Văn Chấn chuyển đổi cây trồng thay cây ăn quả có múi bị bệnh

  • Cập nhật: Thứ tư, 29/5/2019 | 8:19:42 AM

YênBái - Hơn 1 năm tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh vàng lá, thối rễ, song đến nay, dịch bệnh này ở vùng cam Văn Chấn vẫn chưa có chiều hướng thuyên giảm. Đặc biệt, tại thị trấn Nông trường (TTNT) Trần Phú - khu vực trọng điểm phát triển cây ăn quả có múi, diện tích nhiễm bệnh đã chiếm trên 50%; trong đó, 1/3 phải chặt bỏ vì không còn khả năng khôi phục.

Chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn nhân dân TTNT Trần Phú phòng và trị bệnh trên cây cam.
Chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn nhân dân TTNT Trần Phú phòng và trị bệnh trên cây cam.

Ba năm trước, về TTNT Trần Phú, hình ảnh nổi bật là nhà nhà tấp nập cải tạo vườn tạp để trồng cam. Đến nay, sau hơn 2 năm trồng, chăm sóc, nhiều diện tích cam có biểu hiện vàng lá, thối rễ không còn khả năng hồi phục nên nhiều hộ đành bỏ vườn hoang. 

Gia đình anh Lê Nhất Hiếu ở tổ dân phố 7 có gần 1 ha cam, trong đó, trên 60% diện tích cam sành và cam sen từ 5 - 7 năm tuổi cũng đều bị nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ. Với hy vọng cứu chữa, khôi phục vườn cam, anh Hiếu đã bỏ cả trăm triệu đồng tiền thuốc nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Lo lắng cho thu nhập sau này, anh lại đầu tư các loại giống cây ăn quả mới về trồng nhưng chưa yên tâm về tương lai những loại cây này. 

Anh Hiếu cho biết: "Thực tế, có nhiều đoàn công tác về thử nghiệm các phương pháp phòng trừ dịch bệnh nhưng chưa có hiệu quả. Bây giờ người dân đang loay hoay không biết trồng cây gì. Bản thân gia đình tôi vẫn muốn trồng lại cây ăn quả, bởi hầu hết các diện tích đồi dốc đã được tạo đường băng. Nếu trồng chè thì lãng phí đất; trồng màu hay trồng rừng cũng không mấy hiệu quả”.

Với trên 500 ha cam, quýt, TTNT Trần Phú là một trong những địa phương có diện tích cây ăn quả có múi lớn nhất huyện. Tuy nhiên, nhiều diện tích cam chủ yếu là giống địa phương và được nhân giống bằng phương pháp chiết cành. 

Bởi vậy, đến nay đã có 248 ha có biểu hiện vàng lá, thối rễ, chiếm 60% tổng diện tích cam bị bệnh của huyện. Mặc dù, thị trấn đã phối hợp với các ngành chức năng của huyện và các đơn vị, doanh nghiệp thử nghiệm nhiều phương pháp, nhiều chủng loại thuốc khác nhau để phòng trừ nhưng đều chưa phát huy hiệu quả. 

Trước thực trạng đó, thị trấn đã vận động nhân dân chuyển đổi sang các loại cây trồng khác như: chè, quế, cây màu. Tuy nhiên, so về giá trị thu nhập với các loại cây khác, nhiều hộ vẫn mong muốn trồng lại cây cam. Huyện Văn Chấn đã cử nhiều đoàn công tác đến động viên và tìm giải pháp tháo gỡ cho nhân dân. 

Trên cơ sở ý kiến, nguyện vọng của nhân dân và đối chiếu thực tế quá trình phát triển các giống cam mới ở địa phương, huyện đang tích cực vận động nhân dân chuyển đổi sang một số cây trồng khác. 

Trong đó, với diện tích đồi cao, vận động nhân dân trồng quế, trồng rừng, diện tích có độ dốc thấp có thể trồng chè. Diện tích đất đã cải tạo thành các đường băng đồng mức để trồng cam, huyện chỉ đạo nhất thiết phải dọn dẹp sạch tàn dư cây bệnh, cải tạo đất bằng cách trồng màu vài năm, sau đó xử lý đất và trồng mới bằng các giống cây ăn quả hoặc giống cam có khả năng kháng bệnh cao. 

Qua triển khai vận động, đến nay, các hộ đã trồng thay thế được trên 20 ha quế, đăng ký chuyển đổi gần 20 ha chè. 

Thực tế cho thấy, cam là cây trồng giá trị kinh tế gắn với đời sống của hầu hết hộ dân TTNT Trần Phú. Vì sự phát triển của cây cam, những năm qua, nhiều hộ đã bỏ cây chè, cây lâm nghiệp, nay buộc phải chọn lại cây trồng khác quả là không dễ dàng. 

Tuy nhiên, trước sự bùng phát của dịch bệnh trên cây cam người dân cần cân nhắc kỹ khi trồng lại loài cây này. Chính vì vậy, việc lựa chọn thay đổi cây trồng khác trong một vài năm để cải tạo đất sẽ đảm bảo an toàn nhất cho việc xây dựng lại vùng cây ăn quả có múi trong tương lai.

Trần Ngọc

Tags Văn Chấn cam cây ăn quả có múi quế chè

Các tin khác

Vụ mùa năm 2019, huyện Văn Yên phấn đấu gieo cấy trên 3.000 ha lúa nước, năng suất đạt 51 tạ/ha, sản lượng trên 15.000 tấn. Huyện phấn đấu gieo cấy lúa mùa sớm đúng tiến độ, thời vụ để đảm bảo diện tích trồng cây vụ đông, đặc biệt là ngô vụ đông trên đất 2 vụ lúa.

Ảnh minh họa

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố tổ chức thông tin, tuyên truyền về thời gian mùa lũ (từ ngày 15/6 - 15/9) và việc vận hành điều tiết xả lũ của hồ chứa đến các cấp chính quyền, người dân khu vực hạ du, ven sông; rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho người, công trình và tài sản khi các hồ chứa xả lũ...

Tôm hùm đất nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam bị phát hiện tại Lạng Sơn ngày 25/5.

Tôm càng đỏ xuất xứ Australia, vỏ màu xanh rêu điểm vạch đỏ được đánh giá nguy hại không kém tôm hùm đất.

Ảnh minh họa

Việt Nam có thể trở thành nước xuất khẩu lớn thứ 7 vào Mỹ trong năm 2019 nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng 40,2% như quý I.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục