Xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên là "thủ phủ” của vùng măng tre Bát độ, với diện tích trên 1.600 ha, toàn xã có trên 70% hộ dân trồng tre măng. Bình quân mỗi năm, toàn xã thu trên 30 ngàn tấn măng tươi, cho thu nhập trên 50 tỷ đồng.
Không chỉ có diện tích lớn, sản lượng cao, mà đây còn là xã điển hình trong thực hiện mô hình liên kết trong sản xuất măng tre của tỉnh từ giai đoạn trồng đến thu mua sản phẩm. Với vai trò hạt nhân trong chuỗi giá trị sản phẩm măng tre Bát độ, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành liên kết với Công ty cổ phần Yên Thành, huyện Yên Bình trong việc trồng, chăm sóc và thu mua sản phẩm.
Ông Trần Ngọc Sử - Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành cho biết: "Tham gia chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm măng tre Bát độ đã góp phần nâng cao về giá trị sản phẩm, sản lượng thu hoạch cho các thành viên và nông dân. Cụ thể, giá trị sơ chế tại HTX tăng hơn 30% so với việc bán sản phẩm theo hình thức truyền thống và sản lượng bình quân trên một diện tích canh tác tăng thêm 20% so với trước đây”.
Công ty cổ phần Yên Thành là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu nông, lâm sản. Từ đầu năm 2019 đến nay, Công ty xuất khẩu hơn 10.000 m3 gỗ bóc và 2.000 tấn măng tre Bát độ. Điều đáng nói là toàn bộ số sản phẩm xuất khẩu của Công ty được thực hiện theo mô hình liên kết chuỗi giá trị từ trồng trọt - chế biến - đến tiêu thụ sản phẩm.
Cụ thể, Công ty đã ký hợp đồng liên doanh, liên kết và tiêu thụ sản phẩm với 4 HTX trên địa bàn hai huyện Trấn Yên và Yên Bình để đầu tư vật tư, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu mua sản phẩm thông qua HTX. Với hình thức liên kết này, doanh nghiệp đã xây dựng được vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng và tre măng Bát độ hơn 1.000 ha tại các huyện: Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên, Văn Chấn…
Nhờ mô hình liên kết này mà doanh nghiệp có đủ nguồn nguyên liệu để sản xuất, còn các HTX và người nông dân yên tâm khi có thị trường đầu ra ổn định. Ông Nguyễn Đức Dũng - Giám đốc Công ty cổ phần Yên Thành cho biết: "Liên kết trong sản xuất trồng, chế biến măng tre Bát độ thì đôi bên cùng có lợi. Người nông dân không phải lo tìm đầu ra cho sản phẩm, còn doanh nghiệp chúng tôi có điều kiện phát triển, tạo ra lượng hàng hóa lớn bảo đảm yêu cầu xuất khẩu”.
Nhờ chiến lược phát triển đúng đắn, liên kết với nông dân và các HTX để khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu và mở rộng thị trường, Công ty cổ phần Yên Thành ngày càng khẳng vị thế trên thương trường.
Doanh thu năm 2018, Công ty đạt 114 tỷ đồng, trong đó, doanh số xuất khẩu 3,7 triệu USD; sản phẩm măng Bát độ xuất khẩu trực tiếp 100% sang thị trường Nhật Bản và Đài Loan; sản phẩm gỗ dán xuất khẩu trực tiếp 50% sản lượng; tạo việc làm ổn định cho gần 300 lao động với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng, nộp ngân sách Nhà nước trên 1 tỷ đồng/năm.
Tại tỉnh Yên Bái, những năm gần đây, đặc biệt là từ khi triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh đã tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ trương, các đề án, chính sách hỗ trợ đến mọi tầng lớp nhân dân; qua đó, nhận thức của người dân trong phát triển sản xuất nông nghiệp thay đổi từ quảng canh sang thâm canh; từng bước hình thành các vùng trồng trọt, chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa.
Đây là những tiền đề cơ bản tạo điều kiện cho việc nhân rộng các mô hình liên kết trong sản xuất giữa 4 nhà có hiệu quả. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Yên Bái đã triển khai xây dựng được 12 dự án theo chuỗi giá trị.
Đến nay, tỉnh đã hình thành một số chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp như: chuỗi ong mật Mù Cang Chải, chuỗi dâu tằm tơ Trấn Yên, chuỗi gà Minh Dư, chuỗi tre măng Bát độ huyện Trấn Yên, chuỗi bưởi Đại Minh, chuỗi gỗ keo Yên Bình, chuỗi lúa chất lượng cao Nghĩa Lộ…
Tuy nhiên, so với những tiềm năng, thế mạnh của địa phương thì Yên Bái vẫn còn ít mô hình liên kết, đặc biệt là liên kết theo chuỗi giá trị. Nguyên nhân là do còn ít doanh nghiệp tham gia vào sản xuất nông nghiệp; một số sản phẩm nông sản chưa đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn; năng lực xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án chuỗi giá trị còn nhiều hạn chế...
Ông Trần Thế Hùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết: thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để người sản xuất hiểu về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sản xuất theo chuỗi giá trị; thực hiện tốt các cơ chế, chính sách để thu hút, mời gọi các doanh nghiệp đầu mối tham gia liên kết sản xuất nông nghiệp để giải quyết thị trường đầu ra cho sản phẩm; thúc đẩy thực hiện chính sách hỗ trợ hợp tác xã sản xuất đầu vào để chứng nhận được chất lượng, sản phẩm bảo đảm an toàn, được công nhận chất lượng và có nhãn hiệu, nhãn mác theo tiêu chuẩn quy định.
Rõ ràng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là xu hướng tất yếu đối với sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập, cũng như tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện nay. Việc tổ chức liên kết theo cách làm mới của ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái kỳ vọng sẽ tạo ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn; xây dựng được nhãn hiệu đưa sản phẩm nông nghiệp có chỗ đứng trên thị trường, góp phần tăng thu nhập cho người dân và lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Hồng Duyên