Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, từ năm 2012 đơn bị đã triển khai các dự án xây dựng hàng rào, đường gom để xóa bỏ lối đi tự mở. Tuy nhiên, do thiếu vốn, một số dự án đang thi công dở dang phải dừng lại, trong đó còn 27,96 km đường gom và 17,3 km hàng rào cách ly thuộc các dự án công trình khẩn cấp giai đoạn 2 và 321 km thuộc dự án xây dựng hàng rào, đường gom (phần bổ sung) giai đoạn 3.
Năm 2018, Cục Đường sắt Việt Nam cũng đã hoàn thành lập đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt, báo cáo Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Theo đề án, Cục đã rà soát, phân loại, sắp xếp, đưa cả danh mục của các dự án đã và đang triển khai thi công dở dang trước đây vì thiếu vốn; kiến nghị xây dựng 673 km đường gom, hàng rào cách ly để đóng 2.983 lối đi tự mở qua đường sắt.
Trên cơ sở đề án, Tổng công ty Đường sắt kiến nghị Bộ GTVT trình Chính phủ bố trí kinh phí theo Quyết định 994 của Thủ tướng Chính phủ về lập lại hành lang đảm bảo an toàn giao thông đường sắt để đầu tư dự án trên nhằm thực hiện mục tiêu từ nay đến 2025 đóng hoàn toàn các lối đi tự mở. Kinh phí dự kiến 2.500 tỷ đồng từ vốn ngân sách Nhà nước trung hạn 2020-2025.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho Báo Giao thông biết, dự kiến thực hiện đầu tư cụ thể như sau: Từ năm 2021-2022 thực hiện 168 km đường gom, hàng rào cách ly (thuộc nhóm ưu tiên 1, nhóm ưu tiên 2) với kinh phí dự kiến 672 tỷ đồng; từ năm 2023-2025, hoàn thành 469 km đường gom, hàng rào cách ly (thuộc nhóm ưu tiên 3, nhóm ưu tiên 4) với kinh phí dự kiến 1.876 tỷ đồng.
Cùng với việc đề xuất cấp vốn để xoa lối đi tự mở, Tổng công ty Đường sắt cũng kiến nghị Nhà nước bố trí 800 tỷ để triển khai dự án tách cầu chung đường bộ - đường sắt.
Lãnh đạo đơn vị này cho biết, các cầu chung đường bộ - đường sắt hiện nay đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao do đã xuống cấp vì đều được xây dựng cách đây mấy chục năm, lại phải chịu tải trọng quá mức do thường xuyên có xe tải trọng lớn đi qua. Mặt khác, việc đảm bảo an toàn giao thông giữa tàu và các phương tiện giao thông khác khi sử dụng chung cùng một mặt cầu, ngoài các thiết bị tín hiệu, còn phụ thuộc lớn vào nhân viên gác cầu.
Trước năm 2014, Tổng công ty Đường sắt đã hoàn thành công tác khảo sát, lập phương án đầu tư dự án xây dựng cầu để tách cầu đường bộ khỏi cầu chung đường sắt. Đến tháng 8/2014, Bộ GTVT đã có kế hoạch triển khai, trong đó yêu cầu tiến độ thực hiện trong 3 năm 2014-2016. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn không thể triển khai do không được bố trí vốn.
Trước nguy cơ mất an toàn giao thông cao tại các cầu chung này, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT xem xét kiến nghị Chính phủ bố trí kinh phí theo Quyết định 994 để triển khai thực hiện hoàn thành dự án trên.
Dự kiến quy mô dự án gồm: Xây dựng cầu đường bộ Lục Nam; xây dựng phương án kết nối giao thông với đường bộ đối với 3 cầu Bắc Giang, Chung Lu và Long Đại. Tổng kinh phí dự kiến là 800 tỷ đồng, từ nguồn vốn phù hợp để có thể triển khai ngay dự án. Trong khi chờ bố trí nguồn vốn, Tổng công ty đề xuất Bộ GTVT kiến nghị cấp có thẩm quyền bố trí bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trung hạn 2020-2025.
Dự kiến tiến độ thực hiện trong 2 năm kể từ khi bố trí được nguồn vốn phù hợp.
(Theo chinhphu.vn)