Ông Phạm Văn Hưng, thôn Suối Chép, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình phát huy lợi thế đất rộng đã phát triển mô hình trồng rừng, chăn nuôi. Hiện, ông có 10 ha đất rừng trồng chủ yếu là keo và đăng ký rừng tiêu chuẩn theo chương trình hướng dẫn của HND xã.
Ngoài ra, ông còn quy hoạch trồng và phát triển thêm các loại cây bản địa như: chò, lim, lát, quế... và cải tạo đất vườn tạp trồng 30 gốc bưởi Đại Minh. Đồng thời, ông còn nuôi trồng thủy sản, lợn và kinh doanh vận tải hàng đông lạnh và hải sản.
Ông Hưng chia sẻ: "Được tham gia các dự án của HND, tôi đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, học hỏi thêm nhiều kiến thức mới để phát triển sản xuất. Với sự đa dạng trong phát triển kinh tế, hiện nay, tổng thu nhập của gia đình đạt gần 500 triệu đồng/năm. Tôi luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế với bà con để mọi người cùng nhau vươn lên xóa nghèo, làm giàu”.
Với gia đình chị Nông Thị Hoàn, thôn Làng Phạ 2, xã Cảm Nhân bắt đầu trồng cây thanh long ruột đỏ từ năm 2013. Đến nay, chị Hoàn có trên 200 trụ thanh long ruột đỏ và đang thử nghiệm trồng 50 gốc thanh long ruột tím hồng.
Chị Hoàn chia sẻ: "Nhận thấy thanh long ruột đỏ là loại cây dễ trồng lại cho giá trị kinh tế cao nên cùng với tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng thanh long do HND các cấp tổ chức và chịu khó học tập, nghiên cứu sách vở, đi tham quan thực tế, gia đình tôi đã nắm vững được kỹ thuật trồng, chăm sóc cây thanh long. Trung bình một năm gia đình tôi thu hoạch được 6 - 7 tấn quả với giá bán hiện tại từ 18 - 20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn thu lãi khoảng 100 triệu đồng”.
Cùng với gia đình nông dân Phạm Văn Hưng và Nông Thị Hoàn, trên địa bàn huyện còn nhiều hộ thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng như hộ ông Lưu Đức Dũng, Nguyễn Văn Đông ở xã Đại Minh với mô hình trồng bưởi đặc sản; hộ ông Lê Mai Hiền, xã Tân Nguyên với mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi và sản xuất chế biến gỗ rừng trồng; hộ ông Tạ Minh Duật, xã Tân Hương với mô hình phát triển rừng và chế biến chè đen... Kết quả này có được là nhờ HND huyện luôn quan tâm đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua SXKDG.
Ông Nguyễn Đức Vượng - Chủ tịch HND huyện cho biết: thực tế cho thấy, phong trào nông dân thi đua SXKDG đã tạo điều kiện giúp nông dân thoát khỏi cung cách làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, ngày càng xuất hiện nhiều các hình thức liên kết trong sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất, tăng thêm nguồn lực về vốn, tiêu thụ nông sản.
Đồng hành với nông dân trong phát triển kinh tế, thời gian qua, các cấp HND trên địa bàn huyện đã khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp nông dân phát triển đa dạng các loại hình kinh tế phù hợp. 6 tháng đầu năm, thông qua 16 chương trình cho vay, các cấp hội đã ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho gần 4.000 hộ nông dân vay với số tiền trên 114 tỷ đồng.
Dòng vốn vay ưu đãi này đã giúp nông dân mạnh dạn đầu tư, mở rộng SXKD, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Cùng với đó, Hội đã phối hợp mở 194 lớp dạy nghề và tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho trên 7.600 lượt nông dân và tích cực tuyên truyền để nông dân thực hiện sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đến nay, huyện đã có hai mặt hàng đã được cấp nhãn hiệu theo chuỗi giá trị sản phẩm đó là bưởi Đại Minh và gạo Bạch Hà.
Năm 2019, huyện có 9.250 hộ hội viên đăng ký thi đua SXKDG. Có thể thấy, những tác động của phong trào này đã góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.
Thanh Chi