Là tỉnh miền núi, nền kinh tế của Yên Bái có điểm xuất phát thấp, các doanh nghiệp (DN) gặp không ít khó khăn bởi giá cả vật tư đầu vào tăng, trong khi sức mua không tăng, dẫn đến sản phẩm ế thừa. Thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, các công trình xây dựng trên địa bàn không nhiều...
Bên cạnh đó, thời tiết không thuận lợi, khiến nhiều DN sản xuất những mặt hàng mũi nhọn gặp khó. Đơn cử như nguồn thu từ thủy điện, do ảnh hưởng của mưa bão liên tiếp trong các năm nên các nhà máy thủy điện vẫn đang trong giai đoạn sửa chữa, khắc phục. Các sản phẩm gốm, sứ và tinh dầu quế khó tiêu thụ nên các DN cũng chật vật tìm đầu ra.
Một số dự án công nghiệp trọng điểm mới trong giai đoạn đầu tư xây dựng, chưa đi vào sản xuất, nhiều DN thiếu vốn để duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh, thời tiết diễn biến phức tạp rét đậm, bão, lốc, lũ quét, sạt lở đất... gây tổn thất về người và tài sản, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống các tầng lớp dân cư.
Theo Cục Thuế tỉnh, trong 8 tháng năm 2019, có 4 nguồn thu đạt trên 70% dự toán tỉnh giao là: thu liên doanh đạt 55 tỷ đồng; thuế thu nhập cá nhân đạt 76 tỷ đồng; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 3 tỷ đồng; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 71 tỷ đồng.
6 nguồn thu đạt trên 50% dự toán là: thu quốc doanh đạt 240 tỷ đồng; ngoài quốc doanh đạt 331 tỷ đồng; thu xổ số 16,8 tỷ đồng; thuế bảo vệ môi trường đạt 99,9 tỷ đồng; lệ phí trước bạ đạt 84,8 tỷ đồng...
Nhờ có sự chủ động, linh hoạt nhiều phương án thu ngân sách (TNS) nên 8 tháng đầu năm 2019 toàn tỉnh thu đạt 1.599 tỷ đồng, bằng 71% dự toán Trung ương giao, 49% dự toán tỉnh giao và tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, hết tháng 8/2019, tổng TNS toàn tỉnh chưa đạt 50% dự toán tỉnh giao, tiến độ bình quân tháng chỉ đạt 6,2%, trong khi yêu cầu về tiến độ bình quân phải đạt 8,3%/tháng mới bảo đảm kế hoạch. |
Nguyên nhân của thu cân đối ngân sách đạt thấp là do nguồn thu này tập trung lớn từ các DN sản xuất thủy điện, mà lĩnh vực này lại tiếp tục ảnh hưởng thiệt hại của cơn bão số 3 (tháng 7/2018), có DN đến thời điểm hiện tại vẫn chưa khắc phục xong.
Mặt khác, những tháng đầu năm 2019 hạn hán kéo dài làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh của DN.
Cụ thể, đến hết 8 tháng, khối các DN ngoài quốc doanh chỉ đạt 55% dự toán và bằng 49% so với cùng kỳ, sản lượng điện chỉ bằng 80% so với cùng kỳ. Các DN sản xuất, kinh doanh khác cũng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do giá đầu vào của nguyên, nhiên, vật liệu tăng và việc tiêu thụ sản phẩm không thuận lợi, hàng tồn kho lớn...
Căn cứ nhiệm vụ TNS được tỉnh giao và chỉ tiêu phấn đấu thì nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2019, tỉnh còn phải thu là 1.651 tỷ đồng; trong đó, thu xuất nhập khẩu 70,7 tỷ đồng; thu từ thuế, phí, lệ phí 638,2 tỷ đồng; thu từ thuê đất, sử dụng đất 934,1 tỷ đồng; xổ số 8,2 tỷ đồng.
Để hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu 3.250 tỷ đồng, trong thời gian còn lại của năm 2019, Cục Thuế tỉnh cần tiếp tục triển khai các giải pháp về quản lý, điều hành TNS, đặc biệt là chú trọng phân tích, dự báo những tác động ảnh hưởng đến tình hình TNS để kịp thời tham mưu với tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo TNS.
Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan để quản lý tốt nguồn thu, đặc biệt chú trọng vào các lĩnh vực còn thất thu; chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành thực hiện rà soát, đánh giá từng nguồn thu, từng DN; xây dựng kế hoạch chi tiết TNS theo từng tháng; đồng thời, phân công nhiệm vụ gắn với trách nhiệm cá nhân trong việc kiểm tra, đôn đốc đảm bảo kế hoạch thu hàng tháng đã đề ra.
Ông Nông Xuân Hùng - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh:
Là lực lượng chủ công trong nhiệm vụ TNS, ngành thuế Yên Bái tiếp tục triển khai các giải pháp về quản lý, điều hành TNS, tập trung chỉ đạo công tác quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế đảm bảo thực hiện đúng, đủ các biện pháp quản lý nợ thuế; yêu cầu chi cục thuế các địa phương triển khai ngay việc rà soát, điều tra, khảo sát doanh thu đối với toàn bộ các cá nhân kinh doanh đang có doanh thu dưới 100 triệu đồng không thuộc đối tượng nộp thuế thuộc địa bàn quản lý; chống thất TNS Nhà nước về thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động xây dựng cơ bản trên địa bàn; quản lý chặt chẽ các nguồn thu vãng lai, thuế nhà thầu phát sinh trên địa bàn để tăng thu và bù đắp các nguồn thu thiếu hụt.
Ông Nguyễn Xuân Hà - Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai và Phát triển quỹ đất tỉnh Yên Bái:
Để bảo đảm kế hoạch thu ngân sách từ tiền SDĐ từ nay tới cuối năm 2019, Văn phòng Đăng ký đất đai và Phát triển quỹ đất tỉnh Yên Bái phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản của tỉnh tích cực thông tin, quảng cáo mời gọi các tổ chức, cá nhân có nhu cầu SDĐ tham gia đấu giá các quỹ đất; phối hợp với các đơn vị triển khai giải phóng mặt bằng tất cả các quỹ đất được giao; phối hợp với các đơn vị thu nợ, chậm nộp tiền trúng đấu giá quyền SDĐ của các tổ chức và cá nhân vào ngân sách Nhà nước...
Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Petrolimex Yên Bái:
Với hệ thống trên 30 cửa hàng xăng, dầu quy mô lớn đặt tại các tuyến giao thông quan trọng, Công ty Xăng dầu Yên Bái luôn tuân thủ quy trình bảo đảm an toàn kỹ thuật, phòng chống cháy nổ cùng việc đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ nhân viên. Nhờ vậy, đại đa số khách hàng luôn chọn các mặt hàng mà Petrolimex Yên Bái cung cấp để sử dụng... nên sản lượng bán hàng không ngừng tăng. Riêng 8 tháng đầu năm 2019, Công ty nộp ngân sách trên 108 tỷ đồng; phấn đấu nộp ngân sách trên 175 tỷ đồng trong năm nay.
Ông Nguyễn Xuân Cường - Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Mù Cang Chải:
Để phấn đấu TNS đạt 127,5 tỷ đồng trong năm 2019, Chi cục sẽ tăng cường kiểm tra đối với hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn quyển; rà soát các khoản nợ, nợ khó thu của hộ, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp; phối hợp với các phòng nghiệp vụ và các cơ quan chức năng thực hiện cưỡng chế nợ theo quy định; tăng cường rà soát, quản lý các nguồn thu đối với các đơn vị vãng lai có hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; đặc biệt là các đơn vị có hoạt động xây dựng cơ bản, xây dựng công trình giao thông. |
CHI CỤC HẢI QUAN YÊN BÁI: THỦ TỤC GỌN, THÔNG QUAN NHANH
Lường trước những khó khăn trong thu ngân sách, nên từ đầu năm 2019, Chi cục Hải quan Yên Bái (HQYB) đã chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật mới liên quan đến hoạt động hải quan tới cán bộ, công chức, người lao động và cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn; tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch cải cách và hiện đại hóa hải quan; vận hành có hiệu quả hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS); chính thức vận hành hệ thống phần mềm công trực tuyến, triển khai thu thuế điện tử và thông quan 24/7…
Cán bộ Chi cục Hải quan Yên Bái trao đổi về mẫu hàng hóa xuất khẩu.
