Trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã hỗ trợ nhân dân hơn 50.700 kg giống lúa các loại, 7.751 kg nilon che mạ để sản xuất vụ xuân, hơn 43.000 kg ngô giống. Năm 2019, huyện phấn đấu nâng tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 23.236 tấn; năng suất lúa trung bình đạt trên 48 tạ/ha, sản lượng ngô đạt gần 9.000 tấn. Đối với diện tích chè hữu cơ, huyện phân bổ chỉ tiêu sản xuất trên diện tích 150 ha tại các xã: Phình Hồ 90 ha, Làng Nhì 24,9 ha, Bản Công 35,1 ha.
Hiện nay, toàn bộ diện tích chè này người dân không sử dụng phân bón hóa học để chăm sóc, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh, thu hái bằng tay nên chất lượng chè tốt. Phấn đấu trong năm 2019, toàn huyện hoàn thành trồng mới 90 ha chè shan vùng cao, nâng tổng diện tích chè lên 634 ha, sản lượng chè búp tươi 850 tấn/năm.
Đối với chăn nuôi, huyện rà soát, đôn đốc, hướng dẫn chăm sóc, phòng dịch bệnh và phát triển tăng đàn; tiếp tục chỉ đạo phát triển chăn nuôi theo hướng bán chăn thả, khuyến khích chăn nuôi theo hướng trang trại để liên kết với các hợp tác xã, trường học tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay, tổng đàn trâu, bò của huyện có gần 13.200 con, đạt 98,2% kế hoạch; tổng đàn lợn có hơn 15.000 con, đạt 71,8% kế hoạch (trong đó, lợn bản địa có gần 14.000 con, đạt 77,2% kế hoạch); tổng đàn gà đen của huyện có hơn 6.000 con.
Đây là loại gà quý hiếm, có giá trị kinh cao nên huyện đang tiếp tục vận động nhân dân mua mới con giống để tăng đàn. Đối với sản phẩm dược liệu, huyện vận động nhân dân tiếp tục tập trung chăm sóc, thu hái quả sơn tra tươi trên diện tích 851 ha và 149 ha cây thảo quả, hướng đến xây dựng chỉ dẫn địa lý sản phẩm sơn tra Trạm Tấu.
Huyện cũng đang tập trung xây dựng chỉ dẫn địa lý "Lợn bản địa Trạm Tấu”, đăng ký bảo hộ sản phẩm sơn tra Trạm Tấu, chứng nhận chè Shan Phình Hồ - sản phẩm chè hữu cơ; chứng nhận các sản phẩm: gạo nếp 87, khoai sọ, măng ớt, măng sặt, gạo nương trở thành sản phẩm chủ lực, đặc sản của huyện.
Đi đôi với thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân và các giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng diện tích, tăng vụ... để thúc đẩy quá trình XDNTM, huyện còn tập trung quy hoạch vùng sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm; ưu tiên thực hiện các đề án phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là các chương trình về hỗ trợ giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống nhân dân; chú trọng đẩy mạnh phong trào xây dựng làng, xã văn hoá, vận động người dân tự cải tạo nơi ăn ở văn minh, hợp vệ sinh, giữ gìn cảnh quan, môi trường sống "xanh - sạch - đẹp”; tập trung phát triển hạ tầng giao thông, nhất là những tuyến giao thông chính, liên thôn, liên xã.
Trong 5 năm gần đây, từ các nguồn vốn Chương trình 30a, 135, WB, nguồn vốn ngân sách địa phương, huyện Trạm Tấu thực hiện nâng cấp và xây dựng mới hơn 50 km đường bê tông, mở mới hơn 300 km đường đất, tổng nguồn vốn hỗ trợ trên 177 tỷ đồng.
Từ năm 2016 đến nay, huyện triển khai 47 công trình về XDNTM gồm: 13 công trình giao thông, 30 công trình thủy lợi, 2 công trình giáo dục, 1 công trình cấp nước sinh hoạt, 1 công trình cơ sở hạ tầng thương mại với tổng vốn dự kiến đến năm 2019 là 72.100 triệu đồng. Năm 2019, huyện cũng phân bổ 4.305 triệu đồng để hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng các công trình XDNTM sau đầu tư. Đây là tiền đề, động lực để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Trạm Tấu tiếp tục phấn đấu vươn lên trong phát triển kinh tế - xã hội, sớm ra khỏi danh sách là huyện nghèo của cả nước.
Hồng Oanh