Tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 4.098 tỷ đồng, tăng 4,75% so với cùng kỳ, đóng góp 21,42% trong cơ cấu tổng sản phẩm của tỉnh. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 7.204 tỷ đồng, tăng 4,75% so với cùng kỳ; các chỉ tiêu chủ yếu của ngành cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra.
Cụ thể, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 314.162 tấn, tăng hơn 6.669 tấn so với năm 2018; sản lượng chè búp tươi 75.000 tấn, tăng 9.000 tấn so với năm 2018, trong đó, sản lượng chè búp tươi chất lượng cao đạt 18.724 tấn, tăng trên 3.000 tấn so với cùng kỳ; diện tích rừng trồng mới được 16.339 ha, đạt 102,1% kế hoạch; tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh đạt tỷ lệ 90%.
Trong bối cảnh BDTLCP bùng phát mạnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động xây dựng phương án phát triển sản xuất nhằm bù đắp thiếu hụt về sản lượng, giá trị chăn nuôi. Theo đó, ngành đã chỉ đạo các địa phương khuyến khích người chăn nuôi chuyển sang vật nuôi khác như gia cầm, gia súc ăn cỏ, chăn nuôi thủy sản.
Nhờ đó, riêng chăn nuôi gia cầm tăng thêm 250.000 con; các huyện vỗ béo đàn bò trên 10.000 con, tăng thêm 206 tấn thủy sản. Nhờ sớm có kịch bản chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi, nên dù tổng đàn gia súc chính mới đạt 86,1% kế hoạch, tương đương với 602.982 con nhưng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại vẫn đạt 51.100 tấn, tăng 1.351 tấn so với năm 2018.
Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với trọng tâm là đầu tư phát triển những sản phẩm chủ lực của tỉnh có lợi thế, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong, ngoài tỉnh tiếp tục được nhân rộng. Đến nay, tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa có quy mô lớn, giá trị cao, như: vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao gần 3.000 ha, vùng ngô 15.000 ha, vùng trồng dâu nuôi tằm tập trung trên 450 ha, vùng cây ăn quả gần 8.000 ha, tre măng Bát độ trên 4.000 ha, quế gần 7.000 ha, sơn tra 8.000 ha... đem lại thu nhập cho người dân hàng ngàn tỷ đồng.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đạt được những kết quả khá toàn diện. Năm 2019, tỉnh có thêm 22 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 68 xã, chiếm 43,3% tổng số xã; huyện Trấn Yên đang hoàn thiện hồ sơ công nhận huyện NTM, thành phố Yên Bái hoàn thiện hồ sơ công nhận đơn vị hoàn thành nhiệm vụ XDNTM.
Năm 2019, cũng được ghi nhận nhiều đổi thay trong quản lý chất lượng sản phẩm và hoạt động xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản. Thực hiện đề án nâng cao chất lượng và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức xây dựng cho 17/22 dự án chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng chỉ dẫn địa lý nông sản cho sản phẩm bưởi Đại Minh và gạo nếp Tú Lệ; hỗ trợ 94.988 tem điện tử truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm nông sản thực phẩm cho 14 cơ sở sản xuất, chế biến nông sản.
Cùng đó, để đưa các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn đến với thị trường trong, ngoài nước, năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại bằng nhiều hình thức.
Trong đó, hỗ trợ 75 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng; 60 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc và mua máy in tem sản phẩm; 6 cơ sở sản xuất kinh, doanh xây dựng, phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm; 81 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm và nhiều hội thảo chương trình chuyên đề kết nối cung - cầu.
Năm 2020, toàn ngành bám sát Chương trình hành động số 190-CTr/TU ngày 26/11/2019 của Tỉnh ủy Yên Bái; Chương trình hành động của UBND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2020.
Trong đó, trọng tâm là cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh theo hướng chuyển từ mục tiêu số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng; chuyển từ sản xuất quy mô nhỏ lẻ, phân khúc sang quy mô lớn, khép kín theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Cùng đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là ngăn chặn, khống chế BDTLCP và cơ cấu, tổ chức lại lĩnh vực chăn nuôi, nhân rộng chăn nuôi an toàn, chăn nuôi sinh học nhằm bảo vệ đàn vật nuôi và gia tăng đầu đàn. Tiếp tục chỉ đạo, định hướng và tổ chức hướng dẫn sản xuất an toàn, sản xuất hữu cơ, sản xuất đạt các tiêu chuẩn chứng nhận nhằm nâng cao chất lượng, uy tín của sản phẩm nông sản. Phối hợp với các địa phương để thực hiện các dự án liên kết sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị.
Tổ chức tốt tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Hỗ trợ phát triển mô hình tổ chức sản xuất như hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, làng nghề trên cơ sở tự quản lý, giám sát về chất lượng và thị trường đầu ra cho các sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản...
Văn Thông