qua đó, hạn chế thấp nhất sâu bệnh lan ra diện rộng, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng.
Vụ xuân năm 2019, huyện Lục Yên đưa vào gieo cấy 3.350 ha lúa, với cơ cấu 50% lúa lai, 50% lúa thuần và các giống lúa chất lượng cao. Hiện nay, lúa xuân trà I đang ở giai đoạn ngậm sữa, trà II ở giai đoạn làm đòng - trỗ, qua khảo sát cùng cán bộ khuyến nông tại các xã Minh Xuân, Liễu Đô, An Phú...
Nhìn chung, các trà lúa sinh trưởng phát triển bình thường. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, nắng, mưa xen kẽ đã tạo điều kiện thuận lợi cho một số đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại mạnh và có khả năng lây lan trên diện rộng như bệnh đạo ôn lá chuyển tiếp lên hại cổ bông ở các giống nhiễm như J02, Bắc thơm 7, BC 15, nếp các loại...
Qua thống kê, toàn huyện có 548 ha lúa xuân bị nhiễm bệnh khô vằn, trong đó diện tích nhiễm nhẹ 425 ha, nhiễm trung bình 123 ha. Trên cánh đồng thôn Sơn Hạ, xã Mai Sơn, chị Hoàng Thị Dung - một người dân trong thôn cho biết: "Vụ xuân năm 2019, gia đình gieo cấy 5 sào bằng giống J02 và Bắc thơm, mọi năm hay xuất hiện sâu cuốn lá, sâu xanh lắm, nên tôi phải thường xuyên thăm đồng, kiểm tra kỹ từng cây lúa. Nếu có sâu thì phải phun diệt trừ ngay, đồng thời kiểm tra mực nước và làm cỏ cho lúa phát triển trong điều kiện tốt nhất”.
Theo ông Âu Văn Tình - Phó Chủ tịch UBND xã Mai Sơn, vụ này toàn xã gieo cấy gần 150 ha lúa xuân. Mặc dù chưa xuất hiện các loại sâu bệnh nhưng để bảo đảm lúa sinh trưởng, phát triển tốt, xã chỉ đạo cán bộ nông nghiệp, cán bộ phụ trách thôn cùng các trưởng thôn tăng cường hướng dẫn nông dân tích cực thăm đồng nhằm phát hiện sớm sâu bệnh.
Bà Hoàng Thị Tờ - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Lục Yên cho biết: "Trong tháng 5, cây lúa ở giai đoạn trỗ - chín bệnh đạo ôn cổ bông sẽ phát sinh và lây lan mạnh, các đối tượng dịch hại khác như rầy nâu, rầy lưng trắng, chuột, bệnh bạc lá sẽ xuất hiện... Trung tâm đã đề nghị UBND các xã, thị trấn phối hợp chỉ đạo nông dân nếu phát hiện đạo ôn lá phải phun phòng đạo ôn cổ bông trước trỗ 7- 10 ngày và sau trỗ 7- 10 ngày bằng thuốc Katana 20 SC, Fujione 40 EC, AVINDUC 300 SC, Sạch bệnh F88... Đối với bệnh khô vằn, phun thuốc sớm khi bệnh chớm xuất hiện bằng thuốc Tilt Super 300 EC, Validacin 3 SL, Vida, Calivil 55 SC... Sau mưa dông tiến hành kiểm tra đồng ruộng, khi phát hiện bệnh bạc lá, sọc vi khuẩn cần phun phòng trừ bằng các loại thuốc Xanthomix 20 WP, Starwiner 20 WP...”
Kinh nghiệm sản xuất vụ xuân từ nhiều năm cho thấy những năm thời tiết rét thì được mùa, thời tiết trung bình thì bội thu, còn thời tiết ấm thì năng suất không cao. Mặc dù hiện nay, cơ cấu giống lúa đã có nhiều thay đổi, trình độ khoa học kỹ thuật trong canh tác lúa cũng có những tiến bộ rõ rệt, nhưng rõ ràng, thời tiết ấm là một trong những yếu tố bất lợi có thể làm giảm năng suất lúa. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp và nông dân Lục Yên đang tập trung cao độ cho sản xuất, thực hiện đúng chỉ đạo, khuyến cáo của cơ quan chuyên môn để vụ xuân 2019 đạt được năng suất, sản lượng lúa cao nhất.
Quang Thiều