Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Đánh giá về Nghị quyết số 50, Giáo sư, tiến sĩ khoa học (GS.TSKH) Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư nói: Đây là thời điểm thay đổi. Phải thay đổi, hoặc là chết!
"Có một thời kỳ coi nhẹ an ninh quốc phòng trong đầu tư"
Ông có thể đánh giá cụ thể hơn ý nghĩa ra đời của Nghị quyết 50 về thu hút vốn đầu tư nước ngoài?
2018 - 2019 là năm của doanh nghiệp. Bộ Chính trị có 3 nghị quyết, trong đó đáng chú ý là Nghị quyết về kinh tế tư nhân được coi là động lực kinh tế quan trọng, lần đầu tiên đánh giá kinh tế tư nhân quan trọng như vậy.
Thứ hai là Nghị quyết về doanh nghiệp Nhà nước đẩy nhanh cổ phần và bây giờ là Nghị quyết về đầu tư nước ngoài.
Doanh nhân, doanh nghiệp là vai trò quan trọng, đội quân chủ lực của đất nước. Nếu chúng ta làm các đội quân này cùng phát triển, thì lúc đó mới có tăng trưởng cao và theo hướng kinh tế số, tiến kịp thế giới.
Bao trùm lên Nghị quyết là đánh giá thành quả quan trọng nhưng vạch ra khiếm khuyết. Lúc nào chúng ta cũng coi trọng số lượng và chất lượng, nhưng nay chúng ta coi chất lượng là quan trọng nhất.
Một trong những điểm đáng lưu ý của Nghị quyết là bổ sung thêm điều kiện an ninh quốc phòng vào trong các dự án đầu tư nước ngoài. Tầm quan trọng của việc đặt an ninh quốc phòng trong các dự án vốn đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam như thế nào thưa ông?
Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam luôn coi trọng an ninh quốc phòng, an ninh xã hội là cấu phần rất quan trọng. An ninh quốc phòng trong đầu tư nước ngoài còn quan trọng hơn vì nó là một mảng của kinh tế đối ngoại, đối ngoại đất nước. Mảng có liên quan mật thiết không chỉ đối tác mà còn cả ngoại giao, chính trị của nước ta đối với các nước khác.
Nước ta có rất nhiều bạn với quốc tế nhưng cũng có rất nhiều vấn đề phát sinh với các nước, đặc biệt là nước biên giới như biển Đông, biên giới, hải đảo... Đây là vấn đề không hề coi nhẹ.
Có một thời kỳ chúng ta rất coi nhẹ trong đầu tư về an ninh - quốc phòng như trồng rừng, khai thác khoáng sản ở vùng có ý nghĩa rất quan trọng về an ninh, quốc phòng.
Trên thế giới, không nước nào không gắn đầu tư với hoạt động gián điệp để khai thác thông tin từ các nước để làm lợi cho quốc gia mình.
Gần đây, câu chuyện Huawei của Trung Quốc và Mỹ là câu chuyện điển hình. Câu chuyện đó không chỉ riêng của doanh nghiệp mà là câu chuyện của an ninh giữa hai quốc gia.
Nghị quyết của Bộ Chính trị không nói nhiều lắm đến an ninh - quốc phòng bởi Việt Nam đã có rất nhiều Nghị quyết về an ninh - quốc phòng trong chiến lược phát triển kinh tế.
Ở đây, cách đơn giản hơn là phải chọn bạn mà chơi. Ở châu Á, chúng ta đang có hai người bạn rất đáng tin cậy là Nhật Bản và Hàn Quốc, những doanh nghiệp Nhật, Hàn vào Việt Nam vào đây cả 30 năm nay không hề có chuyện gì về an ninh quốc phòng cả.
Nhưng trái lại, những nước có vấn đề biên giới, hải đảo với chúng ta, không thể để họ thực hiện các dự án ảnh hưởng và nguy cơ đến an ninh quốc phòng.
Vậy thì làm cách nào để thu hút được vốn đầu tư nước ngoài song vẫn đảm bảo an ninh - quốc phòng?
Hiện nay chúng ta đang thiếu rất nhiều định mức quốc gia, tôi nghĩ các Bộ, ngành sau khi được phân cấp quyết định và trách nhiệm rồi nên hoàn thành định mức quốc gia.
