Đó thực sự là một nhiệm vụ khó khăn, thách thức lớn cho một địa phương có nhiều khó khăn, nhưng cũng là thử thách với những cán bộ có trách nhiệm trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Thiếu kiến thức thì trang bị kiến thức, thiếu kinh nghiệm thì sẻ chia kinh nghiệm, thiếu vốn thì hỗ trợ nguồn vốn... làm tất cả để thúc đẩy sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân và đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế địa phương. Nỗi lo về vốn được tháo gỡ, hàng năm, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành và sự đầu tư nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội tập trung vào phát triển kinh tế nông lâm nghiệp.
Xác định tín dụng chính sách (TDCS) là một trong những giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội.
Vì vậy, Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo Hội Nông dân (HND) xã tập trung quan tâm thực hiện tốt công tác ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện; xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chương trình và kế hoạch hàng năm; là hoạt động thường xuyên của Hội Nông dân xã và địa phương.
Từ đó, HND xã thực hiện tốt công tác tham mưu với Đảng ủy, UBND xã để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động TDCS; tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động, lồng ghép các nguồn lực cho TDCS xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Đồng thời thường xuyên đề ra các giải pháp để thực hiện củng cố, nâng cao chất lượng TDCS xã hội; quan tâm công tác điều tra, rà soát, xác định đối tượng được vay vốn; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay giúp người vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, bảo đảm các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu đều được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.
Tính đến 30/06/2019, xã Tân Nguyên đang triển khai 10 chương trình cho vay ưu đãi, trong đó, chủ yếu là cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; vay để hộ nghèo làm nhà ở... Thống kê cho thấy, doanh số cho vay từ năm 2003 đến nay, đạt 49.071 triệu đồng với 1.504 hộ vay vốn; trong đó, riêng từ năm 2016 đến nay, đã cho vay được 19.315 triệu đồng, với 516 hộ vay vốn.
Là tổ chức chính trị - xã hội đi đầu trong việc nhận ủy thác cho hội viên phát triển kinh tế, đến nay, dư nợ của HND xã Tân Nguyên là 18,7 tỷ đồng với. Từ nguồn vốn của các chương trình TDCS, đã giúp hội viên HND đầu tư mua được hơn 300 con trâu cày kéo và sinh sản, hơn 40 bò nái sinh sản, 200 lợn nái sinh sản, 150 con dê, 24 máy cày bừa cầm tay, phát triển trồng rừng với hơn 1.000 ha.
Hàng năm, mức thu nhập của hộ nghèo được tăng lên, mỗi năm thoát nghèo từ 25 đến 30 hộ, nhiều hộ nghèo có thu nhập cao từ việc phát triển kinh tế đã mua sắm được xe máy, ti vi, đồ gia dụng đắt tiền và xây dựng nhà cửa, cơ sở vật chất khang trang hơn. Nhiều tấm gương thoát nghèo nhờ đồng vốn chính sách như hộ ông La Văn Nam, Vi Văn Chung, Hoàng Xuân Hồng, ông Lý Văn Thân...
Cùng với việc hỗ trợ hội viên vay vốn, HND xã Tân Nguyên còn lồng ghép nhiều chương trình nội dung như trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, bồi dưỡng kiến thức KHKT, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống vào các buổi sinh hoạt và chương trình hoạt động; bám sát chương trình mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương để động viên, khuyến khích hội viên khơi dậy tiềm năng, phát triển kinh tế...
Lê Phiên