Yên Bái hướng tới phát triển kinh tế rừng bền vững

  • Cập nhật: Thứ năm, 22/8/2019 | 2:08:37 PM

YênBái - Gia đình anh Nguyễn Đình Tước là hộ trồng rừng có kinh tế khá từ trồng rừng ở thôn Đồng Tâm, xã Phú Thịnh với hơn 2 ha. Năm 2015, anh Tước được Hội Nông dân xã lựa chọn tham gia nhóm hộ sản xuất gỗ rừng trồng của xã Phú Thịnh thuộc Chương trình FFF giai đoạn I (2015 - 2017).

Các thành viên HTX Dịch vụ tổng hợp xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình được Chương trình FFF tập huấn nâng cao kiến thức về sản xuất, chế biến, liên kết tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định.
Các thành viên HTX Dịch vụ tổng hợp xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình được Chương trình FFF tập huấn nâng cao kiến thức về sản xuất, chế biến, liên kết tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định.

Anh chia sẻ: "Tham gia Chương trình FFF, tôi hiểu được cách thức sản xuất, kinh doanh rừng và trang trại theo chuỗi giá trị; các thành viên trong Tổ hợp tác (THT), hiểu được lợi ích của việc liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, có kiến thức về thị trường. Chúng tôi cùng nhau góp vốn đầu tư chế biến để tăng giá trị sản phẩm và tìm các đối tác thu mua sản phẩm với giá tốt hơn, nâng cao thu nhập cho gia đình”. 

Anh Tước chỉ là 1 trong 494 hộ nông dân được tham gia Chương trình FFF giai đoạn I của huyện Yên Bình. Nhờ chứng chỉ FSC của Chương trình FFF cấp (Chứng chỉ FSC là chứng nhận được dùng cho các nhà quản lý rừng hay những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng bảo đảm tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị về bảo vệ môi trường rừng với lợi ích xã hội) sản phẩm gỗ rừng trồng của gia đình anh Tước đã được doanh nghiệp thu mua gỗ với giá cao hơn 10% so với giá thị trường. 

Tại tỉnh Yên Bái, Chương trình FFF giai đoạn I được triển khai tại hai huyện Yên Bình và Trấn Yên. Tham gia Chương trình, các hộ nông dân được các chuyên gia trong và ngoài nước tập huấn, hướng dẫn nâng cao năng lực sản xuất, giá trị và phát triển rừng bền vững.  

Trong đó, tập trung vào các hợp phần: nâng cao năng lực cho các hộ sản xuất rừng về kỹ năng kinh doanh và tham gia vận động chính sách; tạo diễn đàn liên ngành; chia sẻ kinh nghiệm với khu vực và quốc tế; phương pháp phân tích thị trường và phát triển kinh doanh, quản lý tài chính; hỗ trợ thành lập các THT, hợp tác xã (HTX) tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh; xây dựng mô hình nông lâm kết hợp.

Cùng với đó, Chương trình tổ chức các hội thảo nhóm trọng tâm và hội nghị bàn tròn giữa các tổ, nhóm với chính quyền các cấp để tìm các giải pháp và đề xuất các chính sách tháo gỡ khó khăn cho các THT, HTX. 

Trong giai đoạn I, Chương trình đã phối hợp với Hội Nông dân và chính quyền các cấp hỗ trợ thành lập mới 2 HTX là: HTX Quế Hồi Việt Nam, HTX Nông lâm nghiệp Bình Minh; thành lập 22 THT, 31 nhóm hộ trồng rừng với tổng thành viên trên 1.000 người; hình thành các mô hình liên kết về sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm gỗ rừng trồng như HTX Nông lâm nghiệp Bình Minh phối hợp với 31 nhóm hộ trồng rừng tại Yên Bình xây dựng xưởng xẻ COC tiêu thụ các sản phẩm rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC. HTX Quế Hồi Việt Nam liên kết với 22 tổ hợp tác vệ tinh xây dựng vùng sản xuất quế hữu cơ tại huyện Trấn Yên. 

Cùng với đó, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh cũng đã chủ động thực hiện công tác liên kết, phối hợp xây dựng 13 HTX, gần 50 THT trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Điển hình như Hội Nông dân huyện Văn Chấn hỗ trợ xây dựng 4 HTX cam Văn Chấn; Hội Nông dân Lục Yên phối hợp xây dựng HTX Cam sành Lục Yên … 

Kết thúc giai đoạn I, Yên Bái là một trong 4 địa phương được Chương trình lựa chọn tham gia giai đoạn II (2019 - 2022). Đối tượng tham gia là các tổ chức của người sản xuất rừng và trang trại (FFPO), trong đó ưu tiên phụ nữ, thanh niên là người dân tộc thiểu số. 

