Bà Phạm Thị Phương - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp thành phố Yên Bái cho biết: từ những ngày đầu đi vào hoạt động, Trung tâm đã chủ động phối hợp với các phòng, ban chức năng và chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật về phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi như: phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng; phòng chống sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân 2 chấm, bệnh khô vằn, bạc lá, thối thân trên cây lúa; phòng chống cho rau các loại về bệnh ruồi đục quả, rầy, rệp, bệnh phấn trắng, sương mai, sâu đục quả, sâu cuốn lá… và hướng dẫn sản xuất các loại rau an toàn theo quy trình VietGAP.
Trung tâm hiện có 26 cán bộ đều có trình độ đại học, trên đại học và là những người thường xuyên gắn bó với cơ sở, nắm chắc địa bàn nên sớm phát hiện dịch bệnh, kịp thời dập dịch để hạn chế dịch bệnh.
Để hoàn thành các chỉ tiêu về chương trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, Trung tâm xây dựng, triển khai kế hoạch cụ thể cho từng lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp cho từng vùng, địa phương; xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi…
Đồng thời, Trung tâm đã bám sát vào sự chỉ đạo của UBND thành phố, các phòng chức năng trong xây dựng kế hoạch hoạt động nhằm cung cấp các dịch vụ hỗ trợ về kỹ thuật phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản đạt năng suất, chất lượng cao.
Hàng năm, tổ chức trên 30 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho hộ, nhóm hộ với trên 7.000 người tham gia gồm: 20 lớp về trồng trọt, bảo vệ thực vật với 1.200 lượt người; chăn nuôi, thú y 10 lớp cho gần 600 người và tập huấn đầu bờ cho 5.500 nông dân các phường, xã.
Chăn nuôi, thú y được đặc biệt quan tâm. Hàng năm, tổ chức các đợt tiêm phòng, chống bệnh dại đại trà cho đàn chó, mèo với số lượng trên 7.000 con; tiêm phòng vacxin bệnh lở mồm long móng cho đàn trâu, bò gần 1.000 con; kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm thịt từ động vật ra khỏi địa bàn với trên 200 chuyến, số lượng trên 6.000 con/năm; tổ chức phun tiêu độc khử trùng định kỳ tại các chợ, điểm giết mổ…
Đặc biệt, trong năm 2018 và 9 tháng năm 2019, tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi có nhiều diễn biến phức tạp, Trung tâm đã phun 350 lít thuốc tiêu độc, khử trùng tại 4.169 hộ với diện tích phun 978.579 m2. Qua theo dõi, từ đầu năm 2019 đến nay, thành phố có 11/17 phường, xã xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi gồm: Tuy Lộc, Văn Tiến, Âu Lâu, Phúc Lộc, Hợp Minh, Nam Cường… với 54 hộ có dịch, số lợn chết tiêu hủy 648 con.
Nhờ quyết liệt phòng, chống dịch nên hiện nay tình hình dịch đã có chiều hướng giảm, chỉ còn 3 phường, xã gồm: Hợp Minh, Tuy Lộc, Văn Phú vẫn chưa qua 30 ngày ổ dịch cuối cùng xảy ra nên vẫn là những địa phương tiếp tục được kiểm tra, giám sát theo dõi dịch chặt chẽ.
Được tư vấn, hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp, hiện nay, đa phần người dân thành phố đã nắm bắt và thực hiện trồng, chăm sóc các loại cây trồng theo quy trình của VietGAP, có sổ theo dõi, ghi chép quá trình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi. Nhiều cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất an toàn, tạo điều kiện thuận lợi để nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc cung ứng sản phẩm sạch ra thị trường tiêu thụ.
Đây là cơ sở để thành phố đẩy nhanh lộ trình tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn trong những năm tiếp theo.
Thái Hưng