Sau vụ hỏa hoạn tại nhà máy Rạng Đông (Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông) địa chỉ 87-89 Hạ Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) câu hỏi được đặt ra, việc di dời nhà máy khỏi thành phố thì lô đất 5,7 ha sẽ được sử dụng vào mục đích gì?
Quyết định số 6665 do UBND thành phố Hà Nội ban hành ngày 3/12/2015 về việc phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị H2-3, tỷ lệ 1/2000 thuộc các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông và huyện Thanh Trì. Khu đất quanh nhà máy Rạng Đông, phường Thanh Xuân Trung, nằm trong Quy hoạch phân khu đô thị H2-3.
Khu đất quanh nhà máy Rạng Đông gồm các nhóm đất: 1 ô đất công cộng (kí hiệu CC), 1 ô đất cây xanh (kí hiệu CX), 2 ô đất trường học (1 trường trung học phổ thông, 1 trường tiểu học, kí hiệu TH), 1 ô đất hỗn hợp (kí hiệu HH) và 1 ô đất trống (chưa được quy hoạch làm gì).
Do quy hoạch không chỉ định rõ nên có thể xảy ra hai trường hợp: Nếu di dời nhà máy Rạng Đông sẽ được quy hoạch đất làm công cộng, cây xanh, trường học. Trường hợp khác là Rạng Đông có thể hợp tác đầu tư với một doanh nghiệp bất động sản khác để phát triển dự án quy hoạch xây toà nhà hỗn hợp, văn phòng, thương mại hoặc chung cư nếu được cấp phép.
Trong giấy đăng ký kinh doanh của nhà máy Rạng Đông (thay đổi lần thứ 5 ngày 23/11/2018) có lĩnh vực bất động sản bao gồm: Tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất. Nếu được chấp thuận, nhà máy Rạng Đông đã có đủ điều kiện để phát triển dự án bất động sản.
Phải có ý kiến người dân trong xây dựng quy hoạch
Theo GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, câu chuyện chính là quy hoạch, quy hoạch làm gì cho đúng, phù hợp với đô thị, việc thực hiện quy hoạch phải đi trước một bước.
"Quy hoạch cần phải cụ thể diện tích đất sử dụng làm gì, tôi biết Quyết định số 6665 do UBND thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch tại khu đất nhà máy Rạng Đông, quy hoạch mà chưa để làm gì thì không phải là quy hoạch. UBND thành phố Hà Nội phải cho ý kiến cụ thể khu vực đất đó để làm gì, đó mới là bản quy hoạch” - GS Đặng Hùng Võ nói.
Hà Nội đang thiếu những diện tích sử dụng vào mục đích công cộng như vườn hoa, bãi đỗ xe, khu vui chơi trẻ em… trong quy hoạch cần lưu tâm, còn chỗ nào cũng xây nhà thì gây áp lực rất lớn về dân cư. Đây là việc đặt ra cho chính quyền Hà Nội. Chúng ta cũng cần lưu ý là quy hoạch hiện nay đều phải lấy ý kiến người dân, quá trình đó có thể điều chỉnh để một quy hoạch đưa vào thực tế mang lại hiệu quả cho người dân đang sinh sống khu vực đó, GS Đặng Hùng Võ phân tích.
"Rạng Đông trước đây đã bổ sung ngành nghề kinh doanh có bất động sản, với ý tưởng là sẽ thực hiện bất động sản trên khu đất của nhà máy, tôi cho rằng đề xuất gì cũng phải dựa vào quy hoạch, điều này phụ thuộc vào thành phố Hà Nội. Chuyện đề xuất của một doanh nghiệp là nguyện vọng của doanh nghiệp, làm được hay không làm được là yếu tố quy hoạch có phù hợp không?” - GS Đặng Hùng Võ nêu ý kiến.
Chủ trương di dời nhà máy, xí nghiệp, trường học… ra khỏi nội đô của Chính phủ có từ đầu những năm 2000 nhưng chủ trương này đưa vào thực tế rất "chật vật” chủ yếu do câu chuyện lợi ích. Mọi người muốn những khu "đất vàng” phải sử dụng sao để mang lại lợi nhuận cao nhất, mang lại lợi nhuận cao nhất thì tốt nhất là xây nhà ở để bán, đây lại là vấn đề quy hoạch, sao cho quy hoạch mang lợi ích chung về xã hội, môi trường chứ không chỉ lợi ích bằng tiền. Việc chậm, ì ạch trong thực hiện thì UBND Hà Nội phải có trách nhiệm chấn chỉnh việc này - GS Đặng Hùng Võ.
(Theo VOV)