Cho đến hôm nay chưa ai biết đích xác cây tre măng Bát độ có mặt trên đất Yên Bái từ khi nào, nhưng kể từ những héc-ta măng tre Bát độ đầu tiên được trồng bài bản với quy mô theo hướng hàng hóa tại xã Kiên Thành năm 2003 thì nay đã là 16 năm. 16 mùa măng đã góp phần không nhỏ trong công cuộc xóa đói giảm nghèo ở vùng cao Trấn Yên.
Trải qua nhiều thăng trầm, cây tre măng Bát độ đã bám chặt lấy đất, lấy người nơi đây và trở thành cây trồng chủ lực mang lại giá trị cao nhất, hiệu quả nhất, bền vững nhất trong "tập đoàn” cây lâm nghiệp ở Yên Bái.
Nhờ hiệu quả kinh tế cao, cây tre măng Bát độ phát triển khá nhanh, diện tích ngày một lớn dần theo những mùa măng, đến hôm nay toàn huyện có trên 3.364 ha được trồng tập trung ở 4 xã (Hồng Ca, Kiên Thành, Hưng Khánh, Lương Thịnh). Sản lượng măng tươi thu được bình quân mỗi năm đạt 50 ngàn tấn, giá trị thu được trên 70 tỷ đồng, bình quân mỗi héc-ta tre măng Bát độ cho thu từ 30-40 triệu đồng/năm.
Xã vùng cao Kiên Thành được ví như thủ phủ của tre măng Bát độ với diện tích trên 1.600 ha, trên 70% số hộ dân trong xã tham gia trồng, sản xuất măng tre. Bình quân mỗi năm toàn xã thu trên 30 ngàn tấn măng tươi, bán thu về trên 50 tỷ đồng, nhiều gia đình đã thoát nghèo và làm giàu từ cây tre măng này. Không phát triển tự phát mà trồng theo quy hoạch và liên kết từ sản xuất tới tiêu thu sản phẩm, do vậy người dân không còn nỗi lo được mùa mất giá. Hiện, toàn bộ sản phẩm măng tre trên địa bàn xã được Công ty Vạn Đạt thu mua với giá ổn định.
Ông Nguyễn Ngọc Hoàn ở thôn 3, xã Kiên Thành phấn khởi nói: "Gia đình có 3 ha măng tre trồng từ năm 2009, đến nay cây sinh trưởng và phát triển mạnh. Sau ba năm kiến thiết cơ bản cho thu hoạch ổn định, bình quân mỗi héc-ta thu 15 tấn/ha. Với 3 ha tre măng từ đầu vụ đến nay gia đình thu trên 35 tấn măng bán với giá bình quân 4 ngàn đồng/kg cho thu 140 triệu đồng. Dự kiến từ nay đến hết vụ thu hái bán được trên 20 triệu đồng. Nhờ cây tre măng Bát độ mà gia đình đã có cuộc sống ổn định hơn”.
Hay như ở bản Đồng Ruộng có hơn 40 nóc nhà thì có đến 35 hộ trồng và phát triển tre măng Bát độ. Vụ măng 2019 này, gia đình anh Giàng A Khay với gần 4 ha tre măng thu hái bán được gần 200 triệu đồng.
Giống như Kiên Thành, xã Hồng Ca một vài năm trở lại đây phát triển khá mạnh vùng nguyên liệu măng tre Bát độ. Hiện nay, diện tích tre măng Bát độ của xã Hồng Ca là trên 1.057 ha, thuộc thôn Nam Hồng, Liên Hợp, Đồng Đình, Khuôn Bổ, Khe Tiến, Hồng Hải.
Để tiêu thụ sản phẩm ổn định cho người dân, xã phối hợp với Công ty Vạt Đạt, HTX dịch vụ Tổng hợp Hồng Ca tiến hành tổ chức các điểm cân măng tại các thôn: Liên Hợp, Khe Ron, Khe Tiến, Nam Hồng, Hồng Hải, Đồng Đình, Hồng Lâu, Khuôn Bổ đảm bảo phù hợp các vùng nguyên liệu tập trung trên địa bàn xã, đồng thời thông báo về giá cả, thời gian thu mua, thông báo quy cách, chất lượng sản phẩm tới các điểm cân và các hộ nhân dân trồng măng trên địa bàn xã. Với 420 ha đã cho thu hoạch trên 5.700 tấn măng vỏ tươi, bán thu về trên 13 tỷ đồng.
Để tiếp tục mở rộng diện tích với sự hỗ trợ của Nhà nước và sự nỗ lực của nhân dân, trong năm 2019 này xã trồng được 125,9 ha (Khe Tiến 13,6 ha; Khe Ron 7,5 ha; Đồng Đình 7 ha; Hồng Lâu 2,2 ha; Khuôn Bổ 7,3 ha; Liên Hợp 10 ha; Bản Chiềng 5,3 ha; Nam Hồng 5,5 ha; Cà Nộc 3,1 ha; Hồng Hải 8 ha; Bản Cọ 2,5 ha; Bản Khun 3,5 ha).
Chủ tịch UBND xã Phạm Xuân Toàn cho biết: "Chủ trương của xã là không mở rộng diện tích mà tập trung vào chăm sóc, đầu tư, chăm sóc diện tích đã trồng tạo năng suất, sản lượng. Với trên 1.000 ha tre măng hiện tại nếu đầu tư chăm sóc tốt khi qua kiến thiết cơ bản mỗi năm bán cho thu trên 50 tỷ đồng - một con số không hề nhỏ”.
Nhờ trồng và phát triển vùng tre măng theo hướng hàng hóa và thị trường đã góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương và là tiền đề để các xã vùng cao đi lên giàu có.
Ngọc Trúc