Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), bộ mặt nông thôn từ các xã vùng thấp đến vùng sâu, vùng xa của huyện Yên Bình đã có nhiều khởi sắc, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện hơn.
Đặc biệt, từ 2016 - 2019, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân trong huyện, đến hết năm 2019, toàn huyện Yên Bình sẽ bê tông hóa được trên 200 km đường giao thông nông thôn, đạt trên 200% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra.
"Tháng 8 nắng rám trái bưởi”, chúng tôi về thăm các xã dọc tuyến đường quốc lộ 70 và đường Đông hồ Thác Bà. Được đi trên những con đường bê tông liên xã, liên thôn, đường vào khu dân cư, đường ra khu sản xuất ở các xã: Đại Đồng, Tân Hương, Cảm Ân, Bảo Ái, Tân Nguyên... đến xã Yên Bình, Vĩnh Kiên, Vũ Linh, Bạch Hà, gặp bà con nông dân, thương lái chở dưa hấu, thanh long, lạc, gà, vịt, cá... ra các chợ đầu mối tiêu thụ; chở hàng tạp hóa, phân bón từ trung tâm huyện, từ các chợ đầu mối bằng xe máy và ô tô về các trung tâm xã, chợ phiên các xã tiêu thụ không còn vất vả, nhọc nhằn như trước mới cảm nhận được hết ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM.
Cùng chúng tôi về xã Tân Hương, đi trên những con đường liên xã, liên thôn, nội thôn mới được bê tông hóa từ năm 2016 - 2019, chị Hoàng Thị Duyên - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Yên Bình thông tin nhanh: "Theo Nghị quyết số 01-NQ/HU, ngày 26/8/2015, Đảng bộ huyện Yên Bình lần thứ XXII đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn huyện sẽ phấn đấu kiên cố hóa được 100 km đường giao thông.
Trong giai đoạn 2016 - 2019, cùng với việc triển khai các nguồn vốn Đề án giao thông nông thôn, nguồn vốn Chương trình 135, huyện đã huy động các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ xi măng để kiên cố hóa đường giao thông tại các xã, thị trấn.
Từ các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa, nhân dân các xã trong huyện đã tích cực đóng góp tiền của, ngày công lao động, hiến đất để kiên cố hóa đường giao thông. Tính đến hết tháng 7/2019, toàn huyện đã kiên cố hóa được 166 km. Từ nay đến hết năm 2019, các xã, thị trấn trong huyện phấn đấu hoàn thành kiên cố hóa 212,5 km, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII đề ra...”.
Câu chuyện làm đường giao thông chị Duyên trao đổi còn dang dở, chúng tôi đã tới thôn Khuôn La, xã Tân Hương. Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Lành đã chờ sẵn ở đầu tuyến đường, nhanh nhẹn giới thiệu: "Năm 2019, xã được huyện phân bổ vốn cho làm 11,9 km đường bê tông, trong đó nguồn vốn Chương trình 135 đầu tư 5 tỷ đồng để bê tông tuyến đường Khuôn La - Hòa Cuông, nối liền giữa thôn Khuôn La, xã Tân Hương với thôn 2, xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên dài trên 1,9 km; nguồn vốn Đề án giao thông nông thôn huyện đầu tư bê tông 3,5 km; nguồn vốn Quỹ xây dựng NTM đầu tư bê tông 2,5 km, hỗ trợ vật liệu chính gồm: cát, sỏi, xi măng, kỹ thuật...
Sau khi được phân bổ nguồn vốn, lãnh đạo xã đã họp bàn bạc, thống nhất giao cho các thôn: Khe Gầy, Ngòi Vồ, Khuôn Giỏ, Loan Thượng, Yên Thắng, Loan Hương, Tân Bình, tổ chức họp dân bàn bạc, thống nhất mức đóng góp theo nhân khẩu để bê tông hóa đường giao thông theo kế hoạch của từng thôn.
