Yên Bái đột phá phát triển giao thông nông thôn - từ chủ trương đến hành động

  • Cập nhật: Thứ bảy, 5/10/2019 | 8:09:48 AM

YênBái - Đường bê tông nối liền thôn, bản; đường bê tông dẫn ra đồng ruộng rồi chạy lên những lưng đồi xanh ngát. Hệ thống đường giao thông được mở mới, kiên cố hóa đã, đang tạo động lực giúp nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát triển kinh tế nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống.

Đường giao thông nội đồng ở xã Việt Thành, huyện Trấn Yên được kiên cố hóa.
Đường giao thông nội đồng ở xã Việt Thành, huyện Trấn Yên được kiên cố hóa.

Đã có thời, mỗi khi nhắc đến những xã vùng cao như: Làng Nhì, Tà Si Láng, huyện Trạm Tấu; An Lương, Suối Quyền, Sùng Đô, huyện Văn Chấn; Lao Chải, Mồ Dề, Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải… ai cũng lắc đầu bởi đường khó, nguy hiểm. Vậy mà giờ đây, 100% địa phương đã có đường ô tô đến trung tâm xã, giao thông thuận tiện, đi lại được cả trong 4 mùa. 

Đây thực sự là kỳ tích bởi trong bối cảnh Yên Bái vốn là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt, hiểm trở nguồn lực đầu tư cho giao thông hạn chế, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, trình độ không đồng đều nên việc mở rộng, kiên cố hóa các tuyến đường GTNT gần như là bất khả thi. 

Thế nhưng, ngay khi đề án phát triển GTNT được xây dựng và đưa vào triển khai đã tạo nên những đột phá trong phát triển GTNT. Tùy điều kiện cụ thể, mỗi địa phương đã có những cách làm riêng để huy động, vận động nhân dân tham gia làm đường như nơi có đá thì góp đá, có cát, sỏi thì góp cát sỏi, góp công san nền, đánh đất rồi tiền mặt... 

Những giải pháp đó, đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh và tạo nên một phong trào làm đường GTNT rộng khắp. Mỗi năm, hàng trăm héc - ta đất đã được hiến cho làm đường, hàng nghìn công lao động được nhân dân đóng góp. 

Phong trào làm đường GTNT lan tỏa từ các huyện: Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn… đến các huyện vùng cao đặc biệt khó khăn như Trạm Tấu, Mù Cang Chải, đâu đâu cũng là "đại công trường” giao thông. 

Nhờ đó, những tuyến đường bê tông, đường nhựa dần được hình thành, đạt tiêu chuẩn đường miền núi ngày một nối dài và vươn đến tất cả các xã, các bản làng từ vùng thấp đến vùng cao. Ngoài những tuyến đường vào cấp, nhiều địa phương đã có những sáng tạo trong phát triển GTNT. Đơn cử như huyện Văn Yên, để cứng hóa, bảo đảm nhu cầu đi lại cho nhân dân các thôn, bản vùng cao, huyện đã triển khai xây dựng các tuyến đường đặc thù với quy mô bề rộng 1 m, dày 12 cm. 

Ưu điểm của kiểu đường này là suất đầu tư thu nhỏ, trong khi chiều dài cứng hóa được tăng lên và phục vụ được nhân dân tại nhiều thôn, bản. Tính riêng trong năm 2018, huyện Văn Yên đã thực hiện được 30,726 km đường đặc thù. Hay như tại huyện vùng cao Mù Cang Chải, dù nguồn đầu tư của Nhà nước hạn chế, đời sống người dân còn khó khăn nhưng huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để làm thay đổi nhận thức của người dân về làm đường GTNT.

Nhờ đó, tại nhiều địa phương, người dân đã tự đứng ra thu, chi, bầu ra một nhóm gồm trưởng nhóm, kế toán và giám sát chi, mọi thứ đều minh bạch, công khai. Chính quyền và đơn vị chức năng chỉ cần đứng ra hỗ trợ về kỹ thuật, chuyên môn nên các tuyến đường được triển khai nhanh chóng, đồng thuận. 

