Năm 2016 là năm đầu thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 3 năm 2016 - 2020. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư, Yên Bình đã triển khai trên địa bàn 10 xã ĐBKK và 30 thôn ĐBKK của 9 xã vùng II với 2 nội dung chính: hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất.
Về xây dựng cơ sở hạ tầng, tổng vốn đầu tư là 56 tỷ 495 triệu đồng để xây dựng 81 công trình. Đến tháng 5/2019, vốn giải ngân đạt 41,911 tỷ đồng. Nhiều công trình được đầu tư với nguồn vốn lớn như đường thôn 1, xã Ngọc Chấn, vốn đầu tư trên 1,5 tỷ đồng; đường thôn 10, xã Xuân Long, vốn gần 1,6 tỷ đồng; đường thôn 4, xã Tích Cốc, vốn gần 1,4 tỷ đồng; đường thôn Bản Lầu, xã Cảm Nhân, vốn 2,2 tỷ đồng…
Về trường học và nhà văn hóa thôn, đầu tư cho Trường Mầm non xã Yên Thành, vốn trên 2,7 tỷ đồng; Trường Mầm non xã Phúc An, vốn 1,1 tỷ đồng… Nhà văn hóa thôn Khe Cọ, xã Tân Nguyên, vốn đầu tư 429 triệu đồng; nhà văn hóa thôn 6 xã Văn Lãng, vốn 430 triệu đồng; nhà văn hóa thôn 2 xã Tích Cốc, vốn 428 triệu đồng…
Gần 4 năm qua, 100% dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện được khởi công đúng tiến độ, chất lượng công trình được đảm bảo. Bên cạnh những thuận lợi, việc thực hiện các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng ở Yên Bình cũng gặp phải một số khó khăn như địa bàn rộng, chia cắt bởi hồ Thác Bà, giá cả thị trường có biến động nên ảnh hưởng đến giá dự toán xây dựng các công trình…
Đối với dự án đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất từ năm 2016 đến năm 2019, tổng vốn đầu tư trên 22 tỷ đồng, trung bình đạt 3,6 tỷ đồng/năm. Nguồn vốn trên, đã đầu tư hỗ trợ cây trồng cho 24 hộ, kinh phí gần 200 triệu đồng; hỗ trợ mua trâu, bò cho 929 hộ, kinh phí 9,881 tỷ đồng; hỗ trợ mua lợn nái sinh sản cho 332 hộ, kinh phí 664 triệu đồng; làm chuồng trại cho 75 hộ, kinh phí 150 triệu đồng và hỗ trợ mua máy công cụ sản xuất cho 1.124 hộ, kinh phí 4,433 tỷ đồng…
Trong quá trình triển khai Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, huyện đã lồng ghép để thực hiện các mục tiêu quy hoạch phát triển nông nghiệp, triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chăn nuôi, góp phần tăng đàn, giúp cho đồng bào giải quyết bớt khó khăn về giống và kỹ thuật, vật tư sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi. Nhiều xã đã có cách làm hay, sáng tạo, đạt hiệu quả cao, góp phần cho công tác xóa đói, giảm nghèo.
Từng bước nâng cao đời sống vùng ĐBKK, huyện đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo hàng năm, sát với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; phối hợp với các tổ chức đoàn thể điều tra rà soát hộ nghèo, cận nghèo, xác định nhu cầu của người dân và triển khai các chính sách về an sinh xã hội như hỗ trợ tiền điện, cấp phát thẻ bảo hiểm y tế, vay vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện…
Dịp tết Nguyên đán và cuối tháng 4 hàng năm, gần 2.000 hộ nghèo còn được nhận gạo cứu đói giáp hạt của Chính phủ. Từ nguồn quỹ "Bảo trợ trẻ em” hàng năm, huyện đã tặng quà cho gần 200 trẻ em nghèo có hoàn cảnh ĐBKK vượt khó trong học tập, tổ chức khám sàng lọc trẻ em bị khuyết tật, tim bẩm sinh. Hộ nghèo còn được Nhà nước và các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ về nhà ở ổn định cuộc sống phát triển kinh tế.
Do thực hiện tốt Chương trình 135 ở các xã, thôn, bản ĐBKK, vùng DTTS, mỗi năm huyện Yên Bình giảm gần 5% hộ nghèo và giải quyết việc làm mới cho gần 3.000 lao động. Hiện nay, huyện Yên Bình đang đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân, đặc biệt là hộ nghèo và cận nghèo xóa bỏ sự trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước của một bộ phận không nhỏ người dân nghèo, tạo động lực để người dân chủ động vươn lên thoát nghèo một cách căn cơ, bền vững.
Phong Sơn