Để đạt mục tiêu này, huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK); thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Với đặc thù là huyện miền núi, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hàng năm, huyện đã kiện toàn ban chỉ đạo giảm nghèo các xã, thị trấn để xây dựng mục tiêu, biện pháp giảm nghèo; trong đó, tổ chức rà soát, bình xét hộ nghèo, khảo sát xác định nguyên nhân, tình trạng nghèo để lập danh sách phân loại theo từng nhóm hộ nhằm quản lý và có giải pháp hỗ trợ phù hợp; tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức người nghèo về hướng dẫn phát triển kinh tế có hiệu quả; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả…
Bình xét đối tượng được thụ hưởng đảm bảo tính minh bạch, đúng quy định, đúng đối tượng. Năm 2019, tổng vốn đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo cho 17 xã ĐBKK và 10 xã thuộc vùng 2 của huyện là 6 tỷ 338 triệu đồng.
Từ nguồn vốn này, đã tập trung mua trâu, bò phát triển chăn nuôi, hỗ trợ trồng quế và mua máy móc nông cụ phục vụ sản xuất. Các chính sách hỗ trợ người nghèo về giáo dục đã hỗ trợ cho 9.810 học sinh chi phí học tập, kinh phí trên 4,9 tỷ đồng; 5.431 học sinh từ 3 đến 5 tuổi được hỗ trợ tiền ăn trưa, kinh phí trên 3,7 tỷ đồng; 107 học sinh khuyết tật được hỗ trợ kinh phí trên 644 triệu đồng; 10.899 học sinh thuộc diện hộ nghèo được miễn giảm học phí trên 1,4 tỷ đồng…
Đến hết tháng 12/2019, toàn huyện đã hỗ trợ làm nhà cho 191/259 hộ với tổng kinh phí trên 14,8 triệu đồng, trong đó, vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 4,9 tỷ đồng, Quỹ Vì người nghèo tỉnh 98 triệu đồng, Quỹ Vì người nghèo huyện 39 triệu đồng và vốn huy động khác 9,8 tỷ đồng.
Xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp quan trọng để xóa đói, giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân, hàng năm, huyện đã mở 30 lớp đào tạo nghề cho trên 1.000 lao động nông thôn với các nghề phi nông nghiệp như: điện tử, điện lạnh, may công nghiệp, sửa chữa máy nông nghiệp, mây, tre, song, đan… Đối tượng được đào tạo nghề chủ yếu là lao động hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Sau khi được đào tạo nghề, hầu hết người lao động đều được giới thiệu việc làm tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hoặc mang kiến thức được đào tạo về áp dụng vào phát triển kinh tế gia đình, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Điển hình như nghề nuôi ong mật ở xã Sơn Thịnh đem về thu nhập trung bình cho người dân 7 triệu đồng/tháng/người; trồng cây có múi ở xã Chấn Thịnh cũng đem lại thu nhập 6 triệu đồng/tháng/người; mây, tre, song đan ở xã Thạch Lương là 5 triệu đồng/tháng/người…
Để giúp hộ nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo, cùng với các chính sách hỗ trợ trên, hàng năm, 8.539 hộ nghèo còn được hỗ trợ tiền điện với kinh phí trên 5 tỷ đồng. 1.142 hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn ưu đãi với số tiền trên 53 tỷ đồng.
Trên 2.300 hộ nghèo được nhận gạo cứu đói tết Nguyên đán và giáp hạt của Chính phủ với trên 260 tấn/năm… Cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể đã thường xuyên xuống cơ sở, chỉ đạo, hướng dẫn hộ nghèo cách sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao áp dụng vào kinh tế hộ gia đình. Do đó, nhận thức của người dân đã được nâng nên.
Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo cho thấy đầu năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chiếm 22,27%, tương đương với 8.858 hộ nghèo; cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 14,86%, tương đương 6.006 hộ nghèo, giảm 7,41% hộ nghèo, tương đương với 2.946 hộ thoát nghèo. Một số xã có tỷ lệ giảm nghèo cao như: Tú lệ 10,21%, Phúc Sơn 11,61%, Gia Hội 12,3%...
Để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, thời gian tới, huyện Văn Chấn tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như: tăng dần sự chủ động tiếp cận các chính sách về giảm nghèo đối với người nghèo, nhất là vốn vay để sản xuất; bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp để người dân yên tâm sản xuất; đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn; hỗ trợ cây trồng, vật nuôi và các phương tiện hỗ trợ sản xuất; triển khai các dự án, mô hình phù hợp với điều kiện từng địa phương để nhân rộng, khuyến khích người dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Thái Hưng