Cơ cấu lại nền kinh tế: Đồng bộ, hiệu quả trên 3 trụ cột

Bài 2: Động lực cho tăng trưởng của Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/12/2019 | 7:55:40 AM

YênBái - Giai đoạn 2016 - 2019, tốc độ tăng GRDP (giá so sánh 2010) bình quân của tỉnh đạt 6,34%/năm. Năng suất lao động năm 2019 là 37,01 triệu đồng/người; tốc độ tăng năng suất lao động năm 2019 là 6,29%.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chung niềm vui với cán bộ, nhân dân trong ngày thông xe cầu Bách Lẫm (30/6/2018). (Ảnh: T.L)
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chung niềm vui với cán bộ, nhân dân trong ngày thông xe cầu Bách Lẫm (30/6/2018). (Ảnh: T.L)


Cơ cấu đầu tư theo ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng vốn đầu tư cho ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản và ngành dịch vụ; giảm tỷ trọng vốn đầu tư ngành công nghiệp - xây dựng. Tỷ trọng vốn đầu tư cho ngành nông, lâm nghiệp thủy sản tăng từ 4,9% năm 2016 lên 5,19% năm 2019; tỷ trọng vốn đầu tư ngành công nghiệp - xây dựng giảm từ 29,3% năm 2016 xuống còn 28,32% năm 2019. 

Nguồn sinh khí mới từ cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã mang đến cơ hội phát triển cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân Yên Bái. Từ định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực và từng bước phát triển sản xuất hàng hóa, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững ở vùng cao và phát triển, mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở vùng thấp. 

Yên Bái đã hình thành được một số vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, giá trị cao như: vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao 3.000 ha (tăng 500 ha so với năm 2015), duy trì vùng ngô tập trung 15.000 ha, vùng trồng dâu nuôi tằm tập trung hơn 500 ha, vùng cây ăn quả 8.700 ha (trong đó, cây ăn quả có múi 4.300 ha); diện tích chè 7.800 ha; tre măng Bát độ trên 6.000 ha; quế gần 70.000 ha; sơn tra trên 8.300 ha; vùng gỗ nguyên liệu 180.000 ha... 

Xây dựng được một số sản phẩm nông nghiệp đặc sản, đặc trưng, có thương hiệu gắn với chế biến với tiêu thụ như: quế Văn Yên, bưởi Đại Minh, cam Văn Chấn, cam Lục Yên, chè Suối Giàng, gạo nếp Tú Lệ, gạo Mường Lò, cá Thác Bà… 

Thực tế, các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã khơi dậy tinh thần chủ động vươn lên thoát đói nghèo của người dân, được nhân dân phấn khởi đón nhận. Nông dân Yên Bái từ vùng thấp đến vùng cao đã và đang dần chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp từ lối làm ăn tự túc tự cấp sang lối làm ăn theo cơ chế thị trường. 

Đến nay, toàn tỉnh đã trồng mới được 6.130,4 ha quế theo đề án phát triển cây quế; 4.260,7 ha sơn tra theo đề án phát triển cây sơn tra; đã trồng mới 521 ha chè theo đề án phát triển chè vùng cao; đóng mới được 1.404 lồng cá, hỗ trợ cho các cơ sở đủ điều kiện nuôi cá bằng quây lưới eo ngách, có diện tích mặt nước với 35.000 m2 lưới theo đề án phát triển nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ cải tạo 20,7 ha ruộng kém hiệu quả sang đào ao, nuôi cá; hỗ trợ trồng mới được 1.921,1 ha tre măng Bát độ; trồng mới được 370 ha dâu tằm; thụ tinh nhân tạo trâu, bò cái sinh sản được 12.000 liều phối theo đề án phát triển chăn nuôi; hỗ trợ 426 cơ sở chăn nuôi trâu bò quy mô 10 con/cơ sở; hỗ trợ 121 cơ sở chăn nuôi lợn nái sinh sản có quy mô 15 con trở lên/cơ sở; hỗ trợ 312 cơ sở chăn nuôi gia cầm có quy mô từ 1.000 con trở lên/cơ sở... 

