Gia đình bà Bùi Thị Lân ở tổ 7, phường Pú Trạng là một trong 3 hộ nông dân tham gia Dự án chổi chít được vay vốn từ QHTND thị xã. Do nguồn nguyên liệu là chít tươi chỉ thu hái trong một khoảng thời gian ngắn, đòi hỏi phải đầu tư vốn ban đầu lớn để tích trữ nguyên liệu nên năm nào bà Lân cũng trong tình trạng thiếu vốn.
Bà Lân cho biết: "Năm nào cũng vậy, cứ dịp cận tết Nguyên đán là gia đình tôi lại lao đao đi xoay tiền để tích trữ nguyên liệu sản xuất khoảng 70 đến 80 triệu đồng. Lúc ấy, vay mượn lại rất khó vì thời gian này người ta chỉ muốn thu hồi vốn chứ không muốn cho vay. Từ khi được vay 20 triệu đồng từ QHTND thị xã, gia đình tôi đã bớt vất vả hơn. Với chúng tôi, vốn vay lúc này dù ít hay nhiều đều rất quý”.
Quả thực, trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu về vốn để phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của nông dân là rất lớn. Bên cạnh các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, hội viên nông dân còn có thêm nguồn vốn vay từ QHTND, góp phần giải quyết một phần cấp bách nhu cầu về vốn. Không cần tài sản thế chấp, thủ tục đơn giản, lãi suất 0,5%/tháng, nông dân chỉ cần xây dựng dự án sản xuất, kinh doanh khả thi là được vay vốn.
Để nguồn vốn vay sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao, Hội Nông dân thị xã Nghĩa Lộ đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương khảo sát nhu cầu vay vốn của các hộ hội viên, trong đó ưu tiên lựa chọn các hộ có tinh thần trách nhiệm, có nhân lực và điều kiện phát huy nguồn vốn vay để tham gia nhóm hộ xây dựng dự án.
Đầu năm 2019, Hội Nông dân thị xã đã giải ngân 280 triệu đồng từ QHTND thị xã cho 4 dự án với 14 hộ hội viên vay 20 triệu đồng/hộ: 2 dự án chăn nuôi trâu sinh sản tại phường Cầu Thia, xã Nghĩa Phúc; 1 dự án gạch không nung; 1 dự án làm chổi chít.
Bằng phương thức cho vay theo các dự án, nhóm hộ, QHTND đã liên kết từng hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ thành các tổ hợp tác, xóa bỏ dần tập quán canh tác manh mún.
Ông Lò Văn Hợp ở thôn Pá Làng, xã Nghĩa Phúc tham gia Dự án Chăn nuôi trâu sinh sản chia sẻ: "5 hộ nông dân tham gia dự án đã tổ chức họp bàn, tìm cách liên kết để phát triển mô hình của gia đình. Chúng tôi tập hợp đàn trâu để chăn nuôi tập trung, bố trí người trông coi lần lượt để không mất nhiều thời gian chăn thả. Chúng tôi còn trao đổi kỹ thuật, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi, đoàn kết giúp nhau cùng phát triển”.
Đến nay, QHTND thị xã có 320 triệu đồng, trong đó, ngân sách huyện cấp 200 triệu đồng; còn lại là cơ quan, đoàn thể, cán bộ, hội viên nông dân đóng góp, ủng hộ.
Ông Hà Đức Thuy - Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Ðể tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn, trong quá trình cho vay, Hội đã và đang định hướng cho các hộ hội viên sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả; vận động hội viên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi; thường xuyên kiểm tra, theo dõi quá trình sử dụng nguồn vốn".
"6 tháng đầu năm 2019, Hội đã phối hợp tổ chức mở 20 lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật về sản xuất nông - lâm nghiệp cho trên 1.300 cán bộ, hội viên; 20 lớp học nghề cho 120 hội viên tại 7 xã, phường trên địa bàn" - ông Thuy cho hay.
Nguồn vốn vay từ QHTND thị xã Nghĩa Lộ tuy còn khá khiêm tốn, nhưng đã thực sự trở thành nguồn động lực hỗ trợ, khuyến khích, tiếp sức cho nông dân phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập.
Hoài Anh