Tập trung phòng trừ sâu keo mùa thu: Chưa bao giờ sâu phá ngô thế này!
- Cập nhật: Thứ năm, 5/9/2019 | 1:59:11 PM
YênBái - Vụ hè thu này, Văn Chấn có gần 2.200 ha ngô. Cây ngô đang trong giai đoạn 5 - 7 lá và cũng chính là giai đoạn sâu keo mùa thu gây hại mạnh nhất. Thời điểm này, có 300 ha ngô của huyện bị nhiễm SKMT với 50 ha nặng, 50 ha trung bình, 200 ha nhẹ - lớn nhất trong toàn tỉnh.
Sâu keo mùa thu thường chui sâu vào nõn ngô nên việc phun thuốc cần nhiều công và đúng kỹ thuật.
|
Để phòng trừ SKMT hại ngô đạt hiệu quả cao, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Yên Bái đã ban hành quy trình kỹ thuật tạm thời:
a) Biện pháp canh tác: Làm sạch cỏ dại xung quanh vườn trồng ngô để hạn chế nơi trú ẩn của sâu; làm đất rồi phơi đất khô để ấu trùng, nhộng trong đất chết hoặc dễ dàng bị thiên địch tiêu diệt; luân canh ngô - lúa nước ngay sau vụ đông để diệt nhộng trong đất và làm đất kỹ cũng góp phần diệt nhộng trong đất.
b) Biện pháp thủ công: Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt ở giai đoạn ngô 3 - 6 lá phát hiện ngắt ổ trứng hoặc bắt sâu non vào sáng sớm hoặc chiều tối khi mật độ thấp; sử dụng tro bếp hoặc nước xà phòng loãng đổ vào nõn ngô diệt sâu non.
c) Biện pháp sinh học: Sử dụng các chế phẩm nấm xanh, nấm trắng, vi khuẩn Bt, vius NPV để phun trừ khi sâu tuổi nhỏ; cải tạo hệ sinh thái, tạo điều kiện cho các loài thiên địch phát triển như ong ký sinh, các loài bắt mồi ăn thịt để kiểm soát sâu non mới nở - tuổi nhỏ.
d) Biện pháp bẫy, bả:
- Bẫy bả, bẫy đèn: Sử dụng bẫy dính màu vàng có pheromone giới tính, bẫy bả chua ngọt hoặc bẫy đèn để diệt trưởng thành.
- Bẫy cây trồng: Trên cánh đồng trồng ngô trồng một số diện tích cỏ voi, ngô nếp sớm hơn thời vụ chung để dẫn dụ trưởng thành đến đẻ trứng. Sử dụng bẫy diệt trưởng thành, ngắt ổ trứng và phun trừ sâu non trên các diện tích bẫy cây trồng.
e) Biện pháp hóa học:
Có thể phun trừ khi đa số sâu non tuổi 1- 3 (giai đoạn ngô 3 - 6 lá) bằng một số các loại thuốc thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất: Bacilus thuringiensis, Spinetoram, lndoxacarb, Lufenuron, Abamectin, Emamectin, Nereistoxin, Cartap, Azadirachtin… (như: Clever 300WG, Captain 350SC, Opulent 150SC, Virtako 40WG, Takumi 20WG, 20SC, Dupont Prevathon 5SC, Dylan 10EC, Nicata 95SP, Eska 250EC, Diophs 666EC, Neretox 95WP, Patox 95SP, Goldmectin 42 EC...).
Khuyến cáo: Khi phun thuốc nên sử dụng vòi chụp vặn vào đầu bép để phun chụp thuốc vào nõn của cây ngô theo chiều từ trên ngọn xuống, thuốc sẽ ngấm trực tiếp vào nõn và các khe kẽ bẹ lá ngô, làm tăng hiệu quả trừ sâu của thuốc cũng như tránh gây lãng phí thuốc. Phun vào sáng sớm hoặc chiều mát để tăng hiệu quả phòng trừ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc "4 đúng”. |
Đối tượng mới, khó phòng trừ
Sâu keo mùa thu (SKMT) đã chính thức xâm nhập vào Việt Nam từ đầu năm 2019. Đây là loài sâu có thể ăn hơn 300 loài thực vật nhưng chủ yếu trên cây ngô. Tại Yên Bái, lần đầu tiên SKMT xuất hiện trên 67 ha ngô xuân vào tháng 4/2019; sau đó, lây lan ở hầu hết các huyện, thị, thành phố.
Đến 28/8/2019, Yên Bái có diện tích ngô hè thu bị nhiễm SKMT là 349 ha, phân bố tại các huyện: Lục Yên, Văn Yên, Yên Bình, Văn Chấn. Phạm vi, mức độ gây hại tăng so với thời điểm tháng 4/2019 do đây là đối tượng mới, chưa có quy trình kỹ thuật phòng trừ chính thức, chưa có thuốc đặc hiệu, người dân chưa hiểu biết nhiều và phòng trừ chưa đúng kỹ thuật.
Loài sâu này nguy hiểm và khó phòng trừ bởi sâu gối lứa liên tục, trên đồng ruộng luôn có sâu non gây hại; bướm có thể bay xa theo gió hàng trăm ki-lô-mét, trứng đẻ nhiều 100 - 200 quả trứng; sâu non thường gây hại ở phần nõn của cây ngô.
Sâu gây hại giai đoạn cây ngô 1 - 3 lá sẽ làm khuyết cây, mất khoảng, phải dặm lại. Nếu có sâu mật độ cao ở giai đoạn 3 - 5 lá - loa kèn sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng ngô; sâu ăn khuyết lá ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển cây ngô, giảm diện tích quang hợp; giai đoạn bắp, sâu đục vào bắp ăn khuyết, giảm mẫu mã thương phẩm.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TTBVTV) Yên Bái đã cử cán bộ trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra đồng ruộng, thường xuyên thăm đồng; bắt sâu non về nuôi, theo dõi, nắm chắc các pha phát dục để đưa ra biện pháp chỉ đạo, phòng trừ kịp thời.
Ngoài tham mưu giúp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành 3 công văn, Chi cục đã có 3 văn bản, 2 thông báo và tổ chức 5 lớp tập huấn, phát tờ rơi… để chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở thực hiện các biện pháp kỹ thuật phòng trừ tạm thời.
Chi cục phối hợp chặt chẽ với các trung tâm dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp kiểm tra, thăm đồng, điều tra phát hiện, dự tính dự báo sâu gây hại trên ngô, trên các cây trồng khác và theo dõi chặt chẽ để phòng trừ kịp thời, tránh lây lan sang cây trồng khác. Việc tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật của Chi cục nhằm đảm bảo thuốc đúng chất lượng, tránh tình trạng tăng giá thuốc khi có dịch hại và hướng dẫn các đại lý nhập thuốc để phục vụ kịp thời cho nông dân.
Theo bà Hoàng Yến - Phó Chi cục trưởng Chi cục TTBVTV Yên Bái: "Yên Bái chia nhiều vùng tiểu khí hậu, ảnh hưởng rất lớn đến công tác dự tính dự báo các đối tượng sâu bệnh. Hệ thống TTBVTV cấp huyện không trực thuộc Chi cục quản lý nên gặp khó khăn về cập nhật số liệu, nắm bắt tình hình sản xuất.
Đội ngũ viên chức trung tâm dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp cấp huyện phải kiêm nhiệm nhiều công việc ngoài chuyên môn bảo vệ thực vật cũng khó sâu sát trong điều tra, phát hiện dịch hại cây trồng.
Địa hình đi lại khó khăn, trang thiết bị thiếu, kinh phí hạn hẹp, cán bộ biên chế thiếu cũng khó khăn cho công tác điều tra phát hiện, tập huấn kỹ thuật cho người dân. Thời gian tới, các địa phương cần phải tăng cường thông tin, tuyên truyền, hỗ trợ triển khai các mô hình nghiên cứu quản lý SKMT. Cục Bảo vệ thực vật cũng cần sớm ban hành chính thức quy trình kỹ thuật phòng trừ và danh mục các loại thuốc phòng trừ SKMT”. NT |
Các tin khác
Đoàn của Bộ Công Thương sẽ kiểm tra thực tế chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2018 của EVN ở cả ba miền từ ngày 3/9 đến 1/10.
Tính đến 30/6/2019 trên địa bàn tỉnh đang triển khai 14 chương trình tín dụng chính sách, 84.000 hộ đang vay vốn với tổng dư nợ 2.994 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định điều chỉnh và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2019 (đợt 3).
Bên cạnh những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền thị xã Nghĩa Lộ trong quảng bá, giới thiệu về vùng đất văn hóa thì mô hình du lịch cộng đồng mang đậm bản sắc dân tộc Thái Mường Lò đã tạo nên sức hút mới đối với nhiều du khách trong nước và quốc tế. Chính vì vậy, thị xã Miền Tây luôn là địa chỉ để các tỉnh, thành, các tổ chức, hiệp hội du lịch trong và ngoài nước quan tâm, kết nối.