Năm 2018, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu bị ảnh hưởng 2 đợt rét đậm, rét hại; 2 đợt hoàn lưu bão và nhiều trận giông, lốc gây thiệt hại đáng kể đến hoa màu và nhà ở của nhân dân; trong đó, 8 hộ dân phải di dời khẩn cấp; 14 hộ bị sạt ta luy dương và âm; thiệt hại 14.200 m2 lúa nước và ngô; 92 con gia súc bị chết cùng nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, công trình nước sinh hoạt bị hư hỏng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, cấp ủy, chính quyền và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) xã đã có mặt tại hiện trường để kịp thời chỉ đạo, huy động hàng trăm công lao động khắc phục hậu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Thống kê số liệu cụ thể, làm tờ trình gửi các cấp có thẩm quyền có cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị ảnh hưởng thiên tai và hỗ trợ các hộ phải di dời khẩn cấp.
Nhờ sự chủ động của các cấp chính quyền, sự hỗ trợ kịp thời của các tổ chức, đoàn thể và nhân dân nên việc khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống nhân dân đạt kết quả tốt.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ huy PCTT - TKCN xã Xà Hồ, việc triển khai các biện pháp PCTT tại các thôn, bản vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra vì thiếu thốn cơ sở vật chất; người dân còn khá chủ quan trước mối nguy hiểm của thiên tai; việc lựa chọn quỹ đất tại khu vực an toàn để hỗ trợ di dời các hộ dân còn khó khăn...
Ông Nguyễn Văn Hòe - Chủ tịch UBND xã Xà Hồ cho biết: mục tiêu công tác PCTT - TKCN năm 2019 là giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra. Để đạt được mục tiêu này, cần phải thực hiện thật tốt việc xây dựng phương án PCTT - TKCN từ cơ sở với phương châm "4 tại chỗ"; chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương có hiệu quả; trong đó, lấy phòng, ngừa là chính.
Công tác khắc phục hậu quả thiên tai phải kết hợp với khôi phục đời sống, sản xuất của nhân dân bảo đảm theo quy hoạch phát triển bền vững của từng vùng và từng lĩnh vực. Cụ thể như thực hiện các biện pháp phòng chống trước mùa mưa bão cần chủ động nắm chắc tình hình thời tiết, khí hậu, thủy văn để chủ động sẵn sàng đối phó với mọi tình huống thiên tai bão lũ xảy ra; đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, cơ động lực lượng, hậu cần kỹ thuật...
Cùng với đó, việc phối kết hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong xã, các thôn, bản với Ban Chỉ huy PCTT - TKCN xã phải thật chặt chẽ để kịp thời tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn dân.
Cùng đó, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN xã cũng đã chủ động khảo sát, khoanh vùng các khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở cao, khu vực nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét để thông báo cho nhân dân biết và không ngủ qua đêm tại các lán làm nương, hạn chế đi lại khi trời mưa to, sấm sét, gia cố chống sạt, chống sập nhà cửa bảo đảm an toàn tính mạng của nhân dân và tài sản của Nhà nước.
Tiếp tục chấn chỉnh công tác thường trực, báo cáo, thống kê tình hình khắc phục hậu quả thiên tai ở các thôn, bản làm cơ sở cho việc phòng chống bão lũ có biện pháp chỉ đạo, khắc phục hậu quả kịp thời. Đặc biệt, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN xã phải tổ chức thường trực 24/24 giờ trong đợt cao điểm mưa lũ...
Hoài Văn