Năm 2019 đầy khó khăn và thách thức như dịch bệnh, thời tiết cực đoan… nhưng với sự nỗ lực của nhà nông, Yên Bái vẫn làm nên những mùa vàng bội thu. Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản đạt 7.204 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm, tăng 4,75% so với cùng kỳ.
Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 5.226 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ (trồng trọt đạt 3.327 tỷ đồng, tăng 1,24% so với cùng kỳ, dịch vụ trồng trọt đạt 69 tỷ đồng, tăng 1,25% so với cùng kỳ, giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 1.830 tỷ đồng, tăng 3,45%).
Cùng đó, xây dựng, phát triển và hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn như: vùng lúa chất lượng 3.000 ha, vùng cây ăn quả có múi trên 3.500 ha, vùng quế trên 68.000 ha, vùng tre măng Bát độ trên 3.600 ha, vùng sơn tra trên 6.000 ha, vùng gỗ nguyên liệu 180.000 ha...
Xây dựng và phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị 31 dự án và hết năm 2019 đã có 25 dự án của các địa phương ban hành quyết định phê duyệt thuyết minh dự án và ký hợp đồng với đơn vị chủ trì thực hiện dự án; 4 dự án của các địa phương đang hoàn thiện nội dung để ban hành quyết định phê duyệt thuyết minh dự án; tạm dừng thực hiện 2 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị thịt lợn xã Tân Thịnh của thành phố Yên Bái và dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm thịt lợn trên địa bàn tỉnh.
Cùng đó, tỉnh triển khai thực hiện Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030. Đề án OCOP được triển khai tới tất cả các địa phương trong tỉnh gồm các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc địa phương hoặc được thuần hóa, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản vùng, miền trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh có gia tăng giá trị và không ảnh hưởng đến môi trường… do kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể làm nòng cốt (doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh).
Mục tiêu là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất ra các sản phẩm truyền thống, sản phẩm, dịch vụ có lợi đạt tiêu chuẩn và lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.
Để triển khai Đề án OCOP được thuận lợi, tỉnh đã tổ chức tập huấn thực hiện Đề án cho cán bộ, công chức các sở, ngành, huyện thị, thành phố; triển khai chu trình OCOP theo 6 bước; thành lập hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm ở cấp tỉnh và huyện.
Đã có 7 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên: miến đao Giới Phiên; chè shan tuyết Suối Giàng huyện Văn Chấn; gạo Séng cù Mường Lò; chè Bát tiên huyện Trấn Yên; bưởi Đại Minh, huyện Yên Bình, quế điếu huyện Trấn Yên; nước lau sàn tinh dầu quế Văn Yên... Có thể nói, 7 sản phẩm chưa phải nhiều ở một tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế như Yên Bái, nhưng đó là một sự cố gắng rất lớn.
Phát huy kết quả đạt được, trong năm 2020, tỉnh dự kiến phát triển 50 sản phẩm OCOP, tập trung phát triển các sản phẩm thế mạnh, sản phẩm đặc sản của địa phương, bao gồm các sản phẩm, nhóm sản phẩm như: thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; hàng lưu niệm, nội thất, trang trí; dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng.
Mục tiêu đó không phải là lớn, nhưng để thực hiện được cần sự nỗ lực cao độ và thực hiện đồng bộ các giải pháp như: ưu tiên, lựa chọn những sản phẩm chủ lực, đặc sản có lợi thế của địa phương, được thị trường chấp nhận để nâng cao chất lượng sản phẩm; có sự tham gia vào cuộc chỉ đạo quyết liệt các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tham gia vào chương trình OCOP và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, là chương trình phát triển kinh tế quan trọng; phát triển sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đa dạng thuộc 6 nhóm ngành hàng. Sản phẩm phải từng bước nâng cao chất lượng, quy chuẩn, đáp ứng tiêu chuẩn các thị trường khác nhau.
Việc phát triển sản phẩm, dịch vụ phải đi liền với các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp (hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp hoặc hợp tác xã); đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên trong và ngoài tỉnh; mời gọi, tổ chức các hội chợ thường niên giới thiệu các sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh; ưu tiên lồng ghép nguồn lực từ các chương trình để phát triển sản phẩm OCOP; quan tâm nguồn vốn cho hỗ trợ về khoa học và công nghệ để phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm; có cơ chế đặc thù ưu tiên cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình có đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Thanh Phúc