"Cũng trên diện tích này, như trước đây, gia đình tôi trồng theo phương pháp truyền thống, mùa nào rau đấy nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi làm nhà lưới, mình trồng các loại rau không bị sâu bệnh lại còn trồng được rau trái vụ nên cho năng suất, chất lượng, thu nhập cao gấp 2 - 3 lần” - đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Mến ở thôn Minh Tân, xã Minh Tiến, huyện Trấn Yên về mô hình trồng rau trong nhà lưới của gia đình mình.
Với mong muốn nâng cao sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm rau màu để tạo sức cạnh tranh trên thị trường, cuối năm 2018, gia đình chị Mến mạnh dạn đăng ký tham gia Dự án khoa học "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGap tại huyện Trấn Yên”.
Được Dự án hỗ trợ nhà lưới với diện tích 2.200 m2 , gia đình chị Mến đã mạnh dạn đầu tư thêm hệ thống tưới nước tự động trị giá gần 40 triệu đồng. Nhờ những kiến thức từ các lớp tập huấn, kinh nghiệm được tích lũy trong quá trình sản xuất thực tế; đồng thời, áp dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật nên chi phí sản xuất giảm đáng kể, lợi nhuận từ đó tăng lên.
Trong diện tích trên 2.000 m2, chị Mến sắp xếp, bố trí các khu vực gieo cấy hợp lý, bảo đảm trong vườn luôn có đủ các loại rau và có khoảng cách giữa rau mới trồng và rau đến kỳ thu hoạch nên thời điểm nào cũng có rau bán.
Không những vậy, rau được trồng trong nhà lưới còn xanh tốt, phát triển đồng đều hơn rau được trồng theo hướng truyền thống mà chi phí sản xuất thấp do hạn chế được ảnh hưởng từ các yếu tố môi trường, thời tiết, sâu bệnh.
Được nhiều người biết đến là rau an toàn nên rau của gia đình chị Mến sản xuất đến đâu đều bán hết. Qua sản xuất thực tế 1.000 m2 trong 1 tháng chị Mến thu được 1,6 tấn rau. Với giá bán trung bình 12 - 15.000 đồng/kg, tính ra mỗi tháng chị Mến có thu nhập 25 - 30 triệu đồng, sau khi trừ chi phí.
Chị cho biết: "Trồng rau trong nhà lưới chi phí sản xuất cho mỗi vụ giảm từ 60 - 70% so với trước đây và còn trồng được rau trái vụ. Như vụ này, gia đình tôi trồng được cả rau mùng tơi, rau đay, rau dền, rau muống... cho hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, các loại rau phát triển tốt, rút ngắn thời gian sinh trưởng mà lại cho năng suất cao hơn. Cụ thể như rau cải các loại trồng ở ngoài trời, theo phương pháp truyền thống mỗi vụ chỉ trồng được 2 - 3 lứa nhưng trồng trong nhà lưới số lứa tăng gấp đôi, gấp ba”.
Hiện nay, rau của gia đình chị cung cấp cho các bếp ăn tập thể, các trường học trên địa bàn huyện. Sản lượng rau sản xuất ra chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng nên chị Mến đã vận động các chị em trong thôn cùng làm theo và thành lập hợp tác xã.
Đầu năm 2019, Hợp tác xã Rau an toàn Minh Tiến do chị Mến làm Giám đốc ra đời đã thu hút 15 thành viên là chị em phụ nữ trong xã tham gia với vốn điều lệ là 700 triệu đồng.
Từ khi thành lập Hợp tác xã, thay vì sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan như trước đây, các thành viên Hợp tác xã đã cùng liên kết sản xuất rau theo một quy trình nghiêm ngặt từ khi làm đất, lựa chọn cây giống cho tới khi xuất bán ra thị trường. Đồng thời, ứng dụng các tiến bộ khoa học hiện đại vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Hiện tại, Hợp tác xã Rau an toàn Minh Tiến đã quy hoạch vùng sản xuất với tổng diện tích 1 ha, trong đó, có trên 2.200 m2 trong nhà lưới. Qua những lần thu hoạch đầu tiên, sản phẩm rau an toàn của Hợp tác xã đã được thị trường đón nhận, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các thành viên.
Luôn học hỏi và áp dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp như chị Nguyễn Thị Mến và các thành viên Hợp tác xã Rau an toàn Minh Tiến đang hình thành mô hình sản xuất hiện đại, mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân.
Mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới đến nay vẫn là hướng đi mới đối với hầu hết nông dân trên địa bàn huyện Trấn Yên nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung. Do vậy, cần được nhân rộng và phát huy để hướng tới nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra sản phẩm an toàn chất lượng.
Hồng Duyên