Mặc dù trời mưa nhưng hai vợ chồng bà Lý Thị Xua ở bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha vẫn đi cắt cỏ cho đàn trâu của gia đình. Việc chăn nuôi trâu của gia đình bà Xua giờ đã khác hẳn so với chục năm trước.
Bà Xua cho biết: "Trước đây, nhà chỉ có một con trâu làm sức kéo, hết mùa vụ thường thả vào rừng cho nó tự ăn, khi cần ông chồng mình lại vào rừng tìm về. Nhưng từ năm 2015, khi được vay 25 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Mù Cang Chải để nuôi trâu sinh sản, mình đã không thả trâu lên rừng nữa mà hàng ngày chăn thả nó ngay gần nhà. Nếu thiếu cỏ, mình sẽ đi lấy cho nó ăn”.
Sau khi trả hết nợ cho NHCSXH, năm 2018, gia đình bà Xua lại vay tiếp NHCSXH huyện 20 triệu đồng đầu tư tăng đàn trâu. Hiện nay, đàn trâu của gia đình bà Xua đã có 5 con.
Chỉ tay vào đàn trâu rồi nhẩm tính, bà Giàng Thị Mỷ - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Chế Cu Nha, tổ trưởng 2 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) bản Dề Thàng cho biết: "Đàn trâu này giờ trị giá khoảng 100 triệu đồng, đó là một số tiền lớn với một hộ như nhà bà Xua. Riêng bản Dề Thàng, hiện đang dư nợ NHCSXH huyện trên 2 tỷ đồng và tất cả các hộ được vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, không có nợ xấu”.
Thời gian qua, huyện Mù Cang Chải đã tăng cường chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn về quản lý và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH hoạt động.
Ông Vũ Đình Lợi - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mù Cang Chải cho biết: "Cùng với quán triệt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư, quán triệt các văn bản chỉ đạo, huyện bố trí chủ tịch UBND các xã, thị trấn tham gia Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH huyện, bố trí chuyển một phần vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị làm việc, bổ sung, xác nhận đối tượng vay vốn; bố trí địa điểm, thời gian, đảm bảo an toàn với hoạt động gia dịch của NHCSXH tại điểm giao dịch xã...”.
Bên cạnh rà soát đối tượng thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách, các cơ quan chuyên môn của Mù Cang Chải còn phối hợp tốt với NHCSXH huyện nắm bắt các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế địa phương gắn với hoạt động cho vay, giúp người vay nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Hiện nay, NHCSXH huyện cho vay 12 chương trình tín dụng. Từ đồng vốn tín dụng chính sách đã giúp 9.752 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, giúp 3.918 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, 188 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, giải quyết việc làm cho 219 lao động từ Quỹ Quốc gia về việc làm, 8 lao động được vay để đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài, hỗ trợ 170 hộ nghèo vay vốn làm nhà ở…
Đến nay, tổng nguồn vốn NHCSXH huyện Mù Cang Chải đạt 244.691 triệu đồng. Trong đó: vốn cân đối từ Trung ương 227.521triệu đồng; huy động của tổ chức, cá nhân được trung ương cấp bù lãi suất 9.568 triệu đồng; nguồn vốn ủy thác đầu tư tại địa phương 7.602 triệu đồng (trong đó vốn ngân sách huyện 1.600 triệu đồng). Tổng dư nợ tính đến hết tháng 6/2019 đạt 244.462 triệu đồng, tăng 125.807 triệu đồng, tương ứng 51% so với năm 2014.
Nguồn vốn của NHCSXH huyện đã phủ đến 100% các thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn. Không chỉ chính quyền mà Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội nhận ủy thác với NHCSXH huyện ngày càng phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, chất lượng ủy thác được nâng cao.
Hiện nay, NHCSXH huyện đang tổ chức giao dịch tại 14 điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND các xã, thị trấn, toàn huyện có 186 tổ TK&VV hoạt động tại các thôn, bản, tổ dân phố, 53 tổ chức chính trị - xã hội cấp xã đang phối hợp với NHCSXH tham gia quản lý 7.200 hộ vay vốn với tổng số tiền 244.162 triệu đồng, tăng 125.787 triệu đồng so với năm 2014, chiếm tỷ trọng 99,9% trên tổng dư nợ.
Qua đó, công khai các chính sách tín dụng của Nhà nước, danh sách hộ vay vốn, các quy trình thủ tục của NHCSXH... Ông Bùi Văn Hóa - Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Mù Cang Chải cho biết: "Cùng với tăng trưởng tín dụng, việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội của Mù Cang Chải cũng được đặc biệt quan tâm. Chúng tôi đã tập trung nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, hoạt động giao dịch tại xã, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của ban quản lý TK&VV, tình hình sử dụng vốn hộ vay, chủ động rà soát, phân tích, đôn đốc thu hồi nợ, xử lý nợ bị rủi ro kịp thời… Hiện nay, toàn huyện không có nợ quá hạn”.
Thực tế, các cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi với hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn phù hợp với từng đối tượng thụ hưởng, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần để huyện vùng cao Mù Cang Chải thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XVIII đã đề ra; tập trung nguồn lực và huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào công tác giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.
Thành Trung