Trong “bão bệnh”, người dân chủ động chuyển đổi vật nuôi

  • Cập nhật: Thứ hai, 30/9/2019 | 10:57:21 AM

YênBái - Từ đầu năm đến nay, người chăn nuôi trong tỉnh hứng chịu 2 trận dịch bệnh trên đàn lợn là dịch lở mồm long móng và bệnh dịch tả lợn châu Phi (BDTLCP). Trước tình hình BDTLCP vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, người chăn nuôi chưa thể tái đàn nên đã chủ động chuyển đổi sang các giống vật nuôi khác: gia cầm, gia súc ăn cỏ, phát triển chăn nuôi thủy sản để tăng thu nhập, bù đắp sản lượng thực phẩm thiếu hụt, đáp ứng nhu cầu, ổn định thị trường.

Chị Vũ Thị Hằng ở thôn Đoàn Kết, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên chăm sóc gà.
Chị Vũ Thị Hằng ở thôn Đoàn Kết, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên chăm sóc gà.

Xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh Yên Bái từ tháng 5/2019, đến nay, BDTLCP đã lan rộng ra 108 xã, phường, thị trấn của 9/9 huyện, thị xã, thành phố làm thiệt hại trên 790 tấn lợn. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống, ngăn chặn, dập dịch nên đến ngày 19/9 toàn tỉnh đã có 35 xã khống chế thành công dịch bệnh. 

Tuy nhiên, do đặc thù của vi rút BDTLCP rất nguy hiểm, hiện chưa có thuốc điều trị cũng như vắc - xin phòng bệnh, trong khi vi rút có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường và có sức đề kháng rất cao, khó kiểm soát nên các chuyên gia khuyến cáo người dân không tái đàn lợn trong thời gian này. Vì thế, để ổn định cuộc sống, người chăn nuôi đã chủ động chuyển đổi sang vật nuôi khác. Cuối tháng 5/2019, hộ ông Mai Quang Vụ ở tổ 3, phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái có 4 con lợn nái bị BDTLCP phải tiêu hủy. 

Do không thể tái đàn lợn được ngay nên ông đã cải tạo lại các ô chuồng để nuôi chó và tận dụng khoảng vườn nuôi gà thương phẩm. Ngay khi nhận được tiền hỗ trợ, ông Vụ đã mua 50 con chó và 1.000 con gà về nuôi. "Giờ mà không nuôi con gì để chuồng trống thì lãng phí, mà gia đình sẽ không có nguồn thu. Trong khi đó, thị trường chó thịt, gà hiện nay rất lớn. Việc nuôi gà tuy không lãi cao, nhưng vốn đầu tư ban đầu không lớn, quay vòng nhanh” - ông Vụ chia sẻ. 

Gia đình chị Vũ Thị Hằng ở thôn Đoàn Kết, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên có 1 con lợn nái và 3 con lợn thịt buộc phải tiêu hủy do nhiễm BDTLCP. Ngay khi đàn lợn bị tiêu hủy, chị đầu tư mua gần 100 con gà giống về nuôi. Chị Hằng cho biết: "Nhà làm nông nghiệp chỉ trông vào mấy sào chè, chăn nuôi mà giờ không nuôi được lợn thì chỉ còn biết nuôi gà. Vì thế, khi nhận được tiền hỗ trợ, tôi sẽ đầu tư mua thêm vài trăm con gà giống”. 

Việc chuyển đổi giống vật nuôi để duy trì sản xuất tại các hộ chăn nuôi bị mắc BDTLCP sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng về kinh tế, tạo nguồn thu tạm thời cho các gia đình. Đây cũng là giải pháp tối ưu giúp ổn định nguồn cung thực phẩm do thiếu hụt thịt lợn. 

Đến hết tháng 8, đàn gia cầm đạt gần 5 triệu 162 nghìn con, tăng 10,26% so với cùng kỳ. Trong đó, đàn gà trên 4 triệu 546 nghìn con, tăng 10,15% so với cùng kỳ; đàn vịt, ngan, ngỗng đạt trên 585 nghìn con, tăng 10,16%. Hiện nay, đa phần người dân chuyển sang chăn nuôi gia cầm do chu kỳ nuôi ngắn, mỗi lứa chỉ từ 3 đến 5 tháng, vốn đầu tư không nhiều. 

Trong khi đó, các hộ đều chuyển đổi theo hình thức tự phát, không chủ động được đầu ra cho sản phẩm; vì vậy, rất có thể xảy ra nguy cơ thừa nguồn cung vào dịp cuối năm. Mặt khác, đa phần các hộ chăn nuôi lợn chưa có kinh nghiệm chăm sóc, phòng bệnh gia cầm nên rất dễ xảy ra rủi ro dịch bệnh. Do đó, thời gian này, chính quyền địa phương, các cấp, ngành chuyên môn cần có sự chỉ đạo, vào cuộc trong tuyên truyền, vận động người dân tránh tình trạng chăn nuôi ồ ạt khi chưa có đầu ra ổn định; tăng cường phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc - xin và áp dụng khoa học, kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học để chăn nuôi đạt hiệu quả cao. 

Hồng Duyên

Các tin khác
Ảnh minh họa. (Ảnh: Văn Tuấn)

Vụ đông năm nay, tỉnh Yên Bái phấn đấu gieo trồng trên 10.000 ha, trong đó, có 7.000 ha trên đất 2 vụ lúa, còn lại là các loại cây trồng như: khoai lang, khoai tây, các loại rau màu có giá trị kinh tế cao…; phấn đấu giá trị sản xuất vụ đông (SXVĐ) đạt trên 300 tỷ đồng. Đây là mục tiêu không quá cao; tuy nhiên, cần có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của nông dân và các doanh nghiệp, hợp tác xã phục vụ nông nghiệp.

Chiều 29/9, UBND tỉnh Lạng Sơn và Tập đoàn Đèo Cả đã tổ chức thông xe tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, đoạn tuyến Bắc Giang - Chi Lăng với tổng chiều dài gần 64 km.

Ngày 28-9, Tổng cục Thống kê cho biết, tính chung chín tháng năm 2019, GDP ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của chín tháng trong chín năm trở lại đây.

Tỷ lệ ý kiến nhận định của giới chuyên gia và giới đầu tư về giá vàng.

Đã có dưới 50% ý kiến chuyên gia nhận định giá vàng tăng trở lại khi có nhiều yếu tố tác động tiêu cực đến giá vàng trong tuần tới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục