Cùng đi có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội- HĐND - UBND tỉnh; Huyện ủy Văn Yên.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy đã tới thăm mô hình kinh tế VAC của gia đình anh Trần Mạnh Giang ở thôn Đức An, xã Đông An. Mô hình hiện có 150 gốc bưởi Diễn và bưởi da xanh, 70 gốc ổi không hạt, 300 gốc cam, 200 gốc nhãn; chăn nuôi 2.000 con gà/ lứa, 20 con bò thương phẩm và 2 ao thả cá. Tổng diện tích mô hình là 3 ha. Mỗi năm, gia đình anh Giang thu nhập trung bình từ 200 - 300 triệu đồng.
Chủ tịch UBND tỉnhĐỗ Đức Duy tham quan khu nuôi bò trong trang trại của gia đình anh Trần Mạnh Giang.
Cùng đó, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy tthăm mô hình vườn rừng của Hợp tác xã (HTX) Đông Yên của anh Ngô Thành Đông ở thôn 3, xã Đông An. Mô hình có tổng diện tích 300 ha, trong đó có 146 ha trồng quế, 150 ha trồng cây ăn quả các loại như: bưởi, cam, chanh, chuối, ổi... với tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng. Mô hình tạo việc làm thường xuyên cho 60 lao động địa phương với thu nhập 5 -7 triệu đồng/người/tháng.
6 tháng đầu năm, mô hình đã xuất khẩu được 1.000 tấn chanh, cam, thu về hàng tỷ đồng. Với quy mô và diện tích lớn, áp dụng biện pháp khoa học kỹ thuật cao, tập trung theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ nên HTX Đông Yên đang hướng tới thu nhập từ xuất khẩu hoa quả đạt 20 tỷ đồng/năm.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy trao đổi với đại diện HTX Đông Yên về phát triển mô hình kinh tế theo hướng bền vững.
Tham qua các mô hình, đồng chí Đỗ Đức Duy đánh giá cao quy mô, phương pháp phát triển kinh tế nông nghiệp của các chủ mô hình kinh tế. Đồng chí cho rằng, đây là những mô hình kinh tế tiêu biểu đã chủ động phát triển theo hướng nông nghiệp hữu cơ, các sản phẩm phù hợp với sản phẩm thế mạnh địa phương.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, các mô hình cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, mở rộng quy mô, diện tích theo hướng phát triển bền vững.
Đồng chí đề nghị chính quyền địa phương cần quan tâm tạo điều kiện để các mô hình kinh tế nông nghiệp trên phát triển và xây dựng thương hiệu sản phẩm; có các chính sách phù hợp giúp họ tiếp cận các nguồn vốn vay và tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng tới mục tiêu xây dựng chuỗi liên kết nhằm tiêu thụ sản phẩm ổn định, lâu dài.
Cùng với đó, các cấp chính quyền tại địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong thực hiện các tiêu chí nông thôn bền vững; quyết tâm phấn đấu đưa Đông An trở thành xã nông thôn mới vào cuối năm 2019; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm chủ lực theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn và gắn với thị trường tiêu thụ như: quế, cây ăn quả, kinh tế trang trại tổng hợp, thúc đẩy hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã… để nâng cao đời sống nhân dân.
Hoài Văn