Chiều 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 – 2018.
Theo Đoàn giám sát, hiện một số Quỹ có nguồn thu từ đóng góp bắt buộc của các doanh nghiệp, tổ chức và người dân hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định. Bên cạnh đó, nhiều Quỹ được thành lập có chức năng, nhiệm vụ trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách; một số Quỹ trong quá trình thực hiện các chức năng nhiệm vụ không mang lại hiệu quả kỳ vọng hoặc rất khó đánh giá hiệu quả một cách tích cực, không đạt được mục tiêu hoặc phải thay đổi mục tiêu, hoặc chỉ thực hiện được một số nhiệm vụ đặt ra theo quy định. Thậm chí theo Đoàn giám sát, có quá nhiều Quỹ tại địa phương làm phát sinh nhiều chi phí quản lý và tổ chức biên chế.
Qua hoạt động giám sát, Đoàn giám sát đề nghị bãi bỏ Quỹ bảo trì đường bộ ở trung ương và ở địa phương, toàn bộ nội dung chi về bảo trì đường bộ được thực hiện thông qua dự toán Ngân sách nhà nước (NSNN) cấp hằng năm. Đồng thời, Đoàn giám sát cũng đề nghị bãi bỏ các Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, Quỹ hỗ trợ các hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế và Quỹ hỗ trợ vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; Quỹ Phòng chống chống thiên tai.
Đối với Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp (HTSX và PTDN), để đảm bảo việc quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn thu này, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về quản lý, sử dụng nguồn thu này theo hướng: Toàn bộ số từ cổ phần hóa, thoái vốn, cổ tức được chia tại các doanh nghiệp... phải nộp về NSNN sau khi trừ đi các chi phí. Việc quản lý, sử dụng nguồn thu này được thực hiện theo dự toán NSNN hằng năm và kế hoạch đầu tư công 5 năm theo từng giai đoạn.
Bên cạnh đó, Đoàn giám sát cũng đề nghị nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền xác định rõ lộ trình bãi bỏ nhiều loại quỹ khác.
Cụ thể, đối với Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, Đoàn giám sát đề nghị xác định lộ trình bỏ Quỹ này và bỏ quy định về chế độ thu gắn với lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và chuyển các nhiệm vụ chi của Quỹ thành nhiệm vụ chi của NSNN.
Với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Đoàn giám sát đề nghị cần nghiên cứu, xác định rõ lộ trình hoặc bãi bỏ ngay Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để mặt hàng xăng, dầu cũng được quản lý giá như các mặt hàng khác theo Luật Giá mà không cần Quỹ bình ổn.
Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, Đoàn giám sát đề nghị tiếp tục nghiên cứu để giảm mức thu trên doanh thu từ các dịch vụ viễn thông; xác định rõ lộ trình bãi bỏ Quỹ Viễn thông công ích, đồng thời chuyển toàn bộ các nhiệm vụ thu, chi của Quỹ vào trong cân đối NSNN.
Nhập các quỹ trùng lặp
Đoàn giám sát cũng đề nghị thực hiện việc sáp nhập đối với các Quỹ trùng lặp về mục tiêu, nhiệm vụ, phương thức hoạt động.
Với Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam, Đoàn giám sát đề nghị thực hiện rà soát, sửa đổi các văn bản liên quan đến Quỹ theo hướng chuyển vào cân đối NSNN đối với các nguồn thu, nhiệm vụ chi của Quỹ trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của NSNN; đồng thời, rà soát nguồn thu, nhiệm vụ chi cho vay, hỗ trợ lãi suất, ủy thác các chương trình, dự án bảo vệ môi trường, đế có giải pháp để đảm bảo nguồn lực, nâng cao tính độc lập và hiệu quả hoạt động của Quỹ.
Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, Đoàn giám sát đề nghị thực hiện rà soát chuyển nguồn thu tiền trồng rừng thay thế và nhiệm vụ chi trồng rừng thay thế vào trong cân đối NSNN; loại bỏ các nhiệm vụ chi của Quỹ trùng lặp với nhiệm vụ chi của NSNN, đảm bảo các nhiệm vụ chi do Quỹ thực hiện là độc lập với NSNN.
Đối với Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và Quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia, Đoàn giám sát đề nghị cần tiến hành rà soát các văn bản pháp luật có liên quan đến thành lập, hoạt động và quản lý của hai Quỹ này để trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật NSNN, xác định rõ mô hình tổ chức của Quỹ và cơ quan quản lý Quỹ…
(Theo TPO)