P.V: Thưa đồng chí, đề nghị đồng chí cho biết khái quát về tình hình hiện nay của lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh?
Đồng chí Nguyễn Minh Toàn: Trong những năm gần đây, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập hàng năm có chiều hướng gia tăng, năm 2015 là 146, năm 2016 là 189, năm 2017 là 212, năm 2018 là 255 và 5 tháng đầu năm 2019 là 92 doanh nghiệp.
Tính đến thời điểm tháng 5/2019, toàn tỉnh có 2.020 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 25.000 tỷ đồng.
Xếp theo tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) (theo Điều 6 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay đều thuộc loại DNNVV, chiếm trên 98% tổng số doanh nghiệp của tỉnh.
Số doanh nghiệp đăng ký ngành, nghề kinh doanh chính hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ lệ 4,2%; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm 57%; lĩnh vực thương mại và dịch vụ chiếm 37,95%.
Do có quy mô gọn nhẹ nên khả năng thu hút vốn của DNNVV dễ dàng và nhanh chóng, phát huy được nội lực trong nền kinh tế. Hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế đều có DNNVV tham gia. Việc phát triển DNNVV là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh, góp phần đa dạng hóa các thành phần kinh tế, góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), đẩy nhanh tốc độ phát triển của nền kinh tế, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. DNNVV còn góp phần giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho hàng nghìn lao động trong tỉnh.
Trong những năm qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đóng góp đáng kể vào kết quả tăng trưởng kinh tế của tỉnh, tích cực đầu tư, mở rộng thị trường, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đóng góp cho ngân sách Nhà nước, tích cực tham gia có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội.
Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh hàng năm tăng bình quân khoảng 10%; nộp ngân sách của các doanh nghiệp hàng năm chiếm trên 60% tổng số thu ngân sách trên địa bàn: năm 2015 là 831 tỷ đồng, năm 2016 là 879 tỷ đồng; năm 2017 là 993 tỷ đồng, năm 2018 là 1.109,5 tỷ đồng. Năm 2018, các doanh nghiệp đã góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 35.000 lao động với mức thu nhập bình quân của người lao động 4,5 triệu đồng/người/tháng.
P.V: Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 15/3/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh được ban hành có ý nghĩa như thế nào đối với lực lượng DNNVV của tỉnh, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Minh Toàn: Trong những năm qua, các ngành, các cấp trong tỉnh đã nỗ lực chung tay cải thiện môi trường đầu tư, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng cho tất cả loại hình doanh nghiệp, tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp phát triển tăng cả về số lượng và chất lượng, trong đó có DNNVV. Tuy nhiên, trên thực tế sự phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn chậm, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh.
Các DNNVV còn gặp nhiều khó khăn như: quy mô doanh nghiệp nhỏ, trình độ và tinh thần khởi nghiệp của chủ doanh nghiệp còn hạn chế, chủ yếu quản lý theo kiểu gia đình; lực lượng lao động trong doanh nghiệp có trình độ thấp, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, cụ thể là thiếu quản lý và kỹ thuật trong doanh nghiệp; máy móc, công nghệ lạc hậu; thiếu vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh; thiếu tài sản thế chấp; thiếu thông tin thị trường đầu ra; một số doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm bảo vệ môi trường cũng như môi trường trong sản xuất kinh doanh.
DNNVV phát triển thiếu sự liên kết, thiếu tài chính, thiếu thị trường để kinh doanh, khả năng cạnh tranh thấp so với các doanh nghiệp lớn… Do đó, việc hỗ trợ hiệu quả DNNVV sẽ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển về số lượng và chất lượng, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, khởi nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh và hoạt động hiệu quả, là nguồn lực lớn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thực tế trong những năm qua, Yên Bái đã quan tâm đến việc hỗ trợ doanh nghiệp, đã ban hành những chính sách khuyến khích thu hút đầu tư của tỉnh đối với các doanh nghiệp nói chung nhưng chưa có chính sách riêng cho đối tượng là DNNVV.
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 đã chính thức được Quốc hội thông qua ngày 12/6/2017. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một luật riêng về vấn đề này. Ngày 15/3/2019, Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Yên Bái khóa XVIII đã thông qua Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 - 2025.
Việc ban hành "Quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 - 2025” là cần thiết nhằm kịp thời triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ DNNVV quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản liên quan.
Thực hiện hỗ trợ hiệu quả DNNVV có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, khởi nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh và hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, là nguồn lực lớn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
P.V: Với trách nhiệm được giao là cơ quan chủ trì, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có sự chuẩn bị như thế nào để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND đạt hiệu quả cao nhất, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Minh Toàn: Trước tiên, ngay sau khi Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND được ban hành, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng dự thảo Hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 08 và dự thảo Quyết định của UBND tỉnh ban hành Danh mục lĩnh vực, ngành, nghề khuyến khích đầu tư vào khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hai là: Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến toàn thể công chức, viên chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh về nội dung cơ bản của Nghị quyết số 08. Xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyên truyền, khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Ba là: Chủ trì triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công tại Nghị quyết số 08: tổng hợp, tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết những khó khăn khi thực hiện Nghị quyết; tăng cường phối hợp trong việc giải quyết thủ tục hành chính, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm; thực hiện chế độ báo cáo thực hiện Nghị quyết…
Bốn là: Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; tạo điều kiện để doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong tỉnh tiếp cận các nguồn lực và thị trường, phát triển bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh nhằm huy động và phát huy mọi tiềm lực trong tỉnh kết hợp với nguồn lực từ bên ngoài cho đầu tư phát triển.
Năm là: Thực hiện công tác tư vấn, hỗ trợ pháp lý về khởi nghiệp; định hướng, cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các quy trình, thủ tục thành lập doanh nghiệp, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh.
Sáu là: Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp như: xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, quảng cáo giới thiệu sản phẩm, hội chợ thương mại, cung cấp thông tin thị trường… Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp đã và đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào tỉnh.
Bảy là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư đến đầu tư tại tỉnh, qua đó các nhà đầu tư sẽ đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc đăng ký chi nhánh hoạt động để thực hiện đầu tư chương trình, các dự án có quy mô lớn.
P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Thơm (thực hiện)