Để thủy sản trở thành ngành kinh tế chủ lực: Nuôi gắn với xây dựng thương hiệu

  • Cập nhật: Thứ ba, 30/7/2019 | 10:46:40 AM

YênBái - Thực tế cho thấy, hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi thủy sản đã rõ, nhưng bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại, bất cập cần được tháo gỡ mới hy vọng đưa chăn nuôi thủy sản thành một ngành kinh tế mũi nhọn.

Chăn nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà.
Chăn nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà.

Thời gian gần đây, việc phát triển và chăn nuôi thủy sản (CNTS) đã là nguồn thu nhập chính và trở thành nghề không thể thiếu của hàng ngàn hộ dân. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì CNTS vẫn bộc lộ những khó khăn, hạn chế cần được tháo gỡ mới hy vọng đưa CNTS phát triển hiệu quả, bền vững và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Những con số ấn tượng

Là tỉnh miền núi, nhưng Yên Bái lại có trên 32.000 ha mặt nước, trong đó, có trên 26.000 ha có điều kiện khai thác và CNTS. Không chỉ vậy, Yên Bái cũng có một nguồn lợi thủy sản rất phong phú và đa dạng với trên 96 loài sinh sống và có nhiều loài quý hiếm như: cá anh vũ, cá chiên, cá lăng, cá ngạnh, ba ba gai, trắm đen… 

Phát huy lợi thế, tiềm năng đó, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy CNTS. CNTS phát triển mạnh mẽ và đã có bước chuyển căn bản từ đánh bắt tự nhiên sang chăn nuôi. Đặc biệt, sau khi tỉnh triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 02/8/2018 của HĐND tỉnh về một số nội dung chủ yếu cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái đến năm 2020… với diện tích CNTS khoảng 2.600 ha/năm, sản lượng đánh bắt, khai thác thủy sản năm 2018 đạt trên 10.000 tấn/năm, giá trị đạt trên 600 tỷ đồng. Diện tích CNTS và khai thác tập trung chủ yếu tại các huyện: Yên Bình, Lục Yên, Trấn Yên. 

Trong 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng khai thác, đánh bắt đạt 5.367 tấn, tăng 27,02% so với cùng kỳ. Đáng chú ý là việc khai thác, đánh bắt tự nhiên chỉ đạt 538 tấn, trong khi đó, nuôi trồng đã đạt 4.828,99 tấn (chiếm 89,97%), tăng 30,55%, tương đương 1.129 tấn so với cùng kỳ năm trước. Giá trị CNTS đạt trên 600 tỷ đồng mỗi năm và con số này sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới. 

Một trong những lý do làm sản lượng thủy sản tăng, một phần là do thời tiết từ đầu năm đến nay khá thuận lợi, dẫn tới chăn nuôi tốt, cá tôm sinh trưởng, phát triển tốt. Nhưng nguyên nhân chính là do sự quan tâm của các cấp, ngành đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng khoa học, kỹ thuật, tăng cường khuyến ngư, cơ chế hỗ trợ nuôi cá lồng (với mức 10 triệu đồng/lồng/hộ; 5 triệu đồng/lồng dành cho nhóm hộ, HTX, doanh nghiệp)... của tỉnh đã và đang cho kết quả. 

Cùng đó, việc tuyên truyền, vận động, khuyến khích và nhân rộng mô hình nuôi cá quây lưới eo, ngách trên hồ Thác Bà, đầm Vân Hội đã góp phần làm cho CNTS phát triển. 

Chuyển từ khai thác sang nuôi thả

Trước đây, đi dọc các xã vùng ven hồ Thác Bà, thấy hầu hết các trai tráng trong làng, xã mang thuyền cùng các ngư cụ như: lưới, chài, rọ tôm ra hồ Thác Bà đánh bắt thủy sản. Thậm chí, bà con còn dùng kích điện, nổ mìn để đánh bắt một cách tận diệt thủy sản. Đánh bắt tự nhiên, không theo quy trình, quy phạm, dẫn tới nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, cho dù các ngành chức năng hàng năm vẫn thả bổ sung một lượng cá lớn xuống các đầm, hồ, nhất là hồ Thác Bà. 

