Với trên 44.553 ha đất có rừng, trong đó rừng tự nhiên là 8.911 ha, rừng trồng là 35.642 ha, Yên Bình là huyện có thế mạnh để kinh tế lâm nghiệp phát triển.
Phát huy thế mạnh này, huyện đã rà soát, quy hoạch 3 loại rừng, giao đất, giao rừng cho người dân; quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với chế biến; đổi mới cơ chế mô hình quản lý trong lĩnh vực lâm nghiệp, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia trồng rừng. Nhờ đó, phong trào trồng rừng ở các địa phương diễn ra mạnh mẽ.
Chúng tôi có mặt tại xã Thịnh Hưng, một trong những địa phương có phong trào trồng rừng phát triển mạnh. Ở thôn Đào Kiều, những quả đồi được phủ màu xanh của cây keo, bạch đàn trải ngút tầm mắt.
Anh Lê Văn Trình vừa khai thác 0,5 ha keo cho biết: "Ở đây người dân làm giàu chủ yếu từ trồng rừng. Nhờ trồng rừng giúp gia đình tôi có cuộc sống khấm khá. Gia đình tôi có hơn 2 ha rừng, chủ yếu là trồng keo, bạch đàn. Cuối năm 2018, gia đình khai thác 0,5 ha keo, bán được 50 triệu đồng. Ngay sau khi khai thác, gia đình đã phát dọn thực bì, cuốc hố, trồng cây giữa tháng 4 năm nay.
Ông Lương Xuân Trường - Phó Chủ tịch UBND xã Thịnh Hưng cho biết, hiện toàn xã có gần 700 ha đất lâm nghiệp. Từ nhiều năm nay, trên địa bàn xã không còn đất trống, đồi núi trọc. Trước đây, đất lâm nghiệp chỉ là đất để người dân canh tác và xoá đói giảm nghèo, đến nay đất lâm nghiệp là đất làm giàu cho người dân.
Có thể minh chứng bằng kết quả trồng rừng, 1 ha rừng sau 6 - 7 năm canh tác người dân thu hoạch thu về đạt 100 - 150 triệu đồng. Một nhà có 5 - 7 ha, trồng chu kỳ đầu khai thác thì làm được nhà, chu kỳ thứ 2 đã có tiền tích lũy và thực tế những hộ khá của địa phương cơ bản đều từ trồng rừng. Trung bình mỗi năm toàn xã khai thác 40 ha. Năm nay, theo kế hoạch, xã trồng mới 40 ha rừng, đến thời điểm này toàn xã đã hoàn thành kế hoạch cả năm.
Năm 2019, huyện Yên Bình có kế hoạch trồng mới 2.897 ha rừng các loại. Để hoàn thành kế hoạch, huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, thiết kế, chuẩn bị đất và xây dựng kế hoạch trồng rừng giao cụ thể tới các xã.
Hạt Kiểm lâm huyện tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở để vận động, tuyên truyền, hướng dẫn cho các chủ vườn ươm, người dân về kỹ thuật làm đất, gieo cây giống, trồng và chăm sóc rừng; thu thập và tổng hợp số liệu theo từng tuần, từng tháng đồng thời giải quyết vướng mắc ngay tại cơ sở, khuyến khích nhân dân đưa loài cây gỗ lớn đa mục đích vào trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp.
Chính nhờ sự chủ động trong khâu chuẩn bị từ huyện đến cơ sở và sự nỗ lực của người dân và các thành phần kinh tế nên đến hết tháng 6, toàn huyện đã trồng mới được trên 2.897,4 ha đạt 100,15% kế hoạch năm, trong đó trồng 1.859,7 ha keo, 293,85 ha bồ đề; 644,7 ha bạch đàn; 5 ha trẩu và 94,15 ha quế. Các loại cây trồng đều có hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ kiểm lâm địa bàn, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, đảm bảo tỷ lệ sống trên 90%.
Theo ông Hà Ngọc Quý - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Yên Bình: "Đạt được kết quả trên, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền thì người dân đã nhận thức rất rõ về tầm quan trọng cũng như giá trị kinh tế từ rừng mang lại. Ngoài ra, huyện làm tốt công tác theo dõi, nắm bắt diễn biến tài nguyên rừng. Nhờ nắm sát diễn biến tài nguyên rừng của từng địa phương nên hàng năm việc xây dựng và giao kế hoạch trồng rừng sát với thực tế. Do đó, nhiều năm nay, khi thời vụ trồng rừng vụ xuân vừa khép lại thì huyện Yên Bình đã cơ bản hoàn thành kế hoạch trồng rừng cả năm”.
Văn Thông