Cũng như nhiều địa phương khác, cây chè được trồng ở Bảo Hưng đã vài chục năm về trước. Có thời điểm diện tích chè ở đây lên đến vài trăm héc-ta. Tuy nhiên, trải qua nhiều biến động của thị trường, diện tích chè ngày càng mai một vì nhiều lúc người làm chè không sống được bằng chè.
Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của cơ chế thị trường, các doanh nghiệp, hộ nông dân chưa thích ứng và theo kịp. Mặt khác, do diện tích chè già cỗi cùng với người nông dân lấy khai thác làm chính mà không chăm sóc, thu hái theo kỹ thuật… dẫn đến diện tích, năng suất chè giảm mạnh, doanh nghiệp, nông dân không tìm được tiếng nói chung nên sản xuất kinh doanh chè trở nên lao đao. Nhưng vốn là một xã thuần nông, do vậy, Bảo Hưng vẫn xác định chè là cây chủ lực trong phát triển kinh tế địa phương.
Qua đó, xã xây dựng nghị quyết chuyên đề phát triển cải tạo trồng chè và chế biến sản phẩm chè. Trong đó, chú trọng vận động nhân dân tập trung đầu tư chăm sóc tốt diện tích chè hiện có; đồng thời, trồng mới, trồng cải tạo thay thế chè già cỗi bằng giống chè mới cho năng suất, chất lượng cao đáp ứng cho chế biến và thị hiếu tiêu dùng, đó là những giống chè như: Bát tiên, Phúc vân tiên, chè lai LDP1, LDP2.
Song song với cải tạo giống chè, xã còn phối hợp mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa, học kỹ thuật chăm sóc, chế biến chè, sản xuất chè theo quy trình VietGAP. Tình trạng trước đây hầu hết chè được thu hái không theo phẩm cấp, bán ào ào cho các nhà máy sản xuất chế biến chè đen thì nay trên 230 ha chè của xã có tới 70% diện tích là chè giống chất lượng cao và trồng, sản xuất, chăm sóc, thu hái theo tiêu chuẩn chè sạch, chè VietGAP. Hiệu quả là sản xuất chè sạch bằng giống chất lượng cao đã mang lại giá trị kinh tế cao hơn để cải thiện đời sống người trồng chè.
Chị Vũ Thị Thanh, thôn Trực Thanh cho biết: "Gia đình tôi trồng cải tạo thay thế 1,2 ha chè giống trung du sang giống chè Bát tiên và chè lai LDP1. Giống tốt, trồng đúng kỹ thuật, thu hái bằng tay nên năng suất đạt bình quân 12 tấn/ha, giá bán từ 10.000 đồng đến 12.000 đồng/kg tùy từng thời điểm. Nhờ vậy, việc sản xuất, kinh doanh chè đã cho thu nhập cao hơn và sống được bằng chè”.
Để sản xuất ổn định, người dân thôn Trực Thanh không mạnh ai nấy làm và không chỉ bán nguyên liệu cho nhà máy mà đã liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm. Xã đã thành lập HTX Chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng và có 300 hộ sản xuất chè liên kết với nhau tạo thành 6 nhóm hộ cùng sản xuất chè sạch, sản xuất, sơ chế, chế biến theo quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn.
Ông Vũ Ngọc Tề ở thôn Trực Thanh phấn khởi cho hay: "Đã vài năm nay, người dân trong thôn chuyển từ bán chè búp tươi sang đầu tư mở xưởng, mua máy chế biến chè xanh nội tiêu và xuất khẩu. Sản phẩm chè xanh Bảo Hưng đã được người tiêu dùng lựa chọn ngày càng nhiều. Mỗi cân chè khô do người dân sản xuất có giá từ 80.000 đồng đến 500.000 đồng/kg tùy từng loại chè, chất lượng chè và sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Cây chè đã và đang là nguồn thu nhập chính của 95% số hộ dân trong thôn chúng tôi”.
Rõ ràng, bằng hướng sản xuất chè sạch, chè an toàn theo nhu cầu và tín hiệu của thị trường đã và đang mở ra một hướng đi tốt cho người làm chè ở Bảo Hưng. Minh chứng ở đây là với gần 200 ha chè nguyên liệu sản xuất theo quy trình chè sạch, chè an toàn mỗi năm đã mang về cho người dân thôn Trực Thanh cả chục tỷ đồng.
Cụ thể, năm 2017 người dân trong thôn thu được 11 tỷ đồng từ sản xuất kinh doanh chè; năm 2018 là 12 tỷ đồng và dự kiến năm 2019 doanh thu đạt không dưới 13 tỷ đồng. Đó là một con số không hề nhỏ ở một thôn trong một xã thuần nông.
Từ thực tế ở Bảo Hưng cho thấy, việc sản xuất chè sạch đã thực sự trở thành một nghề đã, đang mang lại nguồn thu ổn định cho người dân và đây cũng là một sự gợi mở hướng đi cho các địa phương có chè và làm chè trên địa bàn tỉnh.
Thanh Phúc