Trước thực trạng đó, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích và đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung và CNTS nói riêng. Đặc biệt, nghề nuôi cá lồng, cá eo ngách phát triển mạnh mẽ và hiện toàn tỉnh có gần 2 ngàn chiếc lồng nuôi cá. Riêng vùng hồ Thác Bà có trên 1.400 lồng cá của các HTX, tổ hợp tác và các hộ. 

Thôn Ao Khoai, xã Thịnh Hưng vốn là xã có truyền thống sản xuất, kinh doanh chè, nhưng nay nổi lên với nghề nuôi cá lồng và nuôi cá eo ngách. Các hộ dân còn thành lập được Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Thác Bà với quy mô nuôi trên 50 lồng cá và nuôi chủ yếu cá nheo, cá lăng, cá trắm cỏ và rô phi đơn tính. Năm 2018, hợp tác xã đã xuất bán trên 80 tấn cá nheo, cá lăng thu về trên 4,2 tỷ đồng. 

Ông Lã Tuấn Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình và các cán bộ chuyên môn đưa chúng tôi đi thực tế xem phong trào nuôi cá trên vùng hồ Thác Bà. Mô hình đầu tiên đến thăm quan là HTX Thủy sản Hoàng Kim. 

Với quy mô 225 lồng cá được đầu tư, thiết kế bài bản, hiện có 166 lồng đã và đang nuôi hàng triệu con cá diêu hồng, cá rô phi, cá lăng, cá nheo và cá trắm đen. 

Anh Nguyễn Văn Dũng - công nhân kỹ thuật của HTX cho biết: hiện HTX đang nuôi 166 lồng cá, bình quân mỗi lồng khoảng 4 tấn cá. Để cá sinh trưởng và phát triển tốt, ngoài nguồn nước hồ đảm bảo, thức ăn sạch, chuẩn, cho ăn đúng khẩu phần thì mỗi ngày HTX còn cho 6 máy tạo dòng chạy đều đặn ngày 5 đến 6 lần, mỗi lần 30 phút. 

"Bên cạnh đó, ở mỗi lồng cá chúng tôi còn đặt một máy sục khí ngày chạy 4 lần đảm bảo ô xi cho cá sinh trưởng và phát triển tốt. Với quy mô của HTX trong năm 2019, sản lượng nuôi đạt không dưới 1 ngàn tấn cá các loại" - anh Dũng nói. 

Rời HTX Thủy sản Hoàng Kim, chúng tôi ngược thuyền về với Làng Mạ, xã Vĩnh Kiên - nơi người dân đang có nguồn thu khá từ CNTS trong vài năm trở lại đây. 

Anh Lê Văn Thư cùng mấy người hàng xóm đang kéo lồng san cá cho biết: "Chăn nuôi cá lồng không khó và bất kỳ người dân ven hồ Thác Bà này đều nuôi được cá lồng. Bởi vì, nguồn nước ở đây sạch, không lo bị ô nhiễm và chỉ cần bà con đầu tư, chăn nuôi theo quy trình kỹ thuật là được”. 

Năm 2016, gia đình anh Thư đăng ký tham gia dự án và được hỗ trợ 26 lồng nuôi cá. Năm đầu nuôi không có kinh nghiệm nên chỉ lãi được 10 triệu đồng và năm sau anh tiếp tục đầu tư nuôi cá ngạnh, cá diêu hồng, cá rô phi, cá lăng. Mặc dù bị ảnh hưởng bão lũ làm hơn một nửa số lồng cá bị hỏng, nhưng anh vẫn bán thu được 400 triệu đồng. 

Không dừng lại ở đó, anh Thư còn đứng ra vận động một số bà con trong thôn cùng đầu tư và thành lập HTX Dịch vụ tổng hợp Vĩnh Kiên hiện có 12 thành viên tham gia đầu tư phát triển 46 lồng nuôi cá và cá đang sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến cho thu 160 tấn cá các loại, sau trừ chi phí lãi cả tỷ đồng.  

Cấp thiết xây dựng nhãn hiệu "Cá hồ Thác Bà”

Có thể thấy, bằng nhiều nỗ lực, tỉnh Yên Bái đã và đang vực dậy nghề CNTS và dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Sản lượng cá, tôm đạt trên 10 ngàn tấn thì phần lớn được khai thác, đánh bắt và chăn nuôi trên hồ Thác Bà. 