Chính sách kích cầu phát triển nông nghiệp phù hợp đã góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững ở những vùng khó khăn và đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa ở những vùng có điều kiện. Bước đầu đã thu hút được các thành phần kinh tế tham gia phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn như: Tập đoàn NipponZoki Nhật Bản đầu tư dự án chăn nuôi thỏ công nghệ cao; Công ty Vạn Đạt thu mua, chế biến măng tre Bát độ; Công ty Tằm tơ Yên Bái; dự án đầu tư trồng, phát triển và chế biến cây dược liệu màng tang của Công ty cổ phần Đầu tư An Sơn; các dự án đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn nái và lợn thịt siêu nạc chất lượng cao an toàn sinh học... Một số doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã đầu tư vào các hoạt động nuôi trồng, chế biến nông, lâm nghiệp, thủy sản…

Bên cạnh sự khởi sắc của ngành nông nghiệp, sự phát triển đúng định hướng, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh của ngành công nghiệp, dịch vụ những năm gần đây cho phép tỉnh Yên Bái thu hút được nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, trong đó, có một số dự án lớn đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư như: dự án đầu tư công viên văn hóa, thể thao du lịch và phụ trợ Hồ Thác Bà của Công ty cổ phần đầu tư công viên văn hóa, thể thao, du lịch và phụ trợ hồ Thác Bà - thành viên Tập đoàn AlphaNam, với tổng vốn đầu tư 4.980 tỷ đồng, tổng diện tích 2.594,42 ha.

Dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng phức hợp Quốc tế Vân Hội của Công ty cổ phần Phát triển du lịch và Nghỉ dưỡng quốc tế Vân Hội (thuộc Tập đoàn TH), tổng vốn đầu tư 2.700 tỷ đồng; Dự án khu sản xuất, chế biến lâm sản tập trung của Công ty cổ phần Tập đoàn Cường Thịnh Thi, tổng vốn đầu tư 1.410 tỷ đồng, diện tích 15,14 ha, bao gồm nhà máy sản xuất gỗ ván MDF-HDF công suất 150.000 m3/năm.

Nhà máy sản xuất gỗ ván ép công suất 50.000 m3/năm và các hạng mục phụ trợ; nhà máy sản xuất hạt nhựa, nhựa kỹ thuật cao và các sản phẩm nhựa của Công ty cổ phần Polyfill, tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng, công suất 450.000 tấn/năm.

Nhà máy sản xuất hạt nhựa và các sản phẩm nhựa của Công ty cổ phần Công nghiệp EP, tại Khu Công nghiệp phía Nam, tổng vốn đầu tư 300 tỷ đồng, công suất 450.000 tấn/năm; nhà máy sản xuất hạt nhựa và các sản phẩm nhựa EUROSTARK của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nhựa gỗ châu Âu, tại Khu công nghiệp phía Nam, tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng, công suất 50.000 tấn/năm.

Nhà máy chế biến đá xẻ, bột đá trắng và viên nén năng lượng xanh Yên Bái của Công ty cổ phần Khoáng sản năng lượng xanh Yên Bái tại Khu Công nghiệp phía Nam, tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng; dự án xây dựng nhà máy sản xuất chế biến các loại trà từ dược liệu và sơ chế dược liệu của Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại Phú Hưng Yên Bái, tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng, quy mô 1,7 ha, công suất thiết kế 9.500 tấn sản phẩm... 

Được biết, tỉnh cũng đã chấp thuận chủ trương nghiên cứu, khảo sát để đề xuất thực hiện dự án của các tập đoàn, tổ chức kinh tế lớn như: dự án sản xuất pin mặt trời và dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển NEVN - Hà Nội; đầu tư xây dựng tại khu vực Hồ Thác Bà của Công ty cổ phần Dịch vụ cáp treo Fansipan Sapa (thuộc tập đoàn Sungroup); đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Bảo Hưng và Cụm công nghiệp Minh Quân của Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng công nghiệp Bảo Hưng; dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Minh Quân của Công ty cổ phần Đồng Tâm Yên Bái...

Năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 12.000 tỷ đồng, tăng 24,1% so với năm 2018. Chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh 9 tháng đầu năm 2019 tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2018. Một số sản phẩm có chỉ số sản xuất tăng cao như: quặng sắt tăng 18,6%; đá Block tăng 24,6%; tinh bột sắn tăng 1,39 lần; sản xuất chè đen tăng 14,9%; gỗ dán tăng 1,07 lần; sơn, véc - ni tăng 1,91 lần; xi măng tăng 20,1%; bột đá tăng 36,8%; sản xuất cấu kiện lắp sẵn bằng kim loại tăng 1,57 lần; điện thương phẩm tăng 14,3%; nước sinh hoạt tăng 6,0%. Hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư phát triển dịch vụ, du lịch, tập trung vào những ngành dịch vụ có lợi thế của tỉnh. 

Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2019 tăng 37,2%; xuất khẩu hàng hóa ước tăng 30,3%; doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 420 tỷ đồng, thu hút khoảng 700.000 lượt du khách, tăng 33% so với năm 2018. 

Đề án cơ cấu lại ngành công nghiệp tỉnh Yên Bái xác định công nghiệp là khâu đột phá, cơ cấu lại một số ngành đảm bảo công suất chế biến phù hợp với khả năng cung cấp nguyên liệu, thu hút các dự án đầu tư mới với công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại, tiên tiến; chú trọng phát triển các sản phẩm mới, phát triển công nghiệp phụ trợ. 

Mục tiêu chung của cơ cấu lại ngành công nghiệp là phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo, chế biến sâu, chế biến tinh các sản phẩm; nâng tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu, chất lượng cao từ 20% hiện tại lên 30% vào năm 2020 và 45% vào năm 2025. 

Bám sát chủ đề của năm là "Tiếp tục đẩy mạnh ba đột phá chiến lược; tích cực thu hút đầu tư; thúc đẩy khởi nghiệp; thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững; tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp", tỉnh chỉ đạo tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế một cách đồng bộ, hiệu quả trên 3 trụ cột: nông, lâm nghiệp, công nghiệp và thương mại, dịch vụ theo đúng quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; đặc biệt chủ động thực hiện hiệu quả vào các hoạt động trong khuôn khổ chương trình hợp tác hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Yên Bái - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh nhằm khẳng định mong muốn, khát vọng của Yên Bái trong việc đóng góp chung vào sự phát triển của khu vực và của tỉnh. Đẩy mạnh tốc độ phát triển đô thị hóa gắn chặt với XDNTM... 

Nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế được tỉnh định hướng gắn với tăng trưởng xanh và đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn 7,3%; tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người trên 40 triệu đồng.

Minh Thúy

Tags Động lực cho tăng trưởng Yên Bái

Các tin khác

Vụ đông năm 2019 - 2020, nông dân thị xã Nghĩa Lộ trồng trên 7 ha cây cà chua. Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ và phát triển nông nghiệp thị xã đã xây dựng và thực hiện 0,1 ha mô hình trồng cây cà chua ghép trên gốc cà tím trên địa bàn phường Cầu Thia, phường Tân An. Bước đầu mô hình được đánh giá tốt, phù hợp với đồng đất Nghĩa Lộ.

Số lợn tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi tuy chỉ chiếm 6% tổng đàn nhưng tổng đàn lợn toàn tỉnh hiện thiếu hụt khoảng 12%. Nguyên nhân là tại các địa phương có dịch chưa qua 30 ngày, người dân không được tái đàn.

Ảnh minh họa

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành một loạt quyết định về các mức lãi suất tiền gửi của các tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước tại NHNN.

Ảnh minh họa

Sau khi giảm giá ở các phiên giao dịch trước đó, ngày 4/12, giá vàng và USD bất ngờ tăng vọt trở lại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục