Rộn ràng không khí ngày Tết cổ truyền ở các trường học

  • Cập nhật: Thứ năm, 23/1/2025 | 3:39:02 PM

YênBái - Trong không khí hân hoan đón chào Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm ý nghĩa về ngày Tết cổ truyền. Qua đó, giúp các em học sinh hiểu hơn về những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, góp phần nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong thế hệ trẻ.

Các bé trường Mầm non Minh Huệ nghe cô giáo giới thiệu về ý nghĩa và hướng dẫn cách gói bánh chưng trong ngày Tết cổ truyền
Các bé trường Mầm non Minh Huệ nghe cô giáo giới thiệu về ý nghĩa và hướng dẫn cách gói bánh chưng trong ngày Tết cổ truyền


Trong không khí rộn ràng chào đón mùa xuân mới, cô và trò Trường mầm non Minh Huệ, thành phố Yên Bái tổ chức chương trình Lễ hội mùa xuân với chủ đề "Xuân yêu thương - Tết sum vầy”. Theo đó, cô và trò nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để các bé được tham gia trải nghiệm các hoạt động của ngày Tết cổ truyền của dân tộc như: gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả, trang trí cây đào tết, làm nem, làm mứt tết, làm thiệp... Cùng với đó, các bé được tham gia vào Lễ hội dân gian với nhiều trò chơi dân gian ngày tết như: nhảy sạp, ô ăn quan, nu na nu nống, rồng rắn lên mây, kéo co… và rất nhiều trò chơi dân gian quen thuộc khác.

Bé Đỗ Dương Gia Hân - học sinh lớp 5 tuổi A hào hứng: "Con được cô giáo hướng dẫn, tìm hiểu về các nguyên liệu gói bánh và quy trình gói bánh chưng. Chúng con rửa sạch lá rong rồi lau khô lá, sau đó tự tay bỏ những nguyên vật liệu là: gạo nếp, đỗ xanh và thịt lợn vào khuôn để gói thành chiếc bánh chưng, con rất thích”. 

Cô giáo Thiều Thị Huyền - Hiệu trưởng Trường mầm non Minh Huệ cho hay: Trường có hơn 200 học sinh ở 8 nhóm lớp. Với mong muốn để trẻ được hòa mình trong không khí xuân sang, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ và xây dựng nền tảng cho tình yêu, sự tự hào đối với bản sắc dân tộc, từ rất sớm nhà trường đã chuẩn bị chu đáo các nguyên vật liệu để các con tham gia trải nghiệm các hoạt động đầy sáng tạo và ý nghĩa. Từ đó, giúp trẻ rèn luyện tính tự lập, trách nhiệm, hiểu thêm về giá trị truyền thống và phát triển thẩm mỹ, tư duy sáng tạo”. 

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, nhiều trường học từ bậc mầm non đến trung học phổ thông trong tỉnh đã tổ chức cho học sinh chương trình trải nghiệm Tết cổ truyền dân tộc bằng nhiều hình thức và tên gọi khác nhau như: "Quê hương em đổi mới”, "Gói bánh chưng xanh - Mừng xuân Ất Tỵ”, "Tết xưa”… Các hoạt động được tổ chức đa dạng và phong phú đã tái hiện không gian, phong tục và không khí ngày Tết cổ truyền như: trang trí các gian hàng tết mang đậm bản sắc địa phương, thi gói bánh chưng, thi bày mâm ngũ quả, trang trí hoa đào, cây hồng, tổ chức các trò chơi dân gian, không chỉ thu hút sự tham gia của học sinh mà còn được rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm, ủng hộ. 

Chị Nguyễn Thị Thủy có con học tại Trường THCS Quang Trung chia sẻ: "Nhà trường tổ chức chương trình lễ hội xuân cho con, tôi thấy rất vui và ý nghĩa. Dù công việc những ngày cuối năm rất bận, song chúng tôi cũng cố gắng sắp xếp thời gian để đến vui cùng các con. Các con cũng rất vui, bạn nào cũng trách nhiệm làm và sáng tạo ra các sản phẩm để phục vụ gian hàng Tết của lớp. Phụ huynh chúng tôi rất mong muốn nhà trường thường xuyên tổ chức những hoạt động ý nghĩa như thế này để các con có thêm nhiều hiểu biết về văn hoá, phong tục tập quán của dân tộc”.

Cô giáo Trần Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Lan, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu bộc bạch: "Cho trẻ trực tiếp tham gia trải nghiệm các hoạt động trong ngày Tết cổ truyền chính là cách nhà trường truyền lửa để thế hệ mầm non tiếp nối, gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa của dân tộc. Khi được tự tay thực hành thì những giá trị văn hóa dân tộc mới thực sự thấm sâu và trẻ sẽ cảm nhận trọn vẹn những giá trị cốt lõi của ngày lễ cổ truyền”. 
Nhiều năm qua, bên cạnh lồng ghép giáo dục truyền thống dân tộc qua các môn học, các trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa, chương trình giáo dục địa phương về những nét văn hóa truyền thống, tết cổ truyền của dân tộc. Ngoài ra, nhiều trường học, đơn vị còn tổ chức các chương trình thiện nguyện ý nghĩa, thăm và tặng quà học sinh có hoàn cảnh khó khăn, từ đó giáo dục cho học sinh về truyền thống tốt đẹp "Thương người như thể thương thân”, "Lá lành đùm lá rách” của dân tộc.

Một mùa xuân mới đang về, việc đa dạng hóa các hình thức, nội dung giáo dục về chủ đề Tết Việt đã và đang được các trường học trong tỉnh Yên Bái triển khai phù hợp, linh hoạt giúp các em học sinh có thêm ý thức, trách nhiệm giữ gìn và phát huy tốt hơn những nét đẹp của phong tục cổ truyền của dân tộc Việt Nam. 

Thanh Chi

Tags Yên Bái trường học trải nghiệm Tết

Các tin khác
Sau nghỉ Tết Nguyên đán, Thứ trưởng yêu cầu cần quan tâm việc duy trì sĩ số, nắm được tình hình học sinh quay trở lại trường.

Trong nửa đầu năm học 2024 – 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư về dạy thêm học thêm, quy chế tuyển sinh THCS, THPT được dư luận quan tâm. Một số điểm mới đã tháo gỡ được những khó khăn địa phương đang gặp phải.

Tiếng Anh không chỉ là một ngôn ngữ quốc tế mà còn là chìa khóa mở ra vô số cơ hội trong học tập, công việc và cuộc sống. Tuy nhiên, việc học tiếng Anh hiệu quả đòi hỏi một môi trường phù hợp để bạn thực sự đắm chìm trong ngôn ngữ. Đó chính là lý do tại sao học tiếng Anh ở nước ngoài đang trở thành xu hướng phổ biến.

Học sinh Trường PTDTBT TH&THCS Dế Xu Phình, xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải trong giờ học.

Những năm qua, huyện Mù Cang Chải luôn quan tâm thực hiện công tác phổ cập giáo dục (PCGD), xóa mù chữ (XMC) cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Một số hình ảnh bên lề cuộc thi

SEAMO là kỳ thi uy tín đánh giá năng lực Toán Tiếng Anh toàn cầu dành cho học sinh từ cấp Tiểu học đến Trung học phổ thông do Ban Tổ chức SEAMO Quốc tế điều hành.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục