Những ngày này, đến các xã vùng cánh đồng Mường Lò, nhà nông tấp nập ra đồng chăm sóc, sản xuất vụ đông. Ông Bùi Văn Minh ở thôn Khá Thượng, xã Thanh Lương cho biết: "Năm nào cũng vậy, cứ thu hoạch xong lúa mùa là gia đình tôi tập trung nhân lực làm ngô đông cho kịp khung thời vụ. Vụ đông năm nay, gia đình tôi trồng 3.600 m2 ngô bằng giống AG59. Sở dĩ, chọn làm ngô đông vì dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, thu hoạch xong dễ bảo quản. Lá thì cho trâu bò ăn, hạt thì phục vụ chăn nuôi, dư thừa thì bán cho thương lái”.
Gia đình ông Đinh Văn Quế cùng thôn Khá Thượng thì năm nay trồng gần 1.000 m2 dưa hấu và 500 m2 ngô nếp.
Ông Quế cho biết: "Trồng cây vụ đông tuy vất vả nhưng bù lại có thu nhập khá. Hàng năm, nếu chỉ trông vào 2 vụ lúa thì cũng chỉ bảo đảm được lương thực, lợi nhuận không đáng kể, nhưng với 1.000 m2 ruộng trồng dưa hấu, gia đình tôi thu hơn 20 triệu đồng. Nhờ làm vụ đông, đã giúp cho chúng tôi có của ăn của để".
Những năm qua, sản xuất vụ đông ở Văn Chấn đều tăng cả về năng suất và sản lượng. Nhờ trồng cây vụ đông, nhiều hộ dân ở Văn Chấn có thu nhập khá. Tính riêng năm 2018, huyện Văn Chấn đưa vào sản xuất được trên 2.659 ha cây vụ đông, sản lượng lương thực vụ đông đạt 6.042,1 tấn, tăng 454,9 tấn so với cùng kỳ; giá trị sản xuất bình quân đạt 30,4 triệu đồng/ha.
Từ sản xuất vụ đông đã đem về cho nông dân trong huyện hơn 80 tỷ đồng; trong đó, cây ngô đạt giá trị 16,38 triệu đồng/ha; cây rau màu đạt giá trị 63,6 triệu đồng/ha; cây khoai lang đạt giá trị 15,52 triệu đồng/ha; cá ruộng đạt giá trị 33,53 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Vụ đông đã trở thành vụ thu nhập chính nâng cao đời sống của người dân vùng Mường Lò. Trong sản xuất vụ đông thì thời vụ đóng vai trò quyết định; do đó, huyện chỉ đạo sát sao là chuyển đổi thời vụ lúa xuân và lúa mùa bằng các giống lúa ngắn ngày để kịp thời vụ làm vụ đông; thường xuyên mở các lớp tập huấn, tư vấn kỹ thuật. Với phương châm "sáng lúa chiều ngô” các xã đã tổ chức khẩn trương thu hoạch lúa mùa sớm để tận dụng thời gian tốt nhất gieo trồng vụ đông. Đến ngày 5/10 chúng tôi đã hoàn thành việc gieo trồng ngô đông trên đất 2 lúa”.
Theo kế hoạch, vụ đông năm nay, huyện Văn Chấn đưa vào sản xuất 2.530 ha cây vụ đông các loại. Trong cơ cấu cây trồng thì ngô đông vẫn giữ vai trò chủ đạo với diện tích 1.730 ha, trong đó, ngô đông trồng trên đất 2 vụ lúa là 1.200 ha tập trung ở cánh đồng Mường Lò. Đây là loại cây trồng được coi là phù hợp vì dễ bảo quản và đầu ra ổn định. Các giống ngô đưa vào sản xuất là các giống lai có tiềm năng năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, chủ lực là DK6919, AG59; GS9989 và các giống tiến bộ kỹ thuật trong cơ cấu giống ngô của tỉnh và ngô nếp MX4, HN88 (chiếm 15 - 20% diện tích) để làm ngô non hàng hóa.
Ngoài ngô đông truyền thống, huyện dự kiến sản xuất 250 ha khoai lang, 500 ha cây rau đậu các loại và 50 ha cá ruộng. Đặc biệt, các xã cũng tập trung phát triển một số loại cây rau màu mới có hiệu quả kinh tế cao như: cà chua, các loại cây rau, đậu, su hào, bắp cải, súp lơ, cà rốt, mướp đắng... và sử dụng các giống tiến bộ kỹ thuật có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Văn Thông