Tuy nhiên, để có một nền nông nghiệp hữu cơ vẫn là câu chuyện dài bởi nhiều nguyên nhân như: nguồn vốn đầu tư lớn, chưa có hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, sản phẩm hữu cơ bị đánh đồng với các sản phẩm nông nghiệp thông thường khác... Vậy đâu là giải pháp để phát triển nông nghiệp hữu cơ, mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp Việt Nam?
Thách thức từ sản xuất đến tiêu thụ
Nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng thành công mô hình nông nghiệp hữu cơ, tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn, được người tiêu dùng đón nhận như: Rau hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn - Hà Nội), cam Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang), thịt lợn hữu cơ Bảo Châu (huyện Sóc Sơn - Hà Nội)…
Tuy nhiên, để phát triển nông nghiệp hữu cơ trong bối cảnh hiện tại phải giải quyết hàng loạt vấn đề. Bà Trương Kim Hoa - chủ trang trại Hoa Viên (huyện Thạch Thất) có diện tích 10ha trồng rau và chăn nuôi theo hướng hữu cơ cho biết, Phát triển nông nghiệp hữu cơ cũng đồng nghĩa phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bởi quy trình sản xuất khắt khe, cần có thời gian để cải tạo đất, tạo nguồn nước tưới đáp ứng yêu cầu về chất lượng.
Trong khi đó, Việt Nam chưa có quy chuẩn cụ thể về sản xuất nông nghiệp hữu cơ nên người sản xuất vẫn phải tự mày mò. Khâu tiêu thụ càng phức tạp hơn vì trên thị trường đã có hiện tượng trà trộn giữa sản phẩm hữu cơ với các sản phẩm khác, thậm chí cả những sản phẩm không an toàn, khiến người tiêu dùng mất niềm tin.
Theo ông Trần Mạnh Chiến - Giám đốc chuỗi thực phẩm sạch Bác Tôm: Chi phí cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ cao gấp 5-6 lần so với các phương pháp thông thường, sản lượng không cao, nhưng giá cả thì chưa tương xứng do phải cạnh tranh gay gắt với các mặt hàng khác trên thị trường.
Về những khó khăn, thách thức trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Viện trưởng Viện Công nghệ xanh Mai Quang Vinh cho rằng: Thực tế, sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam mới dừng lại ở dạng mô hình, quy mô nhỏ lẻ và đang gặp khó khăn để chuyển đổi sang quy mô hàng hóa. Nguyên nhân là do tỷ lệ diện tích đất sản xuất hữu cơ trong tổng diện tích đất canh tác thấp chỉ đạt 0,7%, trong khi bình quân thế giới là 4,1%.
Mặt khác, ngoài một số ít doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ thì phần lớn nông dân thiếu thông tin về quy trình sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên gặp nhiều vấn đề trong thực hành sản xuất hữu cơ.
Cùng chung quan điểm, bà Trần Thị Loan - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững - Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Sản xuất nông nghiệp hữu cơ khó nhân rộng do vốn đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu khá lớn. Các sản phẩm hữu cơ chưa đa dạng và chất lượng không đồng đều, một số sản phẩm đã được xuất khẩu nhưng ở dạng thô nên giá trị còn thấp.
Hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn
Hiện tại, Bộ NN&PTNT đang lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà sản xuất để hoàn thiện đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước phát triển nông nghiệp hữu cơ trên thế giới.
Để đạt mục tiêu này, ông Thân Dỹ Ngữ - Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Thành kiến nghị: Cùng với việc hình thành vùng sản xuất quy mô lớn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong thu mua nguyên liệu, Bộ NN& PTNT cần phối hợp với các bộ, ngành ban hành tiêu chuẩn cụ thể về sản xuất nông nghiệp hữu cơ để doanh nghiệp, người dân áp dụng vào thực tiễn sản xuất theo một quy trình thống nhất. Đặc biệt, cần có cơ chế ưu đãi về vốn vay cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Về vấn đề thị trường, theo ông Nguyễn Văn Chữ - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green: Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp trong xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và phát triển thị trường nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam cũng như xuất khẩu. Đồng thời, minh bạch hóa thị trường sản xuất hữu cơ, xử lý nghiêm những trường hợp trà trộn sản phẩm gây mất niềm tin cho người tiêu dùng.
Với mục tiêu đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ NN& PTNT đang phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật; hệ thống các tiêu chuẩn để hướng dẫn nông dân phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ từ sản xuất đến tiêu thụ; đồng thời có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tham gia phát triển nông nghiệp hữu cơ... Dự kiến trong quý IV-2019 sẽ hoàn chỉnh để trình Thủ trướng Chính phủ phê duyệt.
Với Hà Nội, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ, để phát triển nông nghiệp hữu cơ, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 196/KH-UBND ngày 18-10-2018 về nâng cao năng lực chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2019-2020.
Theo đó, Hà Nội xây dựng 5 đến 10 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ với quy trình kỹ thuật tiên tiến, có sự kiểm soát chặt chẽ và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn. 100% số hộ dân trong vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ của thành phố được tập huấn về kỹ thuật, kỹ năng, nhận thức hiểu biết về tiêu chuẩn, tiêu chí nông nghiệp hữu cơ...
Để mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ cần nhiều thời gian, kinh phí. Vì vậy, cùng với việc ban hành chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, người dân về sản xuất hữu cơ. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích các cửa hàng, siêu thị thu mua sản phẩm bảo đảm đầu ra cho nông nghiệp hữu cơ phát triển ổn định.
(Theo HNMO)