Vùng cao Yên Bái tập trung biện pháp chống rét cho gia súc

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/12/2019 | 8:02:10 AM

YênBái - Dự trữ nguồn thức ăn cho trâu, bò; vận động bà con nhốt trâu bò trong chuồng che kín, không thả rông gia súc, đó là những việc làm mà ngành nông nghiệp, chính quyền, người dân các địa phương đang tích cực triển khai để giúp đàn gia súc vượt qua giá rét...

Người dân huyện Mù Cang Chải đưa trâu, bò về nuôi nhốt để tiện chăm sóc.
Người dân huyện Mù Cang Chải đưa trâu, bò về nuôi nhốt để tiện chăm sóc.

Những ngày qua, ở huyện Mù Cang Chải trời trở rét, sương mù, mưa sương bao phủ, nhất là các xã vùng cao. Chị Giàng Thị Chù ở bản Nậm Khắt, xã Nậm Khắt cho biết: "Trời rét lắm! Được cán bộ xã tuyên truyền, vận động, mình đã đưa trâu về nhà để đốt lửa sưởi ấm; đồng thời, cho  ăn đủ thức ăn rơm rạ và giữ ấm bằng che chắn chuồng trại. Mình chỉ mong 2 con trâu của gia đình không bị ảnh hưởng khi thời tiết rét đậm, rét hại”. 

Ông Thào A Páo - Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt cho biết: hiện, toàn xã có đàn trâu trên 1.640 con, bò gần 470 con. Để chủ động phòng, chống đói rét cho đàn gia súc, ngay từ đầu mùa rét, xã đã giao trách nhiệm cho bí thư chi bộ, trưởng các thôn, bản bám sát địa bàn khẩn trương áp dụng các biện pháp chống rét, chống đói cho gia súc; đồng thời, cập nhật diễn biến thời tiết để kịp thông tin cho bà con biết. Cán bộ thôn tập trung tuyên truyền, vận động bà con áp dụng mọi biện pháp phòng chống đói rét cho gia súc nhằm giảm thiểu thiệt hại tới mức thấp nhất. 

Theo thống kê, huyện Mù Cang Chải hiện có tổng đàn gia súc chính là 69.000 con, trong đó đàn trâu 14.100 con, đàn bò 6.800 con. Được biết, để chủ động chống rét, ngay từ tháng 6/2019, huyện đã xây dựng phương án chống rét cho gia súc. 

Tính riêng năm 2019, huyện làm mới được 700 chuồng nuôi đại gia súc, trồng mới 54 ha cỏ voi, làm 6.753 cây, lều lán rơm để dự trữ thức ăn cho gia súc. Ngoài ra, mỗi xã còn trồng từ 3 - 5 ha ngô dày bằng hạt thương phẩm để dự trữ thức ăn cho gia súc. 

Ông Phạm Tiến Lâm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: từ đầu tháng 12 đến nay, trên địa bàn đã xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Để chủ động phòng tránh rét đậm, rét hại, Phòng đã có công văn đề nghị các cơ quan, đơn vị phụ trách xã, cơ quan chuyên môn đảng ủy, UBND các xã, thị trấn khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống rét đậm, rét hại cho cây trồng, vật nuôi.

Tại huyện vùng cao Trạm Tấu, do không khí lạnh tăng cường, những ngày qua nhiệt độ xuống thấp và ở một số đỉnh núi cao của các xã: Xà Hồ, Bản Công còn xuất hiện băng tuyết. Những ngày này, thông tin về diễn biến thời tiết rét đậm, rét hại và cách thức chăm sóc đàn gia súc luôn được phát trên loa truyền thanh ở các thôn, bản. Do đó, ý thức của người dân trong việc bảo vệ đàn gia súc đã được nâng lên đáng kể. 

Anh Giàng A Thắng, xã Bản Công cho biết: "Nhờ được cán bộ xã tuyên truyền, vận động nuôi nhốt và kỹ thuật chăm sóc nên khi mùa đông gió lạnh, gia đình tôi đã sửa sang, che chắn chuồng trại, dự trữ rơm, rạ và các nguồn thức ăn khác cho đàn trâu của mình”. 

Ông Nguyễn Thành Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu cho biết: để chủ động chống rét cho đàn vật nuôi, Phòng đã cử cán bộ trực tiếp xuống các thôn, bản hướng dẫn người dân cách chống rét cho trâu, bò, tăng cường che chắn chuồng trại; cho trâu bò uống nước muối ấm, cho ăn cám, đốt lửa sưởi ấm cho trâu, bò; vận động người dân không chăn thả trâu, bò vào ngày giá rét; theo dõi sát diễn biến thời tiết, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thông tin đại chúng để thông báo kịp thời và hướng dẫn các biện pháp xử lý phù hợp...

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có tổng đàn gia súc chính trên 566.100 con; trong đó, đàn trâu là 95.800 con; đàn bò là 30.300 con. Để phòng chống rét và giảm thiểu thiệt hại trong chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn bà con phương thức chủ động đối phó, đặc biệt chú trọng khu vực vùng cao. 

Theo đó, Sở yêu cầu các địa phương thành lập các đoàn công tác về các thôn, bản kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo chống rét cho gia súc; hướng dẫn người chăn nuôi chủ động nguồn thức ăn, đảm bảo cung cấp thức ăn tại chuồng, không để trâu, bò bị đói, khát; nhốt trâu, bò tại chuồng, không chăn thả trâu, bò khi nhiệt độ xuống thấp dưới 12 độ C và cho gia súc nghỉ làm việc; giữ khô nền chuồng, che chắn tránh gió lùa, làm áo khoác giữ kín, giữ ấm, tạo nguồn nhiệt (đốt trấu, củi) sưởi ấm cho trâu, bò; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, xử lý xác gia súc chết và chất thải vật nuôi theo quy định. 

Đồng thời, phổ biến, hướng dẫn người chăn nuôi củng cố, che chắn chuồng trại, giữ ấm cho gia súc bảo đảm vệ sinh chuồng nuôi khô ráo; vận động và yêu cầu mỗi gia đình chăn nuôi trâu, bò phải có chuồng đủ ấm và ít nhất một cây rơm, rạ, cỏ khô đảm bảo cho ăn bình quân 5 - 7 kg/con/ngày hoặc thức ăn khô dự trữ khác từ phụ phẩm nông nghiệp sử dụng trong những ngày giá rét. 

Văn Thông

Tags Chống rét cho gia súc đốt trấu sưởi ấm Nậm Khắt Mù Cang Chải Trạm Tấu Xà Hồ Bản Công

Các tin khác
Ảnh minh họa

Bộ Tài chính trình Chính phủ giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng sữa từ 2 - 5% nhằm góp phần giảm giá sữa, tạo điều kiện mọi đối tượng nâng cao sức khỏe, cải thiện tầm vóc Việt, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, tăng tính cạnh tranh.

Mỹ chính thức áp thuế hơn 450% với một số sản phẩm thép nhập từ Việt Nam. Ảnh minh họa

Vào ngày 16-12, Bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa ra quyết định khi áp mức thuế cuối cùng với tỉ lệ 456% lên sản phẩm thép đến từ Việt Nam.

Chiều 17/12, UBND tỉnh làm việc với lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và huyện Trấn Yên để triển khai kế hoạch tổ chức Lễ khởi công xây dựng công trình cầu Cổ Phúc, huyện Trấn Yên.

Ảnh minh họa

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 94/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục