Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể được triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố Yên Bái sau 15 năm đã tạo ra được những chuyển biến tích cực trên lĩnh vực kinh tế. Bộ máy quản lý nhà nước về hợp tác xã (HTX) từng bước được kiện toàn.
Các chính sách hỗ trợ đối với kinh tế tập thể được triển khai hiệu quả. Nhiều mô hình HTX điển hình tiên tiến trong hoạt động, sản xuất, kinh doanh; sáng kiến hay, kinh nghiệm tốt trong tổ chức và hoạt động của các HTX được nhân rộng.
Năm 2005, sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố bước đầu cho thấy sự phát triển của mô hình kinh tế tập thể mà nòng cốt là phát triển hình thức HTX tại địa phương chiếm giữ vai trò tích cực trong phát triển kinh tế của thành phố.
Năm 2012, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX, khu vực kinh tế tập thể của thành phố đã có bước chuyển biến tích cực: số lượng HTX, tổ hợp tác mới thành lập tăng đáng kể; các HTX cũ cơ bản đã được chuyển đổi; HTX phát triển đa dạng hơn cả về ngành nghề, quy mô và trình độ; củng cố một bước về tổ chức quản lý, khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững của địa phương.
Thể chế hóa chủ trương Nghị quyết 13 và Chương trình hành động của Tỉnh ủy, hàng năm, thành phố chủ động phối hợp với Liên minh HTX tỉnh, Chi cục Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế đối ngoại... hỗ trợ xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin, tìm kiếm thị trường cho các hộ kinh doanh và HTX; khuyến khích thực hiện rộng rãi việc ký kết hợp đồng trực tiếp giữa doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp với nông dân qua các HTX.
Tính đến hết năm 2018, trên địa bàn thành phố có 23 tổ hợp tác, với trên 200 thành viên; doanh thu đạt mức 300 triệu đồng/tổ/năm; lợi nhuận bình quân 70 triệu đồng/tổ/năm; thu nhập của thành viên, lao động đạt bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Các tổ hợp tác phát huy rõ nét vai trò trong việc thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, tạo mối liên kết, hợp tác, hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật, thị trường; giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho thành viên.
Hết năm 2018, toàn thành phố có 47 HTX có đăng ký hoạt động, tăng 27 hợp tác xã so với năm 2003, trong đó 43 HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012 với 5.433 thành viên, tăng 2.883 thành viên so với năm 2003. Trong đó, có 19 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp; 18 HTX hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ; 6 HTX hoạt động trong lĩnh vực xây dựng - công nghiệp.
Qua đánh giá, có 34 HTX, chiếm 72,3% tổng số hợp tác xã trên địa bàn thành phố hoạt động hiệu quả, với tổng số thành viên là 5.433 người, tổng vốn điều lệ 143,6 tỷ đồng, vốn hoạt động 544,8 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân đạt 420 triệu đồng/HTX; số nộp ngân sách nhà nước hàng năm đạt 32,8 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 500 lao động.
Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao kinh tế tập thể, thành phố đặt mục tiêu trước mắt đến năm 2025, phấn đấu thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong HTX đạt trên 55 triệu đồng/người/năm; đối với tổ hợp tác đạt trên 45 triệu đồng/người/năm; tạo việc làm cho từ 700 đến 1.000 lao động thường xuyên trong các HTX; mỗi năm tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ phát triển khoảng 150 tổ hợp tác trở lên, 5 HTX trở lên; đảm bảo giữ vững tỷ lệ HTX hoạt động ổn định, có hiệu quả đạt trên 75%.
Phạm Minh