Thứ hai là phải thanh tra, giám sát tránh để xảy ra tình trạng thảm họa môi trường như đã xảy ra ở miền Trung như Formosa. Nếu chúng ta có thanh tra, kiểm tra, giám sát không chỉ là con người mà cả công nghệ thì không thể xảy ra được nữa.
Các Bộ phải làm, còn các địa phương, nếu không phải đặt trách nhiệm người đứng đầu. Phải coi phân cấp không chỉ là quyền lợi của anh mà phân cấp là trách nhiệm của anh đối với dân tộc này thì lúc đó phân cấp mới có hiệu quả.
Tuy nhiên, việc rà soát đến vấn đề an ninh quốc phòng, nhấn mạnh đến chất lượng vốn đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ liệu có làm nhà đầu tư nước ngoài dè dặt, e ngại đầu tư vào Việt Nam?
Tâm lý nhà đầu tư ai cũng muốn ưu đãi, chọn lựa, nhưng đã đến lúc chúng ta phải đứng lên và suy nghĩ theo cách của mình. Chúng ta cũng nên tham khảo ý kiến của ADB, WB, IMF nhưng tất cả các ý kiến chỉ tham khảo thôi. Người quyết định phải là chúng ta.
Hai khổ đầu của Nghị quyết, Bộ Chính trị vẫn ưu tiên FDI, bảo hộ quyền của họ, còn ở dưới chỉ là giải pháp cụ thể. Tôi cho rằng, nếu những nhà đầu tư chân chính, có chiến lược đầu tư rõ ràng, muốn tìm kiếm lợi nhuận và gắn bó với Việt Nam tôi nghĩ họ sẽ không sợ gì cả.
Về công nghệ, tôi vẫn giữ ý kiến, đánh giá về chuyển giao công nghệ nên thận trọng. Ví dụ: Dầu khí nếu không có đầu tư nước ngoài Việt Nam làm gì có ngành dầu khí Việt Nam. Mỗi dự án dầu khí, tốn cả 2 - 3 triệu USD để đào tạo chuyên gia, đào tạo ở nước ngoài và hiện khai thác dầu khí nhiều chỗ chúng ta làm chủ được thăm dò, đóng mới.
Rồi công nghệ thông tin chúng ta có nước ngoài mới có 3G, 4G và 5G, rồi điện tử hiện nay xuất khẩu 27,2 tỷ USD.
Tất nhiên, chúng ta không nên đánh giá chung chung, chúng ta cần đánh giá riêng từng ngành để có giải pháp phù hợp.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại.
"Vấn đề là chọn dự án theo ý mình và giám sát"
Một vấn đề quan trọng không kém là Nghị quyết cũng nêu rõ cần nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng "vốn mỏng", chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng". Ông có kỳ vọng hiện tượng núp bóng sẽ được giải quyết sau khi Nghị quyết ban hành?
Thực ra không phải chỉ đến khi có nghị quyết này mới biết vốn núp bóng, tôi có quan điểm khá công bằng là cũng phải coi Trung Quốc là đối tác láng giềng rất quan trọng về nhiều mặt của Việt Nam.
Nhiều khi lợi ích của doanh nghiệp khác với lợi ích của quốc gia, ngay từ khi Mỹ chưa dỡ bỏ cấm vận Việt Nam, khá nhiều doanh nghiệp nước này thông qua doanh nghiệp thứ ba đầu tư làm ăn ở Việt Nam. Ở Trung Quốc hiện nay cũng vậy, nhiều doanh nghiệp lớn của họ khó khăn ở trong nước, muốn tránh và chọn Việt Nam.
Vấn đề của chúng ta là chọn được dự án theo ý mình và hướng dẫn, giám sát lựa chọn.
Câu chuyện đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là phải tự trách mình, không ai bắt vay vốn Trung Quốc rồi cho họ chọn nhà thầu Trung Quốc, hoãn đi hoãn lại bao nhiêu lần, rồi tháng 4/2019 khai trương mà đến nay vẫn chưa thấy đâu cả.
Đối với Trung Quốc cũng như đầu tư nước ngoài nói chung phải lựa chọn theo mình, cũng không nên "vơ đũa cả bó" coi đầu tư nào của Trung Quốc là không nên, họ có những công nghệ của Trung Quốc mà Việt Nam rất cần, không nên áp đặt.