Thực tế cho thấy, hiệu quả kinh tế từ CNTS đã rõ, nhưng bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại, bất cập cần được tháo gỡ mới hy vọng đưa CNTS thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Với sản lượng cá như vậy, nhưng thị trường tiêu thụ hoàn toàn phụ thuộc vào tư thương và thị trường tự do, dẫn tới không ổn định, bấp bênh. Bên cạnh đó, toàn bộ sản lượng cá chăn nuôi trên địa bàn không có một đơn vị, cá nhân nào đạt tiêu chuẩn chứng nhận theo các tiêu chuẩn hiện có. 

Huyện Yên Bình với lợi thế vùng hồ Thác Bà đã có nhiều nỗ lực tuyên truyền, hỗ trợ, mời gọi các nhà đầu tư vào khai thác, CNTS. Theo số liệu thống kê sơ bộ, hiện toàn huyện có 2 doanh nghiệp, 5 HTX, 11 tổ hợp tác và trên 300 hộ dân nuôi cá lồng với trên 1.750 lồng và nuôi cá quây lưới trên hồ Thác Bà. 

Bên cạnh đó, còn có trên 15% số dân của hàng chục xã, thị trấn ven hồ đang mưu sinh bằng đánh bắt thủy sản tự nhiên trên hồ Thác Bà. Nhờ vậy, sản lượng khai thác của huyện năm sau cao hơn năm trước, trong đó, năm 2018 sản lượng đạt trên 7.500 tấn; 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng khai thác đã đạt trên 4.400 tấn; dự ước cả năm đạt trên 8.500 tấn. 

Để CNTS phát triển bền vững, ngay từ năm 2018, Yên Bình đã xây dựng dự án phát triển CNTS theo chuỗi liên kết giá trị gắn với bao tiêu sản phẩm, chế biến sâu để xuất khẩu. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chủ trì Dự án Xác lập quyền đối với nhãn hiệu chứng nhận "Cá hồ Thác Bà” cho sản phẩm cá hồ Thác Bà. 

Đây là cơ sở để huyện Yên Bình tiếp tục mở rộng quy mô lồng nuôi và các loài cá được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận phục vụ cho chế biến và xuất khẩu, làm gia tăng giá trị cá hồ Thác Bà. Hàng trăm tấn cá, tôm hồ Thác Bà đã được ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các siêu thị, công ty, cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội, Phú Thọ và Lào Cai. 

Yên Bình đã và đang tiếp tục xây dựng chuỗi liên kết giá trị sản phẩm "Cá hồ Thác Bà” gắn với tiêu thụ sản phẩm cá hồ Thác Bà. Khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và bà con chăn nuôi tuân thủ và áp dụng nghiêm ngặt theo quy trình sản xuất VietGAP... 

Bởi lẽ, sản xuất theo chuỗi, áp dụng quy trình tiêu chuẩn VietGAP là hướng đi sống còn trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa nói chung và CNTS nói riêng. Tỉnh và huyện Yên Bình cùng các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, các hộ CNTS trên địa bàn hãy cùng chung sức liên kết xây dựng thương hiệu sản phẩm cá hồ Thác Bà đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thanh Phúc

Tags Hồ Thác Bà Thủy sản eo ngách đầm Vân Hội cá nheo cá lăng

Các tin khác
Ảnh minh họa

Tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 29-7-2019, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo quy định.

Diễn biến đáng chú ý nhất là giá vàng thế giới đã bất ngờ tăng vọt vào cuối phiên hôm qua tại Mỹ (đêm qua theo giờ Việt Nam).

Người dân phường Minh Tân, thành phố Yên Bái đến Đội Thuế số 3 nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Năm 2019, thành phố Yên Bái được tỉnh giao thu ngân sách (TNS) Nhà nước 525 tỷ đồng; HĐND, UBND thành phố giao chỉ tiêu thu ngân sách là 536 tỷ đồng; chỉ tiêu phấn đấu là 600 tỷ đồng.

Ảnh minh họa

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư 08/2019/TT-BCT quy định việc nhập khẩu mặt hàng gạo và lá thuốc lá khô có xuất xứ từ Vương quốc Campuchia theo hạn ngạch thuế quan năm 2019 và năm 2020.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục