Yên Bái là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn đầu tư cho phát triển rừng. Tuy nhiên, sự quan tâm đầu tư của trung ương thông qua Chương trình dự án 5 triệu ha rừng (Dự án 661 giai đoạn 1997 - 2010), Chương trình bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2015 và đến nay tiếp tục thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững đã, đang là nguồn lực thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp của tỉnh phát triển mạnh, nhất là trồng rừng.
Theo thống kê, bình quân mỗi năm tỉnh trồng mới 1.000 đến 1.500 ha rừng phòng hộ; trồng trên 15.000 ha rừng sản xuất, trong đó, chủ yếu trồng lại rừng sau khai thác. Trong cơ cấu cây trồng thì cây keo chiếm 50% tổng diện tích, bồ đề chiếm 30,7%, mỡ chiếm 5%, bạch đàn chiếm 2,8%, các loại cây gỗ rừng trồng khác chiếm 11,5%.
Đến nay, tỉnh đã hình thành một số vùng sản phẩm hàng hóa sản xuất lâm nghiệp như: vùng quế tại 3 huyện: Văn Yên, Trấn Yên và Văn Chấn; vùng tre măng Bát độ gồm: Trấn Yên, Văn Yên, Yên Bình, Lục Yên; vùng nguyên liệu quả sơn tra (táo mèo) ở Trạm Tấu, Mù Cang Chải; vùng rừng gỗ nguyên liệu phục vụ công nghiệp tại các huyện vùng thấp: Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên, Lục Yên, các xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ, thành phố Yên Bái.
Đặc biệt, để nâng cao năng suất, chất lượng rừng, nhiều địa phương đã tích cực, trồng rừng gỗ lớn theo hướng thâm canh, chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn, chủ động triển khai quản lý giống cây trồng lâm nghiệp.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành mạng lưới sản xuất và cung ứng giống cây trồng lâm nghiệp theo hướng xã hội hóa với nhiều thành phần kinh tế tham gia dưới sự quản lý, giám sát chặt chẽ về chất lượng giống của các cơ quan chức năng.
Hiện nay, tỉnh có 58 cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp và hàng năm sản xuất 90 triệu cây giống đáp ứng cơ bản nhu cầu trồng rừng trong tỉnh. Chất lượng giống từng bước được cải thiện, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả rừng trồng...
Nhờ đó, năng suất rừng sản xuất tăng lên từ 20 - 25% so với những năm trước, tăng trưởng bình quân từ 4 - 5m3/ha. Mỗi năm lượng rừng khai thác và trồng lại 15.000 ha, trữ lượng gỗ lớn 120 - 150m3/ha và gỗ nhỏ 70 - 80 m3/ha.
Tuy nhiên, trong quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp còn gặp nhiều khó khăn và hiện còn khoảng hơn 20% lượng giống cây lâm nghiệp được xuất bán chưa vào kiểm soát. Nhiều người dân mua phải giống cây lâm nghiệp trôi nổi không rõ nguồn gốc nên ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng rừng; giá thành sản xuất cây giống mô, hom còn cao, nguồn giống có chất lượng di truyền cao còn hạn chế; trong nghiên cứu chọn, tạo giống chưa quan tâm đúng mức, đặc biệt là các giống cây bản địa, cây gỗ lớn.
Ông Nguyễn Thái Bình - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: để từng bước nâng cao công tác quản lý giống cây lâm nghiệp, Chi cục tham mưu với UBND tỉnh ra chỉ thị về tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; chú trọng thực hiện quản lý, kiểm tra, giám sát các nguồn giống đưa vào gieo ươm tại các cơ sở trên địa bàn nhằm bảo đảm giống đưa vào trồng rừng có chất lượng tốt, được kiểm soát chặt chẽ, đáp ứng mục tiêu tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.
Dù vậy, một trong những khó khăn trong quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp hiện nay là nhiều vườn ươm đều do người dân tự phát làm theo thời vụ, ươm giống theo kinh nghiệm là chính dẫn đến chất lượng cây kém chất lượng. Hầu hết các vườn ươm do dân tự làm đều sử dụng nguồn hom trôi nổi trên thị trường, có rất ít hộ tạo được vườn giống cây bố mẹ để hái hom, tạo mô.
Để đảm bảo công tác trồng rừng đạt kết quả tốt, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng giống cây trồng lâm nghiệp có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có năng suất, chất lượng tốt cho người dân tham gia sản xuất lâm nghiệp.
Rà soát, đánh giá các nguồn giống cây trồng lâm nghiệp, phối hợp với các viện, trung tâm nghiên cứu và các cơ quan, đơn vị có liên quan lựa chọn những giống cây trồng lâm nghiệp có năng suất cao, chất lượng tốt để đầu tư xây dựng nguồn giống đáp ứng kịp thời nhu cầu về giống phục vụ trồng rừng.
Thông báo, công khai danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp đủ và không đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp để người dân được biết. Quản lý chặt chẽ nguồn gốc giống cây trồng lâm nghiệp từ khâu thu hoạch vật liệu giống, cấp chứng nhận nguồn gốc lô giống, quản lý sản xuất cây con ở vườn ươm, cấp chứng nhận nguồn gốc lô cây con tới khâu lưu thông đến chân lô rừng trồng.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các các đợt kiểm tra, thanh tra chuyên đề về lĩnh vực giống cây trồng lâm nghiệp; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, lưu thông giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Văn Thông