Văn Chấn: Khai thác lợi thế phát triển cây dược liệu

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/8/2019 | 8:06:44 AM

YênBái - Trong điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe của con người, cây dược liệu luôn đóng vai trò quan trọng, là nguồn nguyên liệu chính bào chế ra hầu hết các loại thuốc. Tuy nhiên, cây dược liệu tự nhiên đang dần cạn kiệt. Để dược liệu trở thành cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, huyện Văn Chấn đã khuyến khích và tạo điều kiện cho các đơn vị, cá nhân phát triển các mô hình trồng cây thảo dược.

Lãnh đạo huyện Văn Chấn và Liên minh Hợp tác xã Yên Bái thăm mô hình thảo dược của Hợp tác xã Lũng Lô.
Lãnh đạo huyện Văn Chấn và Liên minh Hợp tác xã Yên Bái thăm mô hình thảo dược của Hợp tác xã Lũng Lô.

Nhận thấy giá trị của cây dược liệu và khả năng phát triển trong môi trường ươm trồng, vài năm trở lại đây, một số hộ dân ở vùng cao Văn Chấn đã bắt tay vào trồng: sa nhân, thảo quả, đinh lăng đang cho hiệu quả bước đầu. 

Hiện, trên thị trường giá sa nhân, đinh lăng là trên 100.000 đồng/kg, thảo quả từ 30 - 40.000 đồng/kg. Giá trị là vậy nhưng việc trồng cây dược liệu vẫn chỉ là tự phát, trên quy mô nhỏ lẻ, hiệu quả chưa cao. Năm 2017, Hợp tác xã (HTX) Lũng Lô, xã Thượng Bằng La đã đi đầu phát triển cây dược liệu với quy mô lớn. 

Tận dụng điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu ở khu vực đèo Lũng Lô, HTX đã triển khai trồng 5 ha cây dược liệu các loại như: đương quy, hoài sơn, sâm bố chính, hy thiêm và một số loại cây dược liệu khác. Dù mới trong giai đoạn thử nghiệm nhưng hầu hết các loại dược liệu đều sinh trưởng và phát triển tốt. 

Theo đánh giá, các loại cây dược liệu như đương quy, hoài sơn có thể cho thu hoạch sau từ 2 - 3 năm; các loại sâm có thể cho thu hoạch sau 10 - 15 năm. Hiện nay, HTX Lũng Lô đang tiếp tục phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu phát triển các loại cây dược liệu mới, đồng thời mở rộng diện tích cây dược liệu đang có triển vọng. 

Ông Đỗ Bảo Long - Giám đốc HTX Lũng Lô chia sẻ: "Bản thân làm trong ngành dược nên thấu hiểu tầm quan trọng của cây dược liệu cũng như nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu cho chế biến thuốc. Sau khi cùng các thành viên nghiên cứu đất đai, thổ nhưỡng ở Văn Chấn, chúng tôi quyết định chọn hướng đi chủ đạo của HTX là phát triển cây dược liệu. Chúng tôi đang phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu, đưa các loại cây dược liệu mới có giá trị vào trồng thử nghiệm và nhân rộng những cây trồng phù hợp”.

Ngoài Thượng Bằng La, Văn Chấn còn rất nhiều xã vùng cao như Suối Giàng, Sùng Đô, An Lương, Gia Hội, Nậm Búng, Tú Lệ đều có thể phát triển được cây dược liệu bởi những năm qua, các địa phương này đã có thu nhập khá từ cây thảo quả. Việc xây dựng và chuẩn bị đưa vào hoạt động Nhà máy Chế biến thảo dược Đông dược Thế Gia (Sơn Thịnh) đã và đang là động lực cho việc phát triển vùng cây dược liệu phục vụ cho chế biến. 

Huyện Văn Chấn cũng đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện cho các đơn vị khảo sát, xây dựng các mô hình khảo nghiệm và động viên nhân dân phát triển cây dược liệu. Tuy nhiên, dược liệu là loài cây đòi hỏi những điều kiện canh tác nhất định như: yếu tố về nhiệt độ, độ ẩm ổn định, đặc biệt là môi trường phải thật sự trong lành. 

Theo khảo sát, đánh giá của dược sỹ Nguyễn Văn Toanh - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn, nghiên cứu, chế biến dược liệu - Viện Nghiên cứu phát triển cây lâm nghiệp, Đại học Nông Lâm Thái Nguyên: "Văn Chấn có điều kiện thuận lợi để phát triển cây dược liệu ở quy mô lớn, nhất là ở những khu vực núi cao, có môi trường trong lành. Việc phát triển cây dược liệu ở khu vực vùng cao vừa góp phần nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số, bảo vệ môi trường sinh thái vừa góp phần bảo tồn nguồn cây dược liệu quý. Phát triển cây dược liệu gắn với bảo vệ và phát triển rừng sẽ là hướng đi quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở vùng cao”.

Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, những năm gần đây, khu vực các xã vùng thấp của huyện Văn Chấn đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ các loại cây trồng theo hướng hàng hóa, đa dạng về chủng loại. Đối với khu vực vùng cao, do địa hình đồi núi dốc, trình độ canh tác của nhân dân còn hạn chế nên cơ cấu cây trồng chưa có chuyển biến rõ rệt. Việc trồng thảo dược sẽ là lời giải cho bài toán chọn cây trồng chủ lực ở vùng cao.

Ngọc Sơn

Tags Văn Chấn phát triển cây dược liệu kinh tế HTX

Các tin khác

8 tháng năm 2019, chỉ số công nghiệp (IIP) toàn ngành công nghiệp Yên Bái tăng 11,35%. Trong đó, chỉ số sản xuất ngành khai khoáng tăng 19,84%; ngành chế biến, chế tạo tăng 13,89%; ngành sản xuất, phân phối điện giảm 4,96%; ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 4,56%.

Nhân dịp kỷ niệm 74 năm Quốc khánh 2/9, trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ có nhiều công trình, dự án được hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng.

Nhân dân xã Thanh Lương, huyện Văn Chấn tham gia làm đường giao thông nông thôn.

Đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Khai thác gỗ rừng trồng tại Công ty TNHH Một thành viên Lâm trường Yên Bình.

Với trên 463.139 ha đất có rừng, Yên Bái được xếp vào tốp đầu trong các tỉnh miền núi phía Bắc có lợi thế về phát triển kinh tế lâm nghiệp. Tận dụng tối đa thế mạnh phát triển kinh tế đồi rừng, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm chỉ đạo làm tốt công tác quản lý bảo vệ phát triển rừng và phòng chống cháy rừng; hạn chế đến mức thấp nhất nạn phá rừng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục