Nằm giữa các xã có diện tích cam nhiễm bệnh lớn, song với nhiều biện pháp phòng và kiểm soát sự lây lan của bệnh, xã Thượng Bằng La chỉ có 20/560 ha cam bị nhiễm bệnh.
Anh Hoàng Xuân Dương - Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Bằng La cho biết: Xã nằm trong vùng bệnh, nhưng diện tích cam nhiễm bệnh không lớn, một phần là do cây cam ở Thượng Bằng La phát triển mạnh từ những năm 2015, cho nên diện tích tuy lớn nhưng chủ yếu là cam khoảng 4 - 5 năm tuổi với diện tích 410 ha, chiếm 73%.
Trong khi, bệnh này chủ yếu gây hại mạnh trên diện tích cam già cỗi, từ 10 năm tuổi trở lên. Thêm vào đó, nhiều năm qua, tư duy, tập quán canh tác của người trồng cam trên địa bàn đã có sự chuyển biến mạnh mẽ từ việc chỉ biết trồng, phun thuốc, bón phân, thu hoạch đến chăm sóc, nuôi dưỡng, cải tạo đất, sản xuất an toàn, bền vững.
Quả thực, từ lâu, các hộ trồng cam ở Thượng Bằng La đã quan tâm hơn đến việc sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, phân bón vô cơ, việc giữ màu, cải tạo đất. Hiện nay, xã có 2.156 hộ dân, trong đó, có trên 400 hộ trồng cam.
Từ năm 2017, hơn 100 hộ dân ở 15 thôn trong xã được hỗ trợ để nâng cao ý thức trồng cam ứng phó với biến đổi khí hậu từ Dự án "Đẩy mạnh kiến thức địa phương trong thích ứng với biến đổi khí hậu" do Tổ chức Bánh mỳ thế giới tài trợ, Dự án đã hỗ trợ 45 máy phát cỏ, 17 máy bơm nước, tổ chức trên 30 buổi hội thảo sản xuất phân vi sinh hữu cơ từ chế phẩm sinh học, các kỹ thuật canh tác, phòng chống sâu bệnh...
Gia đình bà Lưu Thị Hiền ở thôn Nông Trường là một trong những hộ dân được hưởng lợi từ Dự án cho biết: "Gia đình tôi được hỗ trợ 1 máy phát cỏ, 1 máy bơm nước, được tập huấn về tác hại của thuốc trừ cỏ, cách sản xuất phân vi sinh hữu cơ thay thế phân hóa học, cách phòng, chống sâu bệnh hại đặc biệt là bệnh vàng lá, thối rễ đang hoành hành, gây thiệt hại nhiều cho người trồng cam ở các xã vùng ngoài của huyện".
"Quan trọng hơn, tư duy về sản xuất an toàn, sản xuất bền vững đã thay thế toàn bộ cho phương pháp canh tác truyền thống cũ, đó là ý thức tự giác để bảo vệ người sản xuất và cả người tiêu dùng. Do đó, gia đình tôi mặc dù chịu thiệt hại do bệnh vàng lá, thối rễ nhưng diện tích không quá lớn chỉ khoảng 2.000 m2".
Ngoài ra, dù có hay không có sự hỗ trợ, các hộ dân trồng cam trong xã còn chủ động học tập, lan tỏa tư duy, kỹ thuật, cách làm mới để trồng cam bền vững: trồng xen các cây họ đậu bên dưới tán cây cam từ 1 đến 3 năm tuổi kết hợp với trồng băng cỏ chống xói mòn, cải tạo đất, tạo độ mùn; trồng các giống cây ăn quả khác như: ổi, dứa ... xung quanh khu vực trồng cam nhằm thu hút sâu bệnh.
Đặc biệt, từ việc cam kết thay đổi tập quán canh tác như: không phun thuốc trừ cỏ, sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học với các nhà tài trợ thì nay ý thức đó đã thật sự trở thành thói quen tự giác.
Thực tế cho thấy, quy trình, tập quán canh tác của người trồng cam xã Thượng Bằng La có nhiều sự thay đổi tích cực. Chính từ những thay đổi ấy, đã bảo vệ phần diện tích cam của họ khỏi bệnh dịch, đặc biệt là căn bệnh vàng lá, thối rễ chưa có cách chữa trị triệt để.
Hoài Anh