"Đây là thời điểm thay đổi"
Đầu tư nước ngoài sau một thời gian thực sự trở thành bộ phận không thể thiếu của nền kinh tế. Tuy nhiên, hệ lụy của nó phát sinh như: hai nền kinh tế trong một quốc gia, phân biệt trong chính sách phát triển, hủy hoại môi trường... Nghị quyết sẽ là rường cột để chúng ta thay đổi cách lựa chọn, thưa ông?
Hiện nay, chúng ta không còn như 1990 là "Việt Nam như cô gái đẹp" mà chúng ta hiện nay là "ngôi sao đang lên". Có các khía cạnh là ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế ổn định.
Vị thế của chúng ta từ nước đối lập với ASEAN, từ chỗ nước thấp nhất, dần dần chúng ta có vị thế cao hơn. Năm 2020 chúng ta là Chủ tịch của ASEAN, các nước coi chúng ta là tiếng nói chủ chốt và vị thế ở ASEAN.
Mối quan hệ của Việt Nam với Mỹ thay đổi rất nhanh. Gần đây có hai cái tôi thấy rất đáng phấn khởi, nhiều người cho rằng Mỹ áp đặt Việt Nam thao túng tiền tệ nhưng cái đó rất xa. Mỹ chỉ cảnh báo xa, chúng ta biết mà tránh.
Mỹ vừa rồi cũng xóa thuế đối với hàng thủy sản là tôm về 0%. Giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp thủy sản tăng rất nhanh. Tuy Mỹ không tham gia CPTPP nhưng hiện nay Mỹ đang muốn đàm phán với nước ta về một Hiệp định thương mại tự do song phương mới thay BTA. Mỹ coi Việt Nam là đối tác chiến lược ở châu Á - Thái Bình Dương.
Chúng ta đã ký EVFTA với EU, năm 2020 đã bắt đầu thực hiện 70 - 72% thuế về 0%.
Tuy nhiên, cái quan trọng nhất là EU và Mỹ sẽ mở rộng quan hệ hợp tác đầu tư với Việt Nam và Việt Nam kỳ vọng sẽ hút được vốn mới từ các nước phát triển. Như vậy, mở rộng vấn đề hơn với Nghị quyết của Bộ Chính trị, tôi hy vọng quan hệ đầu tư từ EU, Mỹ vào Việt Nam sẽ tăng.
Ở châu Á, các nước như Nhật, Hàn, vùng lãnh thổ Đài Loan, rồi trong khu vực là Singapore, Thái Lan, Malaysia... chúng ta có rất nhiều bạn, không thiếu bạn, nhưng chọn theo các nào thì cần phải khôn ngoan. Chính phủ chắc chắn chỉ đạo, các địa phương cần nâng tầm, khôn ngoan trong quá trình tiếp xúc.
Cuối cùng, theo ông, chúng ta nên làm gì để Nghị quyết của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống, tạo cú huých thời gian tới?
Tôi biết một câu mà một giáo sư Việt kiều Mỹ nói rất thấm thía là hình như người Việt không coi trọng thời gian, dù chúng ta có câu "thời gian là vàng, là bạc". Tuy nhiên, thực tế các công việc cứ thực hiện 5 ngày cũng được, 10 ngày cũng được, một tháng cũng chẳng sao.
Sau Nghị quyết này, phải thay đổi rất nhanh chóng về thể chế kinh tế, rất nhanh chóng thay đổi các khâu về quản lý Nhà nước đối với FDI. Nếu để thời gian trôi đi thì dù có bao Nghị quyết thì cũng không có hiệu quả.
Chúng ta hiện nay trong kỷ nguyên số, Cách mạng công nghiệp 4.0. Thời gian cũng là thước đo hơn nhau, nếu sớm hơn một ngày thì khác, còn chậm hơn một ngày thì thất bại.
Do đó, tôi nghĩ tinh thần của Bộ Chính trị là không chỉ thay đổi thể chế kinh tế mà thay đổi cả cách làm Luật.
Ví dụ như chuyển giá, Bộ Chính trị đưa cảnh báo, từ năm 2005, khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn Coca Cola chuyển giá, nhưng đến tận bây giờ cũng không có Luật nào về chống chuyển giá cả. 14 năm rồi, cái gì tồn tại như thế này mà không giải quyết được thì phản ứng chính sách của chúng ta quá chậm.
Đây là thời điểm thay đổi.
(Theo VnEconomy)