Xã Bản Công, huyện Trạm Tấu hiện có trên 4.400 ha rừng tự nhiên; 1.674,6 ha rừng trồng phòng hộ và rừng trồng sản xuất.
Để quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) trên địa bàn, ngay từ đầu mùa khô hanh hàng năm, Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện phối hợp với UBND xã, Hạt Kiểm lâm huyện giao khoán QLBVR cho từng nhóm hộ tại các thôn, bản để người dân chủ động QLBVR và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).
Anh Tráng A Hồ - Chủ tịch UBND xã Bản Công trao đổi: trong năm 2018, tổng diện tích rừng phòng hộ do Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện khoán quản lý bảo vệ tại xã Bản Công là 6.075,4 ha, trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 4.400,8 ha; diện tích rừng trồng phòng hộ là 1.566,1 ha; rừng trồng sản xuất là 108,5 ha nằm ở 5 thôn, bản trong xã nhưng tập trung nhiều nhất tại thôn Bản Công với trên 1.601 ha.
Để thực hiện tốt QLBVR, vào đầu mùa khô hanh hàng năm, Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện phối hợp với chính quyền xã, Hạt Kiểm lâm huyện tổ chức ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng, trồng mới, chăm sóc rừng trồng tại 5 thôn, bản của xã với 35 chủ hộ hợp đồng cùng 468 lượt hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng theo kế hoạch.
Cùng với giao khoán diện tích rừng cho các nhóm hộ QLBVR, UBND xã chỉ đạo các thôn, bản kiện toàn, củng cố các tổ, đội bảo vệ và phát triển rừng, PCCCR, mỗi thôn, bản từ 10 -15 người tham gia.
Trong những ngày cao điểm mùa khô hanh, Ban Chỉ huy Bảo vệ và Phát triển rừng - PCCCR của xã chỉ đạo các thành viên trực 24/24 giờ để làm nhiệm vụ PCCCR; tổ chức tuần tra, kiểm tra tại các khu vực người dân vẫn còn sản xuất nương rẫy, có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao để tuyên truyền, vận động người dân không đốt nương rẫy vào những ngày thời tiết khô hanh dễ xảy ra cháy rừng. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm trong QLBVR và PCCCR...
Cụ thể, trong mùa khô hanh năm 2017 - 2018, UBND xã ra quyết định kiện toàn 3 tổ tuần tra, kiểm soát lâm sản với 20 thành viên, hoạt động luân phiên tuần tra và tuần tra chéo trên địa bàn, để kiểm soát vận chuyển lâm sản trái phép; tại các thôn, bản kiện toàn các tổ đội bảo vệ phát triển rừng - PCCCR, tổ chức tuần tra, kiểm tra vào những ngày cao điểm nắng nóng nguy cơ cháy rừng cao.
Qua kiểm tra, kiểm soát các tổ, đội của xã và các thôn, bản đã phát hiện 7 vụ lấn chiếm đất rừng, san gạt trái phép đất rừng phòng hộ; 1 vụ vận chuyển lâm sản trái phép, lập biên bản xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định.
Đặc biệt, có 3 vụ xã đã xử lý theo quy ước, hương ước thôn, bản buộc các đối tượng vi phạm phải tự khoanh nuôi đất rừng lấn chiếm để tái sinh thành rừng và cam kết không lấn chiếm đất rừng nữa...
Ông Tráng A Thông - một chủ nhóm hộ QLBVR ở thôn Bản Công phấn khởi chia sẻ: "Tôi thấy việc xử phạt hành chính kết hợp với việc xử phạt theo hương ước, quy ước của thôn, bản là rất phù hợp vừa có tính chất răn đe vừa có tính chất tuyên truyền để người dân nhìn thấy những người vi phạm phải trồng lại rừng, khoanh tái sinh rừng; như vậy, họ sẽ không dám vi phạm theo".
"Hiện nay, nhóm của tôi ký hợp đồng nhận nhận khoán bảo vệ rừng với Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện 160 ha với 23 hộ tham gia. Chúng tôi rất phấn khởi trong những năm gần đây được Nhà nước trả tiền khoán bảo rừng tăng lên. Trong đó, năm 2018 tôi được trả 19 triệu đồng, các hộ khác mỗi hộ cũng được từ 3 - 7 triệu đồng, mọi người rất vui cùng nhau làm tốt nhiệm vụ của mình” - ông Thông cho biết thêm.
Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp QLBVR và PCCCR nên trong mùa khô hành năm 2017 - 2018 và từ đầu mùa khô hanh năm 2018 - 2019 đến nay, trên địa bàn xã không để xảy ra một vụ cháy rừng nào, diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng phòng hộ, rừng trồng sản xuất được quản lý, bảo vệ tốt.
Cao Chính