Nhờ đó, đến ngày 9/9/2019, số thu ngân sách mà Chi cục HQYB thực hiện đạt trên 181 tỷ đồng, bằng 73% dự toán tỉnh giao; trong đó, thuế xuất khẩu không qua biên giới đất liền là 129,7 tỷ đồng; thuế nhập khẩu không qua biên giới đất liền là 2,3 tỷ đồng; thuế giá trị gia tăng không qua biên giới đất liền 48,9 tỷ đồng... đã có 151 DN làm thủ tục xuất, nhập khẩu tại đơn vị, trong đó, có 15 DN mới.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng - Phó Chi cục trưởng Chi cục HQYB chia sẻ: có được kết quả trên, trước hết phải kể đến tập thể Chi cục đã nỗ lực cung cấp thông tin, tháo gỡ, vướng mắc phát sinh cho DN, bố trí công chức trực giải quyết thủ tục cho DN ngoài giờ hành chính, ngày lễ, ngày nghỉ nhằm thông quan nhanh hàng hóa cho DN; chủ động hỗ trợ DN trong khai báo, làm thủ tục hải quan; hướng dẫn các DN chấp hành các quy định, chế độ quản lý đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu; triển khai quyết liệt các biện pháp chống thất thu; kiểm tra chặt chẽ các chỉ tiêu về tên hàng, trị giá, phân loại, xuất xứ, số lượng, trọng lượng do DN khai báo; tăng cường thu thập thông tin, xác định mặt hàng trọng điểm, có nguy cơ rủi ro để áp dụng các biện pháp kiểm tra; đẩy mạnh xây dựng quan hệ đối tác, hợp tác với doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tạo sự gắn kết trong thực hiện nhiệm vụ...
Với đặc thù chủ yếu là làm thủ tục xuất khẩu khoáng sản và đây là mặt hàng trọng điểm của tỉnh Yên Bái chịu sự điều hành của cơ quan chuyên ngành, trước khi làm thủ tục xuất khẩu, Chi cục phối hợp với DN lấy mẫu kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng (Vilas) và giám sát chặt chẽ nguồn gốc khoáng sản xuất khẩu.
Để hoàn thành dự toán thu ngân sách, Chi cục tiếp tục tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của DN, hướng dẫn DN giải quyết nhanh gọn thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện kiểm tra hồ sơ, kiểm tra hàng hóa; tiếp tục kiến nghị để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình làm thủ tục về quy định phải kiểm tra thực tế toàn bộ lô hàng khoáng sản làm vật liệu xây dựng xuất khẩu về quản lý giá mặt hàng bột đá xuất khẩu; triển khai đồng bộ các lĩnh vực đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, kiểm tra sau thông quan; tổ chức thực hiện quy chế làm việc, quy chế hoạt động công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa ứng xử, phương châm phục vụ khách hàng của ngành hải quan "Chuyên nghiệp - Minh bạch - Hiệu quả".
Ông Trần Quốc Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Yên Bái:
Để phấn đấu hoàn thành kế hoạch TNS mà tỉnh giao là 250 tỷ đồng, trong thời gian còn lại của năm 2019, Chi cục Hải quan Yên Bái tiếp tục tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp giải quyết nhanh gọn thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện kiểm tra hồ sơ, kiểm tra hàng hóa; kiến nghị để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình làm thủ tục như khó khăn về quy định phải kiểm tra thực tế toàn bộ lô hàng khoáng sản làm vật liệu xây dựng xuất khẩu, quản lý giá mặt hàng bột đá xuất khẩu, địa điểm kiểm tra... |
PHẤN ĐẤU HOÀN THÀNH DỰ TOÁN THU TỪ NGUỒN SỬ DỤNG ĐẤT
Thị trường bất động sản cả nước nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng thời gian qua vẫn tiếp tục trầm lắng. Trong khi đó, một số nguồn thu về đất bị giảm do thực hiện các chính sách miễn, giảm theo quy định của Chính phủ.
Để bảo đảm kế hoạch thu ngân sách (TNS) từ tiền sử dụng đất (SDĐ) được UBND tỉnh giao, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với cơ quan thuế tích cực đôn đốc các trường hợp còn nợ đọng tiền SDĐ khẩn trương hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định; đồng thời, chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai và Phát triển quỹ đất tỉnh phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản của tỉnh tích cực thông tin, quảng cáo mời gọi các tổ chức, cá nhân có nhu cầu SDĐ tham gia đấu giá các quỹ đất.
Quỹ đất trên đường Âu Cơ, thành phố Yên Bái
Tính đến ngày 3/9/2019, tổng số tiền thực hiện giao đất, cho thuê đất của khối tỉnh thực hiện được 198,3 tỷ đồng; trong đó, số tiền đã nộp ngân sách là 77,5 tỷ đồng, số tiền nợ chưa thu nộp ngân sách là 120,8 tỷ đồng.
Xác định trước những khó khăn, ngay từ đầu năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các đơn vị làm công tác phát triển quỹ đất, thu tiền cấp quyền sử dụng đất, tăng cường trách nhiệm trong tổ chức, quảng bá để đẩy mạnh tiêu thụ các quỹ đất đã tạo ra; phấn đấu tăng thu so với dự toán được giao.
Từ đó, sẽ có thêm nguồn chi cho đầu tư phát triển, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh. Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án đấu thầu có sử dụng đất là về cơ chế, chính sách.
Để lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện các dự án theo đúng quy định thì các nhà đầu tư phải có năng lực về tài chính và có kinh nghiệm tổ chức thực hiện các dự án tương tự như các dự án có mức đầu tư trên 300 tỷ đồng và các nhà đầu tư phải có vốn tối thiểu là 60 tỷ đồng; có kinh nghiệm thực hiện các hợp đồng tương tự trên 90 tỷ đồng. Trong khi đó, có nhiều nhà đầu tư của tỉnh đang mong muốn thực hiện dự án đều chưa đáp ứng được năng lực tài chính cũng như kinh nghiệm thực hiện; do đó, khó thực hiện dự án.
Để hoàn thành nhiệm vụ TNS các khoản từ đất năm 2019, khối tỉnh phải thu trên 500 tỷ đồng. Đây là một khó khăn rất lớn, trong khi thị trường bất động sản cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng vẫn tiếp tục trầm lắng, nhiều dự án xây dựng nhà thô ế ẩm.
Để hoàn thành kế hoạch TNS từ đất, Văn phòng Đăng ký đất đai và Phát triển quỹ đất tỉnh Yên Bái cần phối hợp với các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ xác định giá đất cụ thể phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng các quỹ đất.
Đối với 2 quỹ đất thực hiện dự án xây dựng khu đô thị Bách Lẫm A và khu đô thị Bách Lẫm B, trước đây dự kiến là dự án đất đối ứng của dự án đầu tư xây dựng công trình đường nối quốc lộ 32C với đường Âu Cơ, thành phố Yên Bái thí điểm theo hình thức đầu tư xây dựng - chuyển giao (BT) nay chuyển sang hình thức đấu thầu dự án có SDĐ.
UBND tỉnh xác định giá đất tại quỹ đất thương mại, dịch vụ phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái chuyển từ hình thức cho thuê đất hàng năm sang thuê đất trả tiền 1 lần cho cả thời gian thuê của Công ty cổ phần Hoa Sen Yên Bái; xác định giá khu đất đấu giá 9,6 ha (huyện Lục Yên); giá đất tại khu Trung tâm Thương mại huyện Lục Yên; quỹ đất 2,96 ha tại thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên; quỹ đất thu hồi của Liên minh Hợp tác xã và Công ty TNHH Hapaco Yên Sơn...
Với các quỹ đất hiện có, kế hoạch phát triển các quỹ đất mới cùng với việc thu nợ đọng năm 2018, việc hoàn thành kế hoạch TNS mà UBND tỉnh giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh năm 2019 là hoàn toàn có cơ sở.
Quang Thiều