Qua bàn bạc, thống nhất mức đóng góp, nhân dân ở 7 thôn đã đóng góp được trên 2,2 tỷ đồng, chưa kể hiến đất, cây cối hoa màu, công lao động bê tông hóa đường giao thông. Đến nay, 5/7 thôn đã hoàn thành bê tông hóa đường giao thông theo kế hoạch, đạt 5,6 km; còn 1,4 km tại thôn Khuôn Giỏ và Yên Thắng, nhân dân sẽ quyết tâm bê tông hóa xong trước ngày 30 tháng 9 năm nay.
Đối với tuyến đường Khuôn La - Hòa Cuông do Công ty Cổ phần Thương mại và Xây lắp Hoàng Linh thi công, đến nay đã hoàn thành trên 40% khối lượng, theo hợp đồng hoàn thành vào ngày 5/12/2019, Công ty phấn đấu hoàn thành trước 1 tháng so với hợp đồng để xã đón nhận đạt chuẩn NTM...”. Anh Hoàng Văn Lành vừa ngừng lời, chúng tôi đến suối Khuôn La cắt ngang qua tuyến đường này. Dừng chân bên suối Khuôn La, tôi hỏi:
- Trong gần 10 năm thực hiện Chương trình XD NTM, toàn xã đã bê tông hóa được bao nhiêu ki-lô-mét đường giao thông?
- Trong giai đoạn 2010 - 2015, nhân dân trong xã đã tham gia bê tông được 2 km; từ năm 2016 đến hết quý III năm 2019, cùng với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, nhân dân đóng góp tiền của, ngày công lao động bê tông hóa được 23,7 km, nâng tổng số đường bê tông của xã lên trên 26,3 km, đạt trên 85% các tuyến đường toàn xã.
Trong giai đoạn này đã có hàng trăm hộ hiến trên 35.000m2 đất, cây cối, hoa màu để làm đường, trường học, trạm y tế..., tiêu biểu như hộ ông Bàn Văn Lương ở thôn Khe Mạ; Lý Văn Xe, Tô Quang Minh, Vương Văn Quản ở thôn Khuôn La...
- Để đạt được tiêu chí rất cao về bê tông hóa đường giao thông nông thôn, xã đã huy động sức dân như thế nào?
- Khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình XDNTM, Đảng ủy xã chỉ đạo tăng cường việc tuyên truyền để người dân hiểu được XDNTM là làm cho dân, dân được hưởng lợi và người dân là chủ thể của chương trình này. Vì vậy, nhân dân đồng thuận chung sức XDNTM.
Chỉ tính riêng nguồn vốn đầu tư cho giao thông của xã, giai đoạn 2016 - 2019 là 24 tỷ 757 triệu đồng, trong đó vốn Nhà nước đầu tư 20 tỷ 223 triệu đồng, nhân dân đóng góp 4 tỷ 534 triệu đồng cùng hàng nghìn ngày công lao động, hiến đất, cây cối, hoa màu để kiên cố hóa đường giao thông...
Ông Lý Văn Xe ở thôn Khuôn La - người đã hiến đất để làm đường Khuôn La - Hòa Cuông phấn khởi kể lại: "Khi lãnh đạo xã về thôn thông báo năm nay thôn được bê tông hóa con đường này nối với thôn 2, xã Hòa Cuông và vận động các hộ dân hiến đất làm đường, tôi đã tự nguyện hiến trên 2.000 m2 để làm đường; các hộ khác cũng hiến từ 100 - 1.000 m2 đất mở rộng đường, nắn cua cho đẹp, xe cộ đi lại an toàn hơn. Cuối năm nay, khi con đường này làm xong, nhân dân trong thôn, trong xã có điều kiện thuận lợi đi lại, giao thương trao đổi hàng hóa với huyện Trấn Yên và Văn Yên, ai cũng rất vui...”.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chia sẻ, giúp đỡ của các tổ chức, doanh nghiệp, sự đồng thuận của nhân dân, trong giai đoạn từ 2016 - 2019, tổng nguồn vốn đầu tư kiên cố hóa đường giao thông trên địa bàn huyện đạt trên 224 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn Nhà nước đầu tư thông qua các chương trình, đề án là trên 188 tỷ đồng; nguồn vốn xã hội hóa do các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp huyện hỗ trợ bằng xi măng, trị giá trên 3 tỷ đồng; nhân dân trong huyện đóng góp khoảng 33 tỷ đồng, hiến hàng trăm nghìn mét vuông đất, cấy cối, hoa màu... để kiên cố hóa đường giao thông.
Đến hết tháng 7/2019, toàn huyện đã kiên cố hóa được trên 166 km đường giao thông; huyện phấn đấu đến hết năm nay sẽ hoàn thành kiên cố hóa 212,5km/100 km, bằng 212% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII đề ra.
Chia tay với những người nông dân ở xã Tân Hương, các xã nằm trên quốc lộ 70 và các xã vùng Đông hồ Thác Bà, nhìn những chiếc xe máy của bà con nông dân chở con đến trường học, chở hàng nông sản ra các chợ đầu mối bán cho thương lái không còn vất vả, nhọc nhằn như trước nữa, mới thấy được hết ý nghĩa của những con đường "ý Đảng - lòng dân” trên quê hương Yên Bình.
Đồng chí Nguyễn Văn Trọng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Bình:
"Tôi rất phấn khởi về kết quả kiên cố hóa đường giao thông mà các xã, thị trấn trong huyện đã làm được từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện, sự đồng thuận của nhân dân trong huyện. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện đã chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn, phân bổ cho các xã, đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp tiền của, ngày công lao động, hiến đất, cây cối, hoa màu... để kiên cố hóa đường giao thông, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Đặc biệt, trong 2 năm 2018 -2019, huyện đã thành lập "Quỹ xây dựng nông thôn mới”, đã kêu gọi doanh nghiệp trên địa bàn và doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn như: Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái, Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch hồ Thác Bà, Công ty TNHH Đồng Tiến, Công ty TNHH Một thành viên Đá trắng Bảo Lai... ủng hộ bằng xi măng, trị giá 3 tỷ đồng, phân bổ cho các xã và vận động nhân dân đóng góp tiền mua cát, sỏi, đóng góp ngày công lao động kiên cố hóa được gần 30 km đường giao thông”.
Đồng chí Lương Mạnh Thắng - Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Văn Lãng
"Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, đến nay, xã Văn Lãng đã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM. Để triển khai thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM, xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, phát động phong trào thi đua "chung sức xây dựng NTM”, nhân dân trong xã nhiệt tình ủng hộ, tích cực hiến trên 55.000m2 đất và cây cối, hoa màu, đóng góp ngày công lao động, tiền mặt để kiên cố hóa đường giao thông nông thôn. Đến nay, tuyến đường liên xã có chiều dài 12,5km được rải nhựa và đổ bê tông, đạt 100%; đường liên thôn 8km đã cứng hóa 7km, đạt 88%; đường liên xóm 4km, đã cứng hóa 3km, đạt 75%. Tổng kinh phí thực hiện từ năm 2013 đến tháng 7 năm 2019 về giao thông đạt 15.180 triệu đồng, trong đó vốn Nhà nước đầu tư 11.260 triệu đồng, nhân dân đóng góp 3.920 triệu đồng.
Ông Vương Văn Thái - Trưởng thôn Khuôn La:
"Từ cuối năm 2018, khi xã thông báo về thôn sang năm nay huyện sẽ bố trí nguồn vốn Chương trình 135 đầu tư đường Khuôn La - Hòa Cuông 5 tỷ đồng, thôn đã tổ chức nhiều cuộc họp dân để tuyên truyền, vận động các hộ dân trên tuyến đường này hiến đất ở, đất rừng, đất ruộng, cây cối, hoa màu để làm đường giao thông. Sau khi tổ chức họp thôn, các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã đã nhiều lần trực tiếp xuống thôn cùng với chi bộ, các tổ chức, đoàn thể của thôn đi đến từng nhà nằm trên tuyến đường Khuôn La tuyên truyền, vận động các hộ dân hiến đất để làm đường thông sang xã Hòa Cuông của huyện Trấn Yên, nhân dân rất phấn khởi. Sau nhiều lần tuyên truyền, vận động, 36 hộ nằm trên tuyến đường này đã tự nguyện hiến trên 10.000m2 đất để mở rộng, nắn cua, kiên cố hóa đường Khuôn La - Hòa Cuông đảm bảo tiến độ”.
N.G - Vũ Đồng (thực hiện) |
Minh Hằng