Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự tăng trưởng ổn định từ đầu năm đến nay, ngành công nghiệp của tỉnh tiếp tục góp phần quan trọng đưa kinh tế Yên Bái phát triển bền vững.
Có thể thấy, lĩnh vực công nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với các sản phẩm công nghiệp chủ lực là lợi thế địa phương luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Tính chung 8 tháng năm 2019, chỉ số công nghiệp toàn ngành tăng 11,3%.
Trong đó, chỉ số sản xuất ngành khai khoáng tăng 19,8%; ngành chế biến, chế tạo tăng 13,8%; ngành sản xuất, phân phối điện giảm 4,9%; ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 4,5%.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, nguyên nhân chủ yếu giúp sản xuất công nghiệp (SXCN) của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kể trên là do hiệu ứng tích cực từ các chính sách, giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô kịp thời, hiệu quả của Chính phủ kết hợp với chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chuyên môn, các địa phương đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, triển khai các biện pháp tích cực, hỗ trợ DN phát triển như: hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền tạo chuyển biến tích cực trong tư tưởng, nhận thức của cán bộ, công chức, đặc biệt về lề lối, tác phong, tinh thần, thái độ phục vụ người dân, DN trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; duy trì hoạt động tốt Chương trình "Cafe doanh nhân”; hỗ trợ DN trong tuyển dụng lao động và tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi...
Theo Cục Thống kê tỉnh, chỉ số sản xuất 8 tháng đầu năm 2019 tăng cao so với cùng kỳ. Cụ thể, ngành khai thác quặng kim loại tăng 21,6%; khai thác đá các loại tăng 17,9%; chế biến thực phẩm tăng 34,9%; chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 36,7%; in ấn tăng 49,7%; sản xuất sơn, véc - ni tăng 72,8%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 20,7%; sản xuất cấu kiện kim loại tăng 12,9%...
Ngoài các ngành có mức tăng trên thì một số ngành công nghiệp giảm so với cùng kỳ năm 2018 là sản xuất trang phục giảm 41%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 14%; sản xuất và phân phối điện giảm 4,9%.
Một số sản phẩm chính có chỉ số sản xuất 8 tháng tăng cao so với cùng kỳ là quặng sắt tăng 22,4% do sản lượng khai thác tăng cao ở Công ty TNHH Tân Tiến, huyện Trấn Yên; đá Block tăng 24,9% do sản lượng khai thác Công ty RK Việt Nam tăng cao; đá xây dựng tăng 10,5%; tinh bột sắn tăng 1,3 lần; chè đen tăng 12,3%; gỗ dán tăng 23,1%; sơn và véc - ni tăng 1,8 lần; xi măng tăng 22,9%; bột đá tăng 39,5%; sản phẩm bằng chất liệu khoáng khác tăng 24,2%; thép hộp mạ kẽm tăng 9,9%; cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại tăng 1,4 lần; điện thương phẩm tăng 14,7%.
Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ là bộ quần áo may sẵn giảm 60,4% do giảm sản phẩm ở Công ty TNHH Daeseung Global; gỗ cưa xẻ giảm 58,9%; bao bì và túi giấy giảm 4,2%; giấy vàng mã giảm 14,1%; điện sản xuất giảm 8,4% do ảnh hưởng của lượng mưa các tháng đầu năm thấp hơn cùng kỳ. Ước giá trị SXCN 8 tháng năm 2019 đạt 7.133 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ.
Để SXCN của tỉnh thời gian tới duy trì được mức tăng trưởng ổn định, các cấp, ngành cần có những chính sách thu hút đầu tư, giải pháp cụ thể khuyến khích và hỗ trợ các DN, các hộ cá thể cho đầu tư phát triển SXCN, nhất là khối DN ngoài nhà nước, các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các khu, cụm công nghiệp; tăng cường xúc tiến việc huy động vốn đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước; đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số dự án SXCN như các dự án có quy mô lớn và giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh sớm hoàn thành và đi vào sản xuất.
Quang Thiều