Ngoài những tuyến đường được kiên cố hóa theo đề án phát triển GTNT, giảm nghèo thì trong 9 tháng năm 2019, huyện Mù Cang Chải đã kiên cố hóa 50 km loại đường rộng 1 m dẫn đi các thôn, bản, khu sản xuất.



Nhân dân xã Yên Thái, huyện Văn Yên tham gia kiên cố hóa đường giao thông nông thôn. 

Theo báo cáo, trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã huy động trên 4.156 tỷ đồng cho phát triển GTNT, trong đó, vốn Nhà nước trên 2.441 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp trên 805 tỷ đồng, vốn hợp pháp khác trên 908 tỷ đồng. 

Từ nguồn vốn trên, toàn tỉnh đã kiên cố hóa 2.216,30 km mặt đường bê tông xi măng, mở mới 2.130,22 km đường đất, xây dựng 2.456 công trình thoát nước và 51 cầu dân sinh; trong đó, 1.056,22 km mặt đường bê tông xi măng, 1.315,70 km đường đất, 857 công trình thoát nước được thực hiện theo đề án phát triển GTNT. 

Thực tế cho thấy, những địa phương làm tốt phong trào làm đường GTNT là những địa phương biết quan tâm, sâu sát, tuyên truyền vận động và minh bạch trong các khoản đóng góp của nhân dân, người dân đã tích cực góp công, góp của, sức lực làm đường, nhiều xã tỷ lệ đóng góp lên tới 60 - 70% giá trị công trình. 

Giao thông phát triển cũng đồng nghĩa với sự thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương. Bởi lẽ, sản phẩm do nông dân sản xuất ra được vận chuyển về nhà và đi tiêu thụ thuận lợi, là động lực phát triển hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế. 

Đường thôn bản nối đường xã, đường xã vào đường huyện, đường tỉnh và nối liền với quốc lộ và các tỉnh lân cận tạo thành một mạng lưới liên hoàn khép kín. Trước, đường không vào cấp, ách tắc, sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp của nông dân sản xuất ra chủ yếu là tự sản tự tiêu, chỉ có một phần nhỏ do các tư thương vận chuyển bằng xe thô sơ, xe máy nên hiệu quả kinh tế không cao, khó kích thích phát triển. 

Nay giao thông thông suốt, hàng ngày xe ô tô hạng lớn, hạng nhỏ từ Hà Nội, Phú Thọ, Lào Cai chở hàng đến tận thôn, bản; thậm chí, tới tận nơi sản xuất để trao đổi mua bán rồi lại chất đầy sản phẩm đi khắp nơi tiêu thụ. Nhờ đó, kinh tế - xã hội có bước phát triển ổn định, tăng trưởng khá, thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng. 

Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh đạt 6,81% (tăng 0,21% so với kịch bản tăng trưởng và đạt mức cao nhất trong 4 năm gần đây). Trong đó, khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản tăng 6,06%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,45%, khu vực dịch vụ tăng 5,9% thuế sản phẩm, trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,66%. Sự tăng trưởng, phát triển này, có sự đóng góp không nhỏ của mạng lưới giao thông, nhất là hệ thống GTNT.

Những thành tựu đã đạt được trong phát triển GTNT thực sự là bước đột phá cả trong chủ trương, chính sách của các cấp chính quyền đến ý thức, nhận thức của người dân. GTNT đã mang lại những đổi thay rõ nét, sự phát triển về mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội ở mỗi miền quê. 


Ông Bùi Danh Tú - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Yên Bái: 

Đề án phát triển GTNT là một trong những đề án đạt hiệu quả cao và sát với thực tế địa phương. Trước khi có đề án, toàn bộ những tuyến đường giao thông được kiên cố hóa đều do Nhà nước đầu tư nhưng khi thực hiện đề án với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm đã huy động được sự vào cuộc tích cực của nhân dân từ tham gia đóng góp kinh phí, vật liệu, ngày công lao động đến tham gia giám sát, kiểm tra tiến độ, chất lượng công trình. Nhờ đó, người dân ý thức hơn trong giữ gìn, duy tu, bảo trì các tuyến đường GTNT.



Ông Lưu Trung Kiên - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Văn Yên: 

Thông qua thực hiện đề án phát triển GTNT, năng lực tổ chức thi công từ cấp huyện xuống xã được nâng lên. Các tuyến đường GTNT được rà soát, thi công triển khai bảo đảm vào cấp từ nền đường, độ dày đến chiều rộng đồng thời bám sát định hướng phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. 




Ông Âu Văn Tình - Phó Chủ tịch UBND xã Mai Sơn, huyện Lục Yên: 

Thông qua DDề án phát triển GTNT, nhiều tuyến đường trên địa bàn xã được mở rộng, cứng hóa, thay đổi khang trang, sạch đẹp. Không chỉ góp phần cho nhân dân đi lại thuận tiện, an toàn, các tuyến đường giao thông được kiên cố hóa còn thúc đẩy hoạt động giao thương hàng hóa giảm chi phí, tăng giá thành sản phẩm, giúp phát triển kinh tế - xã hội. 

Nối gần bản xa 

Ông Thào A Páo - Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải: 



Những con đường được cứng hóa, những cây cầu dân sinh với độ bền cao được đầu tư xây dựng thay thế những con đường đất, cây cầu yếu đã góp phần nối liền các thôn, bản, nhân dân, trẻ em đi lại thuận tiện. Đặc biệt, đối với xã vùng cao như Nậm Khắt, GTNT được cứng hóa, hoàn thiện, liên kết trung tâm xã với các thôn, bản đã góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng. Từ đó, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. 

Ông Giàng A Cộng - Trưởng thôn Lao Chải, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải: 



Đối với người dân vùng cao chúng tôi, việc kiên cố hóa đường giao thông đã góp phần nối liền các thôn, bản, khu sản xuất. Trước đây, vào ngày mưa gió, để đi từ nhà ra trung tâm xã hoặc lên đồi thu hoạch ngô, sắn phải mất cả ngày đi bộ, nhưng giờ đường được cứng hóa chỉ cần ngồi trên xe máy mấy phút là tới. Hiệu quả là vậy, nên nhiều khi không có sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân trong thôn vẫn đóng góp tiền mặt để mua xi măng, cát sỏi và tham gia trực tiếp làm đường. Trong 3 năm qua, chúng tôi đã bê tông hóa được 3 km đường rộng 1 mét vào các ngõ ngách và ra khu sản xuất. 

Ông Nông Văn Minh, thôn Trạng, xã Yên Thái, huyện Văn Yên: 



Mấy chục năm nay, chúng tôi chịu cảnh khổ sở với con đường đất lầy lội, bụi bẩn, nắng thì không sao chứ mưa gió thì lầy lội, trơn trượt không đi đâu được. Mong ước có con đường bê tông để con cháu đi lại thuận tiện, hàng hóa nông sản không bị thương lái ép giá nay đã thành sự thật. 


Hùng Cường

Tags Yên Bái đột phá giao thông nông thôn

Các tin khác

Chiều 4/10, đoàn công tác của tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) do ông Albert Tliberg làm trưởng đoàn đã đi thăm mô hình sản xuất quế hữu cơ Việt Nam tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên.

Ảnh minh họa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động tiếp tục thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Theo báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019 do Google, Temasek và Bain & Company vừa công bố, nền kinh tế số tại Việt Nam đạt 12 tỷ USD năm 2019, dẫn đầu khu vực cùng với Indonesia.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ

Nợ công là nguồn lực bổ sung, bù đắp cho bội chi ngân sách nhà nước (NSNN), nhưng mặt khác có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn nợ và an toàn tài chính quốc gia khi vượt giới hạn khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương. Do vậy, kiểm soát chặt chẽ nợ công có vai trò quan trọng trong việc giữ vững ổn định nền tài chính quốc gia.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục