Những năm gần đây, hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) của tỉnh không ngừng đổi mới và phát huy hiệu quả. Thông qua việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KHCN vào sản xuất và triển khai các đề tài, dự án khoa học trên nhiều lĩnh vực đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển.
Với quan điểm "Một nền nông nghiệp phát triển luôn dựa trên một nền KHCN và ngược lại, nông nghiệp phát triển sẽ tạo điều kiện cho KHCN phát triển”, hàng năm, tỉnh luôn dành từ 55 - 65% tổng kinh phí sự nghiệp khoa học cho các nhiệm vụ khoa học thuộc lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp, nông dân, nông thôn.
Các nhiệm vụ khoa học thuộc lĩnh vực này chủ yếu tập trung vào việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất; phát triển những giống cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh; xây dựng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông - lâm nghiệp và thu nhập cho nông dân.
Giai đoạn 2016 - 2018, toàn tỉnh triển khai 112 đề tài, dự án khoa học, trong đó, có 56 đề tài, dự án phục vụ lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ trực tiếp nông dân về giống mới, vật tư, kỹ năng canh tác, nhân rộng mô hình sản xuất các giống lúa, rau màu, cây trồng, vật nuôi.
Những dự án điển hình trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp phải kể đến là: mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhân giống và trồng thử nghiệm cây cỏ ngọt tại thị xã Nghĩa Lộ đã giúp hơn 20 hộ dân tham gia có thu nhập cao gấp 3 lần trồng lúa; mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi thủy sản bằng lồng trên hồ Thác Bà thực hiện ứng dụng công nghệ lồng Na Uy được thiết kế bằng ống nhựa có lưới cước dệt và hệ thống phao nổi, đảm bảo cho lồng cá bền vững trong môi trường nước.
Trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng kết cấu hạ tầng, hoạt động KHCN cũng đã có nhiều đề tài, dự án được thực hiện mang lại hiệu quả cao như: dự án nghiên cứu, chế tạo hệ thống sấy nông sản quy mô hộ gia đình, sử dụng nhiên liệu sẵn có ở địa phương tại huyện Mù Cang Chải; dự án nghiên cứu, chế tạo lò đốt rác thải y tế ở các trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Đi đôi với đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KHCN vào sản xuất, thời gian qua, các hoạt động sở hữu trí tuệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản của địa phương; hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, phát triển tài sản trí tuệ cũng đã được tỉnh quan tâm chú trọng.
Đến nay, tỉnh đã hướng dẫn, xây dựng xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho một số sản phẩm đặc sản có thế mạnh của tỉnh như: xây dựng chỉ dẫn địa lý Quế Văn Yên; nhãn hiệu chứng nhận chè Suối Giàng (Văn Chấn), sơn tra (Mù Cang Chải), bưởi Đại Minh (Yên Bình); nhãn hiệu tập thể miến đao Giới Phiên, thành phố Yên Bái, gạo Chiêm Hương Đại - Phú - An, huyện Văn Yên...
Qua xây dựng, xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm trên, đã góp phần quan trọng nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, tạo ra động lực mạnh mẽ, khuyến khích và thúc đẩy các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp tích cực, chủ động tham gia đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, góp phần tạo dựng uy tín, danh tiếng, năng lực cạnh tranh trên thị trường...
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức kịp thời các nhiệm vụ chính trị đúng theo yêu cầu quản lý nhà nước về KHCN như: thực hiện các đề tài dự án khoa học; tăng cường thanh tra, kiểm tra; tuyên truyền phổ biến pháp luật; hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ và xác lập quyền sở hữu trí tuệ; điều tra, bổ sung cơ sở dữ liệu về công nghệ của các ngành công nghiệp chủ yếu trên địa bàn; thông tin tuyên truyền các thành tựu tiến bộ KHCN... góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hồng Oanh