Ông Đàm Duy Đức - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: "Bệnh dịch tả lợn châu Phi (BDTLCP) lần đầu xuất hiện tại tỉnh Yên Bái vào tháng 5/2019. Do bệnh này chưa có vắc - xin, chưa có thuốc chữa, tỷ lệ chết cao, khiến tổng đàn lợn của tỉnh giảm đáng kể. Đến ngày 3/12, BDTLCP đã xuất hiện ở 5.190 hộ; 526 thôn, bản, tổ; 124 xã, phường, thị trấn của 9/9 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số lợn mắc bệnh buộc tiêu hủy gần 27.980 con, trọng lượng trên 1,2 triệu tấn, chiếm 6% tổng đàn lợn toàn tỉnh”.
Cũng theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, trong những năm gần đây, sản lượng thịt gia súc, gia cầm trong tỉnh liên tục tăng trưởng dương, năm sau tăng cao hơn năm trước. Tuy nhiên, từ tháng 5/2019 đến nay, trong bối cảnh BDTLCP hoành hành và có diễn biến phức tạp thì sản lượng thịt lợn hơi giảm đáng kể. BDTLCP đã khiến số lượng lợn tiêu hủy chiếm 6% tổng đàn; tuy nhiên, đàn lợn toàn tỉnh thiếu hụt khoảng 12%, trong đó, có 6% là do không thể tái đàn tại các địa phương có dịch chưa qua 30 ngày. Toàn tỉnh vẫn còn 59 xã đang còn dịch; do đó, cần khẩn trương khống chế hoàn toàn dịch; kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ lợn, các hoạt động mua bán vận chuyển lợn thịt, lợn giống, các sản phẩm từ lợn ra vào địa bàn không có nguồn gốc.
Nhờ áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và thực hiện hiệu quả khâu phòng, chống dịch bệnh nên đến thời điểm này, 16 trang trại chăn nuôi lợn quy mô từ 500 con lợn nái và 1.000 lợn thịt trở lên với tổng đàn trên 38.670 con, chiếm gần 10% tổng đàn lợn toàn tỉnh vẫn an toàn với BDTLCP.
Để đứng vững trước BDTLCP thì chăn nuôi an toàn sinh học đang là giải pháp được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, với đặc thù toàn tỉnh có 55% số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, việc áp dụng an toàn sinh học còn nhiều khó khăn. Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tổ chức các hội nghị tập huấn, hướng dẫn người dân các biện pháp nuôi lợn an toàn.
Cùng đó, các hộ chăn nuôi cần thực hiện nghiêm ngặt vệ sinh chuồng trại; yêu cầu về con giống đảm bảo có nguồn gốc, xuất xứ và an toàn dịch bệnh; thức ăn, nước uống, xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo vệ sinh theo quy định của thú y. Từ đó, bảo vệ tốt đàn lợn hiện có và là cơ sở để tái đàn.
Theo Cục Thống kê tỉnh, hiện nay, đàn lợn toàn tỉnh vẫn duy trì ở mức trên 440.000 con. Đến thời điểm tháng 10, đàn lợn nái còn trên 52.300 con, lợn đực giống là trên 1.200 con; toàn tỉnh có 27 điểm truyền tinh nhân tạo và 1 tháng sử dụng hết 500 liều tinh.
Do đó, khả năng tái đàn tại chỗ rất khả quan. Để bù đắp những thiếu hụt cho chăn nuôi lợn, các địa phương sẽ thực hiện tái đàn sau khi hết dịch theo đúng hướng dẫn; tái đàn ít nhất sau 30 ngày kể từ khi hết dịch; thực hiện tái đàn một cách thận trọng với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi tái đàn được 30 ngày, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu âm tính với BDTLCP, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng 100%.
Cùng đó, tại các xã chưa phát sinh dịch bệnh, các cơ sở chăn nuôi chủ động được con giống tại chỗ vẫn duy trì sản xuất trong nội bộ trang trại. Đối với các địa phương đã công bố hết dịch, cần kiểm soát tốt tránh dịch phát sinh trở lại. Người chăn nuôi phải khai báo với chính quyền địa phương khi tái đàn, chỉ nhập con giống tại các cơ sở có uy tín an toàn dịch bệnh như: Công ty TNHH lợn giống DABACO Lương Tài; Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương; Công ty Giống lợn Tam Đảo - Tổng Công ty Chăn nuôi và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Công ty TNHH Đầm Mỏ, Công ty TNHH 1 thành viên chăn nuôi Hòa Yên...
Trên thực tế thì 100% các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học đều an toàn trước dịch bệnh; do đó, để chăn nuôi lợn phát triển ổn định cần nghiên cứu, xem xét, cân nhắc việc tái đàn lợn gắn với chăn nuôi an toàn sinh học.
Cùng đó, tỉnh, ngành cần nghiên cứu các phương án để thúc đẩy hình thức liên kết chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ khâu nguyên liệu đầu vào (thức ăn, con giống, thuốc thú y...) cho đến sản phẩm đầu ra và tiêu thụ sản phẩm (giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm). Chăn nuôi lợn theo hình thức liên kết chuỗi khép kín, sẽ cho ra sản phẩm không những truy xuất rõ được nguồn gốc mà đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tối ưu.
Hồng Duyên