Nuôi cá lồng ở khu vực chứa nước đập thủy điện có cả thuận lợi và bất lợi. Thuận lợi ở chỗ, dòng chảy đều, không xiết, nước sạch tạo môi trường thuận lợi để cá sinh trưởng, phát triển tốt, ít gặp dịch bệnh. Tuy nhiên, lại có thêm khó khăn do thiên tai, lũ ống, lũ quét, lượng đất bùn, rác đổ về nhiều khiến cá dễ bị chết sặc.
Ông Thắng tâm sự: "Thực tế, sau hơn 2 năm nuôi cá, tôi chỉ mới bán lẻ chứ chưa được bán một lồng cá "tử tế” nào cả mặc dù có hẳn 18 lồng. Nguyên nhân là do tôi đã 3 lần bị thiên tai phá lồng, thiệt hại vài trăm triệu đồng. Song tôi có thể khẳng định, nuôi cá ở khu vực này rất hiệu quả. Không chỉ bởi điều kiện tự nhiện thuận lợi để nuôi trồng, mà còn cả thị trường. Tôi đã tìm hiểu, ở 3 khu vực chợ là Ngã ba Kim, thị trấn và Khao Mang, trung bình mỗi ngày tiêu thụ khoảng 2 tạ cá, chủ yếu là các nơi khác đưa đến. Trong khi cá của tôi mặc dù giá bán cao gần gấp đôi nhưng vì chất lượng hơn hẳn nên rất được nhân dân ủng hộ”.
Để tránh những thiệt hại do thiên tai, ông Thắng đã tính toán thời gian nước cạn, nước lên để có những biện pháp xử lý. Theo đó, ông đã thay đổi cách nuôi gối nhiều lứa truyền thống sang nuôi cá to nhằm đảm bảo thời gian thu hoạch trước mùa lũ, khắc phục tình trạng cá chết do sặc bùn.
Sau thành công bước đầu của ông Thắng, tháng 1/2019, từ nguồn hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh (hỗ trợ đóng mới mỗi lồng cá 10 triệu đồng), anh Hoàng Ngô Quyền cũng đã xây dựng hoàn thiện mô hình nuôi cá lồng với 4 lồng cá. Vốn chưa từng nuôi cá lồng song nhờ tự tìm hiểu, xác định rõ công tác phòng bệnh đều đặn, đến thời điểm hiện tại, 4 lồng cá của anh Quyền đã và đang sinh trưởng tốt, gặp ít dịch bệnh, hầu như là các bệnh nhỏ dễ xử lý.
Anh Quyền cho biết: "Đầu tư gần 100 triệu đồng, sau gần 1 năm, tôi đã xuất bán được trên 1 tấn cá chép, rô phi, thu về 65 triệu đồng, chủ yếu bán lẻ tại các chợ trên địa bàn huyện. Còn cá lăng, diêu hồng, trắm chưa đủ thời gian thu hoạch, dự kiến cũng sẽ đem lại nguồn thu lớn. Ngoài ra, tôi cũng nuôi thêm ếch, vịt bước đầu đã cho kết quả khả quan”.
Dọc tuyến đường từ thị trấn Mù Cang Chải đi xã Hồ Bốn, có thể thấy có 3 đập chứa nước phục vụ nhà máy thủy điện, tuy nhiên, chỉ duy nhất khu vực chứa nước đập thủy điện Khao Mang Thượng có nuôi cá lồng.
Theo những người nuôi cá lồng ở đây cho biết, nguyên nhân là do khu vực này là có lượng bùn ít, đủ độ sâu, cơ chế thuận lợi để nuôi cá lồng. Dựa vào kinh nghiệm, họ cho rằng có thể nuôi được trên dưới 300 lồng tại khu vực này mà vẫn đảm bảo mật độ đủ để phòng chống dịch bệnh và an toàn cho cá phát triển.
Ở huyện vùng cao Mù Cang Chải, nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện đang được coi là hướng làm kinh tế mới, tận dụng nguồn nước từ lòng hồ thủy điện để tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân. Tuy nhiên, nhân dân còn đang băn khoăn về đầu ra cho sản phẩm cần được định hướng. Thêm vào đó, vấn đề đảm bảo an toàn về con người, tài sản, giữ vệ sinh môi trường cần được nhắc nhở để bà con thực hiện tốt.
Hoài Anh