Trở về địa phương sau những năm tháng cống hiến sức trẻ cho sự nghiệp giành độc lập, tự do của dân tộc, cựu chiến binh Lê Sĩ Thưởng, thôn Cầu Yên, xã Văn Lãng, huyện Yên Bình chỉ có hai bàn tay trắng cùng với ý chí, nghị lực vượt khó đã được tôi luyện trong quân ngũ. Phát huy tinh thần đó, quyết không cam chịu đói nghèo, ông Thưởng đã chủ động tìm hiểu, mày mò tích cực phát triển kinh tế gia đình.
Vượt qua bao khó khăn của buổi ban đầu, đến nay, ông Thưởng đã là chủ của một trang trại gà thương phẩm, thường xuyên duy trì từ 2.000 đến 3.000 con/ lứa. Với giá bán từ 60.000 đến 65.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình ông thu lãi cả trăm triệu đồng. Ngoài nuôi gà, ông Thưởng còn trồng gần 100 gốc bưởi nâng cao thu nhập gia đình.
Ông Lê Sĩ Thưởng cho biết: "Chăn nuôi và trồng cây ăn quả là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi hiện nay. Đây là hướng đi được chính quyền địa phương và Hội Cựu chiến binh xã tư vấn, hỗ trợ về vốn và kỹ thuật”.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, cựu chiến binh Lê Sĩ Thưởng còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm với các cựu chiến binh trong thôn, trong xã để cùng nhau thi đua sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Nhờ đó, nhiều hội viên cựu chiến binh đã mạnh dạn xây dựng các gia trại trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, Hội Cựu chiến binh xã Văn Lãng chỉ còn 10 hộ nghèo và 8 hộ cận nghèo trong tổng số gần 180 hộ hội viên cựu chiến binh.
Rời mô hình gia trang của cựu chiến binh Lê Sĩ Thưởng, chúng tôi đến thăm gia đình cựu chiến binh Phạm Ngọc Oanh ở thôn Phúc Hòa, xã Hán Đà, huyện Yên Bình. Không chỉ là người sáng chế ra nhiều nông cụ thiết thực như máy vò chè, xao chè cung cấp cho các hộ dân trong vùng, ông Oanh còn là chủ của một vườn bưởi với 300 gốc đang cho thu hoạch. Tích cực phát triển kinh tế nâng cao thu nhập, mỗi năm trừ chi phí, ông cũng thu về từ 200 đến 300 triệu đồng.
Ông Phạm Ngọc Oanh cho biết: "Trong những năm qua, để phát triển kinh tế thì gia đình đã đầu tư, mở xưởng sửa chữa dụng cụ nông nghiệp cho người dân đồng thời tận dụng đồi đất sau nhà làm trang trại chăn nuôi và trồng bưởi để kiếm thêm thu nhập cho gia đình”.
Có thể nói, trong những năm qua, các cấp Hội Cựu chiến binh huyện Yên Bình đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.
Bên cạnh đó, nhằm giúp các hội viên có thêm điều kiện phát triển kinh tế nâng cao thu nhập, Hội đã làm tốt việc nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện triển khai công tác quản lý, ủy thác vay vốn tại 64 tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc 23 cơ sở hội với tổng dư nợ hiện nay là 77,5 tỷ đồng.
Các hội viên còn thường xuyên giúp đỡ nhau ngày công, cây, con giống, chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Nhờ đó, nhiều hội viên đã vươn lên làm giàu chính đáng. Đến nay, số hộ hội viên nghèo chỉ còn dưới 7%.
P.V