Chương trình hy vọng, các thành viên tham gia sẽ trở thành tác nhân chủ yếu làm thay đổi cảnh quan, chống chịu với biến đổi khí hậu và cải thiện sinh kế bền vững cho người dân địa phương. Đạt được mục tiêu này, Chương trình tập trung vào nâng cao năng lực cho FFPO trong phát triển sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp kết hợp, các hoạt động nâng cao thu nhập từ cảnh quan rừng, giảm nghèo bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Đồng thời, tăng cường năng lực cho các cấp Hội Nông dân để nâng cao hoạt động hiệu quả, cung cấp dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ tốt hơn và tham gia vào quá trình vận động chính sách. Đến nay, Chương trình đã phối hợp với Hội Nông dân các cấp đã tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn kỹ năng, lập kế hoạch truyền thông tại 4 xã tham gia: Thịnh Hưng, Tân Nguyên (Yên Bình), Tân Đồng, Đào Thịnh (Trấn Yên) để giúp các thành viên hiểu rõ hơn về Chương trình FFF giai đoạn II, xây dựng kế hoạch chi tiết các hoạt động và thống nhất cơ chế phối hợp triển khai trong năm 2019.

Toàn tỉnh Yên Bái hiện có gần 460.000 ha đất có rừng, bình quân mỗi năm khai thác, toàn tỉnh tiêu thụ gần 400.000 mét khối gỗ rừng trồng. Do vậy, việc tham gia Chương trình FFF giai đoạn II sẽ giúp kinh tế lâm nghiệp Yên Bái phát triển bền vững, tiếp cận theo định hướng giá trị và sản phẩm, là tác nhân quan trọng trong chuỗi cung ứng của ngành gỗ và lâm sản ngoài gỗ, tạo động lực để người dân phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Ông Giàng A Câu - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh:



Yên Bái có lợi thế rừng và trang trại Chương trình FFF đưa vào tỉnh Yên Bái rất ý nghĩa, nhất là tập trung vào các nhóm cộng đồng. Trong Hội Nông dân đang tích cực thực hiện Chương trình 144 của Tỉnh ủy, đưa nông dân Yên Bái tham gia THT, HTX tạo chuỗi giá trị, Chương trình càng đem đến ý thức về bảo vệ môi trường, phát triển rừng bền vững của người nông dân.

Chương trình đã giúp nguời sản xuất rừng và trang trại tăng tính đoàn kết trong cộng đồng, góp phần gắn kết THT, HTX với chính quyền địa phương, các cơ quan, ban ngành, các THT cũng tìm được các đối tác để liên kết sản xuất, tiêu thụ nâng cao thu nhập cho người dân là cơ sở để người nông dân Yên Bái phát triển kinh tế rừng bền vững.

Bà Vũ Lê Y Voan - Cố vấn Chương trình FFF:



Giai đoạn II sẽ tạo diễn đàn đa ngành giúp người trồng rừng phát triển sinh kế. Thông qua Chương trình nhằm giúp người dân phát triển từ mô hình tổ hợp tác lên HTX. Qua các cuộc tập huấn, thảo luận nhóm giúp người trồng rừng cùng các đối tác bàn về thị trường tiêu thụ qua đó xây dựng chuỗi sản phẩm. Trong giai đoạn II, Chương trình đặc biệt ưu tiên các đối tượng phụ nữ, thanh niên là người dân tộc thiểu số.

Bà Maria Stella Tirol - Chuyên gia truyền thông Chương trình FFF:



Chương trình hướng đến mục tiêu là hướng dẫn cho người nông dân phương pháp canh tác thân thiện với môi trường, không phá rừng, không đốt nương; sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, có sản phẩm tốt hơn, chất lượng hơn đưa ra thị trường, phù hợp với sự biến đổi khí hậu hiện nay. Giúp người dân hiểu hơn nữa về giá trị của rừng, giá trị của cảnh quan để họ giữ gìn hưởng thụ và làm du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái tăng thêm thu nhập từ rừng. 

Ông Hoàng Thăng Long - Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình:



Các thành viên của HTX được tham gia Chương trình FFF được nâng cao kiến thức về cách sản xuất, chế biến, liên kết để tìm kiếm thị trường tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm gỗ rừng trồng của mình. Cùng đó, họ cũng có kế hoạch sản xuất, quản lý rừng gắn bảo vệ rừng môi trường, áp dụng những mô hình sản xuất hiện đại góp phần giảm biến đổi khí hậu, mang thu nhập cao cho người dân.


Minh Huyền - Mạnh Cường

Tags Yên Bình Chương trình FFF tổ hợp tác hợp tác xã hội nông dân

Các tin khác
Chế biến tinh dầu quế ở HTX Dịch vụ Nông lâm nghiệp tổng hợp Công Tâm, xã Hoàng Thắng, huyện Văn Yên.

Thống kê sơ bộ, hiện tại huyện Văn Yên có 12 nhà máy chế biến tinh dầu quế với công suất 500 tấn/năm, tạo việc làm trực tiếp cho 500 lao động và gián tiếp cho 5.000 hộ.

Ảnh minh họa

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Văn bản 6422/NHNN-TT yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện một số công việc để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công.

Nút giao lập thể tại điểm giao cắt giữa đường sắt Hà Nội-Hải Phòng, Quốc lộ 5 và đường 390.

Đến nay vẫn còn 35.148 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2019 (bằng 9,3% kế hoạch vốn được Quốc hội thông qua) chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ giao vốn.

Giá vàng SJC cuối ngày 21/8 niêm yết ở mức 41,30 - 41,60 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Mở cửa phiên giao dịch sáng 22/8, giá vàng SJC quay đầu tăng nhẹ, 100.000 đồng/lượng, giá vàng thế giới cũng chỉ nhích lên 0,6 USD/oz.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục