Mù Cang Chải: Để sơn tra là cây sinh kế bền vững

  • Cập nhật: Thứ năm, 29/8/2019 | 8:28:09 AM

YênBái - Thời điểm này, sơn tra ở huyện Mù Cang Chải đã cho thu quả. Năm nay, nhiều nơi sơn tra cho năng suất chỉ bằng nửa năm ngoái, thậm chí có cây không ra quả.

Lãnh đạo UBND xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải trao đổi với người dân về kỹ thuật thu hái quả sơn tra.
Lãnh đạo UBND xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải trao đổi với người dân về kỹ thuật thu hái quả sơn tra.

Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân của tình trạng trên cũng như các giải pháp để sơn tra là cây sinh kế bền vững của người dân ở Mù Cang Chải, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã trao đổi với ông Nguyễn Thái Bình - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh - đơn vị trực tiếp thực hiện Đề án phát triển cây sơn tra tại hai huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải giai đoạn 2016 - 2020. 

P.V: Nhiều năm nay, cây sơn tra ở huyện Mù Cang Chải thường xuyên rơi vào tình trạng năm được mùa, rồi năm lại mất mùa. Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng trên?

Ông Nguyễn Thái Bình: Đầu tiên phải kể đến là yếu tố thời tiết, không chỉ ngành nông nghiệp Yên Bái mà nông nghiệp cả nước đều phụ thuộc rất lớn vào yếu tố này. Những năm gần đây, thời tiết ở huyện Mù Cang Chải nói riêng và các huyện vùng cao nói chung của tỉnh biến đổi rất phức tạp, thường xuyên xảy ra nắng nóng kéo dài, sạt lở, lũ quét, băng tuyết, sương muối... gây ảnh hưởng lớn tới sinh trưởng và phát triển của cây trồng, làm giảm khả năng ra hoa, đậu quả. 

Đây được coi là nguyên nhân chính dẫn tới giảm năng suất, sản lượng sơn tra. Tiếp theo phải kể đến yếu tố địa hình, vì phần lớn diện tích phát triển cây sơn tra có địa hình núi cao, chia cắt mạnh với độ dốc lớn, diện tích rừng trải rộng nên rất khó khăn cho người dân bảo vệ rừng cũng như áp dụng các biện pháp lâm sinh trong chăm sóc rừng. 

Cùng đó, yếu tố kỹ thuật trong trồng và chăm sóc cây sơn tra chưa hợp lý, hầu hết các biện pháp lâm sinh chỉ áp dụng trong 3 - 4 năm đầu tiên sau khi trồng và sau mỗi vụ thu hoạch đồng bào không bón phân để bổ sung dinh dưỡng cho cây, tạo đà phát triển để cây cho quả vào vụ sau vì điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn nên khả năng đầu tư thâm canh rừng trồng còn hạn chế dẫn tới năng suất, chất lượng sản phẩm còn chưa cao.

P.V: Việc người dân chưa có thói quen, ý thức bổ sung dinh dưỡng cho cây sơn tra sẽ gây ảnh hưởng như thế nào đến năng suất, sản lượng?

Ông Nguyễn Thái Bình: Có thể khẳng định rằng, việc bón phân góp phần bổ sung dinh dưỡng cho cây sơn tra có ảnh hưởng rất lớn tới năng suất, sản lượng quả. Cây sơn tra tuy là cây lâm nghiệp, ngoài việc trồng rừng với mục đích phòng hộ, bảo vệ đất, giữ nước... thì còn mang lại giá trị kinh tế cao thông qua thu hoạch quả chế biến dược liệu, thực phẩm và có thể coi đây là cây xóa đói, giảm nghèo đối với đồng bào vùng cao. Tuy nhiên, hiện nay việc chăm sóc cây sơn tra của bà con mới chỉ dừng lại ở việc phát cỏ, xới vun gốc chứ chưa có thói quen, ý thức bổ sung dinh dưỡng cho cây. 

Thêm vào đó, cây sơn tra phù hợp sinh trưởng, phát triển trên 2 huyện vùng cao của tỉnh là nơi có địa hình núi cao, độ dốc lớn, dinh dưỡng ở đất rất dễ bị xói mòn, rửa trôi. Sau mỗi vụ thu hoạch, cây sơn tra cũng cần một lượng lớn chất dinh dưỡng để phục hồi mà bón phân là biện pháp để bù đắp lượng dinh dưỡng khoáng cho đất tốt nhất, giúp cây trồng hút được nhiều chất dinh dưỡng và phát triển tốt hơn. Do vậy, để góp phần đảm bảo năng suất, chất lượng quả ổn định thì việc áp dụng biện pháp bón phân cho cây sơn tra như đối với cây ăn quả là vô cùng cần thiết.

P.V: Để phát triển cây sơn tra, thời gian qua, ngành nông nghiệp Yên Bái đã phối hợp với chính quyền các cấp triển khai những chính sách hỗ trợ gì?

Ông Nguyễn Thái Bình: Để phát triển cây sơn tra, thời gian qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái đã phối hợp với 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải triển khai chính sách hỗ trợ thực hiện "Đề án phát triển cây sơn tra tại hai huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải giai đoạn 2016 - 2020” với mục tiêu trồng mới 6.200 ha sơn tra, phấn đấu đến năm 2020 diện tích sơn tra toàn tỉnh đạt khoảng 10.000 ha. 

Thời điểm hiện tại, diện tích đất rừng có cây sơn tra sinh trưởng và phát triển đã đạt trên 8.700 ha, trong đó, diện tích cho thu hoạch đem lại sản lượng quả bình quân khoảng 5.000 tấn mỗi năm và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới khi những diện tích mới trồng cho thu hoạch quả. 

Qua đánh giá, cây sơn tra không chỉ góp phần bảo đảm an ninh môi trường, giảm nhẹ thiên tai, tạo thêm việc làm cho người lao động, mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong nhận khoán bảo vệ rừng, hạn chế tối đa cháy rừng xảy ra trong mùa hanh khô hàng năm. 

P.V: Sơn tra là cây kinh tế chủ lực ở huyện Mù Cang Chải và để khắc phục tình trạng năm được, năm mất, đưa cây sơn tra phát triển bền vững, ngành nông nghiệp sẽ triển khai những giải pháp gì?

Ông Nguyễn Thái Bình: Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành và chính quyền địa phương tăng cường chỉ đạo điều hành, kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình thực hiện phát triển cây sơn tra theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ của "Đề án phát triển cây sơn tra tại hai huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải giai đoạn 2016 - 2020”. 

Cùng đó, ngành nông nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con trên địa bàn, đặc biệt là kỹ thuật trong thâm canh rừng trồng để nâng cao năng suất, chất lượng rừng. Tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng sơn tra, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất như: trồng rừng bằng cây sơn tra ghép; hỗ trợ phân bón, cây giống đảm bảo chất lượng cho bà con khi tham gia phát triển cây sơn tra. 

Ngoài ra, huyện Mù Cang Chải đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sơn tra tại Quyết định số 38696/QĐ-SHTT ngày 29/6/2016; huyện Trạm Tấu được Viện Nghiên cứu dược liệu thuộc Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận về chất lượng quả (Tổ chức ICRAF tài trợ). Đây chính là thế mạnh làm cơ sở để phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm và quảng bá hình ảnh quả sơn tra tại hai huyện vùng cao của tỉnh. 

Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện liên doanh liên kết trong sản xuất, xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm quả sơn tra an toàn, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào khâu bảo quản, chế biến sản phẩm nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ quả sơn tra rộng khắp cả nước.

P.V: Trân trọng cảm ơn ông!

Hùng Cường (thực hiện)

Tags Mù Cang Chải sơn tra sinh kế bền vững

Các tin khác
Người dân xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo nhờ trồng và sơ chế đặc sản măng mai.

Giảm nghèo luôn là mục tiêu, là nhiệm vụ, cũng là yêu cầu trong mỗi giai đoạn phát triển, tuy nhiên chưa có bao giờ công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh lại được triển khai mạnh mẽ và quyết liệt như trong năm 2019.

Ảnh minh họa

Bộ Công Thương vừa thông tin Trung Quốc sửa đổi quy định về quản lý, giám sát việc ghi nhãn bao bì thực phẩm đóng gói sẵn xuất nhập khẩu, bắt đầu áp dụng từ ngày 1/10 năm nay.

Ảnh minh họa

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định quy định về khung giá bán buôn điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho các Tổng công ty Điện lực năm 2019.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục