Để đạt được mục tiêu, huyện đã phát huy tối đa nội lực, triển khai hiệu quả các chính sách giảm nghèo, hướng đến giảm nghèo bền vững.
Trong đó, tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cơ sở gắn kết, lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất; đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh và hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm.
Vùng phía Bắc của huyện, các xã: Việt Thành, Đào Thịnh, Báo Đáp, Tân Đồng đã tập trung phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, kết hợp với sản xuất lúa, ngô chất lượng cao. Vùng tả ngạn sông Hồng, các xã: Y Can, Quy Mông, Kiên Thành trồng tre măng Bát độ gắn với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Vùng hạ huyện, các xã: Minh Quân, Vân Hội, Việt Cường tập trung trồng chè chất lượng cao và nuôi trồng thủy sản…
Hiện nay, huyện có trên 344 ha dâu tằm, sản lượng kén hàng năm thu hoạch đạt gần 500 tấn, giá trị kinh tế trên 50 tỷ đồng; diện tích tre măng Bát độ trên 3.000 ha, sản lượng măng tươi hàng năm gần 40.000 tấn, thu nhập đạt 35 triệu đồng/ha/năm; tổng diện tích quế 15.000 ha, chè 1.282 ha, diện tích nuôi trồng thủy sản 453 ha và 447 cơ sở chăn nuôi hàng hóa.
Thương mại, dịch vụ thời gian gần đây có bước tăng trưởng khá với 94 doanh nghiệp, 25 hợp tác xã, 1.363 hộ kinh doanh… tổng giá trị sản xuất hàng hóa đạt trên 500 tỷ đồng/năm. Để triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách, quyền lợi của người nghèo để mọi người nâng cao nhận thức về kỹ năng trong sản xuất tự vươn lên thoát nghèo.
Từ năm 2016 đến nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã tạo điều kiện cho 8.719 lượt hộ vay vốn với số tiền trên 240 tỷ đồng cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động… để phát triển kinh tế.
Qua rà soát, toàn huyện có 254 hộ có nhu cầu về đất ở và 327 hộ có nhu cầu kinh phí phát triển đất sản xuất. Đến nay, đã có 26 hộ được vay vốn với kinh phí trên 1,3 tỷ đồng.
Thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh nghèo, bán trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, năm học 2016-2017, huyện đã cấp bù học phí và hỗ trợ kinh phí học tập 6.958 cho học sinh thuộc hộ nghèo, học sinh bán trú với kinh phí 3 tỷ 195 triệu đồng; năm học 2017 - 2018, 7.785 học sinh đã được cấp kinh phí 2 tỷ 908 triệu đồng; năm 2016, cấp 7.632 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, kinh phí trên 4,8 tỷ đồng; năm 2017 là 6.096 thẻ, kinh phí trên 3,4 tỷ đồng; năm 2018 cấp 3.455 thẻ, kinh phí trên 2,4 tỷ đồng…
Từ năm 2016 đến nay, đã hỗ trợ tiền điện cho 13.277 hộ nghèo, tổng kinh phí gần 7,8 tỷ đồng. Huyện còn phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh trợ giúp pháp lý lưu động tại địa bàn các xã. Từ năm 2016 đến nay, đã trợ giúp 245 buổi về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho 16. 618 lượt người, góp phần nâng cao ý thức của người nghèo vươn lên thoát nghèo.
Nhờ thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ cho công tác giảm nghèo, cùng với phát huy nội lực của địa phương, năm 2018, huyện Trấn Yên đã giảm 1.010 hộ nghèo, giảm 4,88% và giảm số hộ nghèo toàn huyện xuống còn 9,3%. Năm 2019, huyện phấn đấu giảm 4,3% số hộ nghèo.
Thái Hưng