Giá lợn hơi vẫn đang theo xu hướng tăng dẫn đến giá thịt lợn tại các chợ trên địa bàn thành phố Yên Bái cũng tăng theo, mức tăng cao nhất từ trước đến nay.
Chị Đỗ Thị Tuyến - một tiểu thương bán thịt lợn lâu năm ở chợ Nguyễn Thái Học cho biết: "Chúng tôi đang bắt lợn hơi có giá từ 73.000 - 74.000 đồng/kg nên phải bán ra mức cao nhất là 130.000 đồng/kg đối với mông sấn, ba chỉ... Giá cao nên sức mua rất chậm, các bà nội trợ cũng xoay xở nhiều kiểu để lo bữa ăn cho gia đình”.
Gia đình chị Lê Thị Trà ở phường Nam Cường có hai vợ chồng, hai con trai. Cả hai vợ chồng chị làm nghề tự do, thu nhập hàng tháng không ổn định. Thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày của nhà chị chủ yếu có thịt lợn nhưng chừng một tháng nay đã thay đổi vì giá thịt lợn tăng quá nhanh.
Chị Trà chia sẻ: "Phải tính toán để làm sao vẫn có thức ăn mặn mà không thâm hụt nhiều đến thu nhập hàng tháng. Từ ngày giá thịt lợn tăng cao, tôi thường tranh thủ đi chợ bến đò từ sáng sớm để mua cá, thường là cá rô phi đơn tính, cá mè... Nếu trước chỉ ăn cá hai ngày mỗi tuần thì giờ tôi tăng lên năm ngày. Có điều là cũng phải dành thời gian để chế biến cho hợp khẩu vị của mọi người”.
Cũng theo chị Trà thì riêng thịt bò, thịt gà vẫn giá cao nên chỉ ưu tiên dành cho cậu út đang tuổi mẫu giáo đổi bữa. Vợ chồng bà Phạm Thị Thanh ở phường Yên Ninh đều đã nghỉ hưu, không sống cùng con cháu. Hàng ngày, bữa ăn của hai ông bà cũng đơn giản.
Bà Thanh nói: "Lúc này giá thịt lợn cao quá, tôi chuyển sang ăn cá nhiều hơn, ăn gà công nghiệp, còn thịt bò duy trì mỗi tuần một bữa. Các cụ mình nói "khéo ăn thì no”, mong là nhanh qua giai đoạn này, giá thịt lợn quay về như lúc trước”.
Thịt lợn lâu nay vốn là nguồn thực phẩm chính trong bữa ăn hàng ngày của phần lớn các gia đình, một phần do giá cả phải chăng, một phần do có thể chế biến được thành nhiều món khác nhau và phù hợp với khẩu vị của nhiều người. Bởi vậy, giá thịt lợn tăng cao thời gian qua vì nguồn cung cấp lợn hơi khan hiếm do bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn tỉnh đã khiến người tiêu dùng, các bà nội trợ phải tính toán chi tiêu phù hợp.
Thực tế việc thay đổi, đa dạng các nguồn thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày không phải không được người nội trợ biết tới nhưng phụ thuộc rất lớn vào thu nhập của từng gia đình. Hơn nữa, sự tăng giá của các mặt hàng thiết yếu thông thường sẽ ảnh hưởng trực tiếp và lớn hơn đến các gia đình có mức thu nhập trung bình và thu nhập thấp.
Chị Trần Huyền Trang - nhân viên một cửa hàng bán điện thoại di động trên đường Thành Công cho biết: "Không phải không có các loại thực phẩm khác để thay thế khi thịt lợn tăng giá. Nhưng rõ ràng kể cả lúc thịt lợn chưa tăng giá như hiện nay thì thịt bò, thịt gà, thịt trâu… cũng đều đã ở mức giá cao hơn thịt lợn. Vì vậy, để bảo đảm chi phí sinh hoạt trong một tháng, tôi phải lựa chọn các loại thực phẩm khác rẻ hơn như trứng vịt, tép riu…”.
Còn các hộ gia đình có thu nhập ổn định hơn, khá hơn thì mọi chuyện cũng có hướng giải quyết khác. Hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu Hương và cô con gái sống cùng ông bà nội ở phường Nguyễn Thái Học.
Chị Hương cho biết anh chị cùng làm việc tại một công ty thuộc lĩnh vực xây dựng nên mức thu nhập khá ổn: "Với mức thu nhập của hai vợ chồng tôi như hiện nay thì giá thịt lợn tăng cũng không có nhiều ảnh hưởng lắm. Tuy nhiên, tôi có giảm bớt đi một chút khoản mua các loại hoa quả ăn hàng ngày”.
Trong khi nguồn thu nhập giữ nguyên, giá thịt lợn lại tăng cao, tăng nhanh nên người tiêu dùng, nhất là các bà nội trợ phải tính toán để có bữa ăn hợp lý, bảo đảm dinh dưỡng, sức khỏe cho cả gia đình.
Nguyễn Thơm